Biến bã cà phê, bã mía thành... chậu cây, bộ cờ

Những nguyên liệu tưởng chừng không còn giá trị sử dụng hoặc giá trị kinh tế thấp như bã mía, khoai lang... có thể trở thành nhựa sinh học.

Dự án "BIOPLASTIC - Sản xuất các vật dụng bằng nhựa sinh học từ khoai lang, bã mía, bã cà phê" của nhóm học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh, TP HCM) đã đoạt giải nhất cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" năm 2023 cấp thành phố. Dự án cũng được chọn tham dự cuộc thi này ở cấp quốc gia.

Thay thế nhựa truyền thống

ThS Lê Văn Nam - giáo viên Trường THPT Trần Văn Giàu, người hướng dẫn thực hiện dự án - cho biết dự án được xây dựng dựa trên ý tưởng phát triển nhựa sinh học thay thế nhựa truyền thống từ các nguồn phế liệu. Nhóm nghiên cứu đã chọn vật liệu khoai lang, bã mía và bã cà phê để tạo ra nhựa sinh học với đặc tính cứng, nhẹ, bền, thân thiện với môi trường và an toàn với người sử dụng.

Nói về dự án, em Vũ Thị Hồng Minh, thành viên nhóm nghiên cứu Net - Zero, cho biết các sản phẩm nói trên đã được kiểm định về các chỉ số hóa học như chỉ số phơi nhiễm kim loại, plastic... Dự án đã tận dụng được những nguyên liệu không còn giá trị kinh tế hoặc giá trị thấp, thường đem đốt hoặc đổ bỏ, gây ô nhiễm môi trường.

Theo nhóm thực hiện dự án, các sản phẩm nhựa sinh học khác trên thị trường có tính dẻo nên chủ yếu được dùng làm túi ni-lông hay màng bọc thực phẩm. Tuy nhiên, nhựa sinh học được nhóm Net - Zero cho ra mắt lại vượt trội về độ cứng, nhẹ và bền, có thể làm nhiều sản phẩm hữu ích khác. Hơn nữa, loại nhựa sinh học này có khả năng phân hủy trong môi trường mà không gây ô nhiễm hay tác động xấu.


Nhóm thực nghiệm dự án “BIOPLASTIC - Sản xuất các vật dụng bằng nhựa sinh học từ khoai lang, bã mía, bã cà phê” ở phòng thí nghiệm.

Đại diện nhóm thực hiện dự án cho hay trong khi nhựa truyền thống mất hàng trăm đến hàng ngàn năm để phân hủy thì các loại nhựa sinh học hiện có chỉ cần 1 năm. Riêng nhựa sinh học của Net - Zero mất từ 3 - 5 năm để hoàn toàn phân hủy nên sản phẩm có thể được sử dụng lâu hơn mà vẫn bảo đảm thời gian phân hủy khá nhanh.

Nhiều giá trị thiết thực

Thầy Lê Văn Nam cho biết dự án hướng đến kinh doanh sản phẩm chính là bộ cờ vua, cờ tướng, chậu cây handmade để bàn, khuôn đựng nến thơm... làm bằng nhựa sinh học. Những sản phẩm này không chỉ tiện dụng, hữu ích, có tính thẩm mỹ mà còn được xem là giải pháp thay thế hiệu quả cho sản phẩm làm bằng nhựa truyền thống với đặc điểm rất khó phân hủy.

Thuyết trình về dự án, nhóm nghiên cứu tự tin khẳng định các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, có thể ứng dụng rộng rãi, tạo ra thị trường sản phẩm xanh tiềm năng và còn tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân.


Học sinh chơi cờ vua từ sản phẩm nhựa sinh học của nhóm Net - Zero.

Em Kiều Ngọc Hân, thành viên nhóm, cho hay dự án được phát triển tại Phòng Thí nghiệm công nghệ môi trường - ĐHQG TP HCM và Trường ĐH Văn Lang (TP HCM) với sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Sản phẩm đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đã được nhiều khách hàng đón nhận bởi có nhiều ưu điểm vượt trội, giá cả hợp lý.

Nhóm nghiên cứu chia sẻ rằng mục tiêu không chỉ là phát triển sản phẩm nhựa sinh học thay thế nhựa truyền thống mà còn góp phần hình thành lối sống "zero waste" (không rác thải), đồng hành với các chương trình bảo vệ môi trường.

Theo Ban Giám khảo cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" năm 2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tổ chức, đây là dự án có ý nghĩa thiết thực cho môi trường Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, giúp nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, dự án tác động tích cực đến nhận thức của con người trong các vấn đề bảo vệ môi trường; thúc đẩy phát triển bền vững và tạo ra môi trường sống lành mạnh cho thế hệ tương lai.

Nhóm học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu (TP HCM) tham gia dự án gồm: Vũ Thị Hồng Minh, Nguyễn Thị Hoài Ni, Kiều Ngọc Hân, Nguyễn Hoàng Linh Đan và Hồ Quốc Thụy Ân.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của học sinh

Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hằng năm nhằm tạo môi trường trải nghiệm; ươm mầm cho các ý tưởng khả thi của học sinh; nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp cho các em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; đa dạng hóa nguồn vốn hỗ trợ cho dự án tiềm năng.

Tại TP HCM, cuộc thi được phát động từ tháng 10-2023, thu hút 152 dự án với nhiều ý tưởng sáng tạo thú vị ở nhiều nhóm lĩnh vực.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM), Phó Ban Giám khảo cuộc thi cấp thành phố - đánh giá các dự án tham gia đều có chiều sâu về ý tưởng, thể hiện khả năng nắm bắt nhu cầu từ cuộc sống, vì thế có tính thực tiễn cao. Đây là tín hiệu tích cực về tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng khắp trong học sinh toàn TP HCM.

Cập nhật: 27/02/2024 NLĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video