5 nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến thảm họa máy bay rơi

  •   3,84
  • 6.911

Lỗi do phi công và hỏng hóc máy móc là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn máy bay, xếp trên cả hoạt động khủng bố và thời tiết xấu.

Lỗi do phi công

Trong khi thiết kế máy bay trở nên ngày càng an toàn, tỷ lệ tai nạn do phi công gây ra ngày càng tăng và chiếm khoảng 50% số vụ máy bay rơi. Máy bay là những cỗ máy phức tạp đòi hỏi nhiều kỹ năng điều khiển. Do phi công có vai trò gắn liền với máy bay ở mọi giai đoạn bay, nguy cơ mắc lỗi vận hành rất lớn, từ lập trình sai máy tính kiểm soát chuyến bay (FMC) đến tính toán nhầm lượng nhiên liệu cần thiết khi cất cánh, theo IFL Science.

Máy bay số hiệu 214 của hãng hàng không Asiana đâm xuống một con đê chỉ một thời gian ngắn sau khi cất cánh do nhầm lẫn của phi công.
Máy bay số hiệu 214 của hãng hàng không Asiana đâm xuống một con đê chỉ một thời gian ngắn sau khi cất cánh do nhầm lẫn của phi công. (Ảnh: AP).

Đặc biệt, phi công là người cuối cùng có thể cứu cả chuyến bay khi sự cố xảy ra. Vào tháng 1/2009, một chiếc máy bay Airbus A320 đâm vào một đàn ngỗng trên bầu trời thành phố New York, Mỹ, dẫn đến động cơ ngừng hoạt động. Cơ trưởng Chesley Sullenberge phải cân nhắc một số phương án và hành động khẩn cấp. Với kinh nghiệm bay lâu năm và hiểu biết về khả năng vận hành của chiếc máy bay, ông chọn cách đáp xuống sông Hudson và cứu sống 150 hành khách.

Thiết bị hỏng hóc

Thiết bị hỏng hóc vẫn chiếm khoảng 20% số vụ tai nạn máy bay, dù có nhiều cải tiến trong thiết kế và chất lượng sản xuất. Ngày nay, động cơ máy bay đã trở nên an toàn hơn cách đây nửa thế kỷ, nhưng lỗi vận hành đôi khi vẫn xảy ra.

Máy bay số hiệu 191 của hãng hàng không American Airlines gặp sự cố động cơ và rơi xuống đất tháng 5/1979.
Máy bay số hiệu 191 của hãng hàng không American Airlines gặp sự cố động cơ và rơi xuống đất tháng 5/1979. (Ảnh: BBC).

Năm 1989, một cánh quạt rời ra khiến động cơ số một (bên trái) của chiếc máy bay Boeing 737 - 400 thuộc hãng hàng không British Midland ngừng hoạt động. Bảng đồng hồ khó đọc khiến nhóm phi công đoán sai động cơ mất công suất. Trong lúc rối trí, họ tắt nhầm động cơ số hai (bên phải). Do không còn công suất, máy bay đâm xuống đường bay 27 của sân bay East Midlands, khiến 47 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, bao gồm cơ trưởng và cơ phó.

Vào tháng 11/2010, máy bay Airbus A380 của hãng hàng không Qantas chở 459 hành khách và phi hành đoàn bị hỏng động cơ khi bay phía trên đảo Batam, Indonesia. Nhờ kỹ năng của phi công, chiếc máy bay tiếp đất an toàn.

Thời tiết

Thời tiết xấu là thủ phạm gây ra 10% số vụ tai nạn máy bay. Dù có nhiều thiết bị điện tử hỗ trợ như la bàn hồi chuyển, định vị vệ tinh và kết nối dữ liệu thời tiết, máy bay vẫn dễ bị ảnh hưởng trong điều kiện bão, tuyết và sương mù. Tháng 12/2005, chiếc máy bay chở khách số hiệu 1248 của hãng hàng không Southwest bay từ sân bay quốc tế Baltimore - Washington đến sân bay quốc tế Chicago Midway, nỗ lực hạ cánh trong cơn bão tuyết. Nó trượt khỏi đường băng và đâm vào một hàng xe, khiến một trẻ nhỏ thiệt mạng.

