Bí ẩn quanh vụ tai nạn máy bay thảm khốc tại Italia năm 1980

Vào 20 giờ ngày 27/6/1980, chiếc máy bay chở khách loại DC-9, chuyến bay số 870 của Hãng Hàng không Italia Airlines cất cánh từ sân bay Bologna đến Palermo. Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau đó trung tâm kiểm soát không lưu dưới mặt đất bất ngờ mất tín hiệu liên lạc của chiếc DC-9.

Thông điệp cuối cùng mà nhân viên không lưu nghe được từ phi công là một câu thốt lên đầy kinh hãi: "Chúa ơi! Cái gì thế này?". Không lâu sau đó chiếc máy bay được xác định đã gặp nạn và rơi xuống biển Tyrrhenian gần đảo Ustica, miền Nam Italia. Tất cả 81 người bao gồm hành khách và phi hành đoàn trên máy bay đều thiệt mạng. Vụ tai nạn của chiếc DC-9 được đánh giá là thảm kịch hàng không dân sự nghiêm trọng và bí ẩn nhất từ sau Thế chiến II của Italia.


Hình ảnh về chiếc DC-9 sau khi được trục vớt.

Những giả thuyết đáng chú ý ban đầu về nguyên nhân của vụ tai nạn được đưa ra là do máy bay gặp sự cố kỹ thuật hoặc đây là một âm mưu khủng bố cài bom trên máy bay. Tuy nhiên, điều hết sức khó hiểu là chính phủ nước này lại không tiến hành một cuộc điều tra về vụ tai nạn và bất chấp những nghi ngờ của dư luận trong nước. Đồng thời họ cũng không đưa ra lời giải thích cho quyết định gây tranh cãi trên. Mặc dù bị giới cầm quyền tìm cách ém nhẹm nhưng dư âm của vụ tai nạn vẫn còn mãi day dứt lương tri người dân Italia cho đến tận ngày nay, đặc biệt là những gia đình có người thân bị thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Phải đến năm 1987, Tòa án Italia mới mở cuộc điều tra riêng về vụ tai nạn của chiếc DC-9. Một phần quan trọng trong cuộc điều tra này đó là kế hoạch trục vớt xác chiếc máy bay dưới biển Tyrrhenian. Sau gần một năm chiến dịch trục vớt các mảnh vỡ của chiếc DC-9 đầy khó khăn cuối cùng cũng đã thành công với 65% xác của máy bay DC-9 và cả chiếc hộp đen của nó đã được đưa lên bờ.

Việc trục vớt thành công xác chiếc DC-9 đã mở ra một hướng dư luận mới về nguyên nhân của vụ tai nạn. Dựa trên những mảnh vỡ thu được, các điều tra viên và các chuyên gia đồ họa đã dựng lại mô hình chiếc DC-9 trên thực địa. Qua phân tích và nghiên cứu tỉ mỉ các mảnh vỡ, nhóm điều tra đã đưa ra kết luận hết sức bất ngờ đối với dư luận lúc bấy giờ.

Theo đó chiếc DC-9 đã gặp nạn do trúng phải một quả tên lửa. Nhóm điều tra phát hiện một lỗ thủng ở ngay cửa khoang lái máy bay ở phía bên trái và một lỗ thủng tương ứng ở phía đối diện. Để minh chứng cho kết luận này, Luigi Di Stefano, một chuyên gia đồ họa nhiều kinh nghiệm tham gia vào cuộc điều tra đã cung cấp cho báo chí Italia bức ảnh mô phỏng vị trí trúng tên lửa trên thân máy bay.

Vào lúc đó báo chí Italia bắt đầu đặt câu hỏi nếu giả thuyết máy bay bị trúng tên lửa là đúng thì quả tên lửa đó xuất phát từ đâu? Tuy nhiên kết luận của cuộc điều tra vẫn chỉ dừng lại ở mức độ giả thuyết mà không có đầy đủ bằng chứng. Nguyên nhân chính của sự bế tắc này do Bộ Quốc phòng và Cơ quan Tình báo Italia đã tìm mọi cách cản trở nhóm điều tra thu thập bằng chứng.

Gần 15 năm sau, câu hỏi này mới được giải đáp phần nào. Năm 1999, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của gia đình các thân nhân và dư luận, Rosario Priore, một trong những thẩm phán nổi tiếng nhất Italia và là chuyên gia về khủng bố đã quyết định mở một cuộc điều tra với quyết tâm đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân của vụ tai nạn.

Cuộc điều tra đã thu được kết quả mang tính bước ngoặt khi Priore thành công trong việc gây sức ép buộc Không quân Italia phải công bố hồ sơ liên quan đến diễn biến đang xảy ra tại khu vực biển Tyrrhenian vào đúng thời điểm chiếc máy bay DC-9 được cho là rơi xuống biển. Các tài liệu, trong đó đáng chú ý là các hình ảnh lấy từ hệ thống rađa vào đêm 27/6/1980 cho thấy, tại khu vực này đã diễn ra một cuộc truy kích trên không giữa máy bay của NATO với 2 chiếc máy bay MiG-21 của Libya.

6 chiếc máy bay của NATO được xác định là của Hải quân Anh, Mỹ đồn trú tại Italia. Từ những tình tiết mới này Priore tin rằng chiếc DC-9 xấu số đã không may trở thành nạn nhân của cuộc không chiến này. Trong khi đó theo nguồn tin rò rỉ từ tình báo Italia thì vào đêm đó hải quân Anh, Mỹ và Italia đã lên kế hoạch bắn hạ chiếc máy bay chở Tổng thống Libya Muammar Gaddafi bay qua khu vực này, nhưng kế hoạch này đã thất bại khi chiếc máy bay chở Gaddafi được hộ tống bởi 2 chiếc MiG-21 cùng với sự xuất hiện ngoài dự tính của chiếc DC-9.

Priore còn tin rằng quả tên lửa bắn trúng chiếc DC-9 xuất phát từ một trong những chiếc máy bay của NATO. Nhận định này dựa trên thái độ bất hợp tác của Không quân Italia cũng như hải quân các nước NATO có liên quan. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Italia đã phủ nhận có liên quan đến vụ tai nạn này.

Trong khi đó, hải quân Anh, Mỹ cho đến nay vẫn tỏ thái độ bất hợp tác và từ chối đưa ra bình luận. Điều này cũng đồng nghĩa dư luận Italia sẽ vẫn phải tiếp tục chờ đợi trong hành trình tìm kiếm sự thật cuối cùng về thảm kịch hàng không này.

Cập nhật: 10/07/2020 Theo Dân Việt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video