Máy bay số hiệu 1248 của Southwest Airlines đâm vào hàng xe.
Máy bay số hiệu 1248 của Southwest Airlines đâm vào hàng xe. (Ảnh: The Conversation).

Một trong những tai nạn máy bay do thời tiết xấu nổi tiếng nhất xảy ra vào tháng 2/1958, khi chiếc máy bay chở khách hai động cơ của hãng hàng không British European Airways rơi trong khi đang cất cánh từ sân bay Munich - Riem. Trong số 23 hành khách thiệt mạng, có nhiều cầu thủ chơi cho Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United. Các điều tra viên đưa ra giả thuyết máy bay bị chậm tốc độ do tuyết tan mềm trên đường băng, khiến nó không thể đạt tốc độ cất cánh. Nhìn chung, sét đánh không gây ra nhiều vụ tai nạn máy bay như quan niệm phổ biến.

Hành động phá hoại

Khoảng 10% tai nạn máy bay do hành động phá hoại gây ra. Tương tự sét đánh, nguy cơ gắn liền với hành động phá hoại thấp hơn so với suy nghĩ của nhiều người. Tuy nhiên, những vụ việc do không tặc gây ra thường gây chú ý.

Máy bay bị không tặc khống chế lao vào tòa tháp đôi ở New York, Mỹ hôm 11/9.
Máy bay bị không tặc khống chế lao vào tòa tháp đôi ở New York, Mỹ hôm 11/9. (Ảnh: Youtube).

Tháng 9/1970, vụ không tặc bắt cóc và cho nổ tung ba chiếc máy bay chở khách đến Dawsons Field ở Jordan trước ống kính truyền thông trở thành khoảnh khắc đẫm nước mắt trong lịch sử ngành hàng không. Sự kiện 11/9, trong đó một nhóm không tặc cướp gần như đồng thời 4 máy bay chở khách hiệu Boeing trên đường bay nội địa của Mỹ cũng khiến cả thế giới chấn động vì mức độ thương vong và thiệt hại gây ra.

Các rủi ro khác gắn với con người

Các vụ tai nạn máy bay còn lại (10%) đều bắt nguồn từ những lỗi khác của con người, như nhầm lẫn của kiểm soát viên không lưu, nhân viên điều vận, tải hàng, tiếp nhiên liệu hoặc kỹ sư bảo dưỡng. Đôi khi do phải làm việc theo ca dài, kỹ sư bảo dưỡng có thể mắc lỗi dẫn đến tai họa lớn.

Sự cố vỡ kính chắn gió do lỗi của kỹ sư bảo dưỡng suýt giết chết một cơ trưởng của British Airways
Sự cố vỡ kính chắn gió do lỗi của kỹ sư bảo dưỡng suýt giết chết một cơ trưởng của British Airways. (Ảnh minh họa: Blogspot).

Năm 1990, sự cố vỡ kính chắn gió trong một chuyến bay của hãng hàng không British Airways gần như cướp đi mạng sống của cơ trưởng. Theo Ủy ban Điều tra Tai nạn Máy bay, gần như tất cả 90 chốt an toàn của kính chắn gió đều có đường kính nhỏ hơn quy định. Thay vì thừa nhận đã sử dụng chốt sai kích cỡ, kỹ sư bảo dưỡng chịu trách nhiệm lắp kính chắn gió mới đổ lỗi cho lỗ vặn chốt lớn quá khổ. Người kỹ sư này không ngủ đủ giấc và phải tiến hành thay kính trong khi cơ thể không đủ tỉnh táo.

Cập nhật: 29/10/2018 Theo VnExpress
  • 3,84
  • 6.911