Không chỉ khiến cho những con đường thêm mộng mơ, bằng lăng được đánh giá cao vì có nhiều tác dụng trị liệu, có thể sử dụng hầu hết các thành phần của cây để bào chế dược liệu.
Những điều cần biết khi sử dụng cây bằng lăng
Trong cái nắng tháng Năm, nhiều góc phố, con đường ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước ngập tràn sắc tím hoa bằng lăng.
Sự có mặt của loài hoa xinh đẹp, dịu dàng, lãng mạn này khiến cho những con đường thêm yêu, thêm thơ, thêm mộng mơ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết bằng lăng còn có tác dụng làm thuốc, giúp cầm máu, giảm đau, thúc đẩy tuần hoàn máu, hạ đường huyết.
1. Giới thiệu về cây bằng lăng
Bằng lăng có tên khoa học là Lagerstroemia calyculata Kurz. Bằng lăng là một loại cây có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á, có nhiều tên gọi khác nhau như Săng lẻ, Bằng lang, Truol, ...
Hầu như mọi bộ phận của cây đều có dược tính. Ví dụ, vỏ cây thường được dùng để hỗ trợ điều trị tiêu chảy, trong khi chiết xuất từ rễ và quả của cây được cho là có tác dụng giảm đau.
Đặc biệt, trong lá của bằng lăng chứa hơn 40 hợp chất có lợi, trong đó nổi bật là axit corosolic và axit ellagic. Lá của bằng lăng đem lại nhiều lợi ích sức khoẻ khác nhau nhưng khả năng làm giảm lượng đường trong máu nổi bật hơn cả.
Lá của bằng lăng chứa hơn 40 hợp chất có lợi, lợi ích tiêu biểu nhất là hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường (Ảnh: Internet)
2. Lợi ích của bằng lăng đối với sức khoẻ
Theo Đông Y, bằng lăng có mùi thơm đặc trưng, chát, không độc, có tính kháng khuẩn mạnh và làm săn chắc da.
Theo Y học hiện đại và các nghiên cứu cho thấy lá bằng lăng có nhiều dược tính khác nhau và đem lại những lợi ích sức khoẻ tiềm năng như:
2.1. Kiểm soát lượng đường trong máu
Lá bằng lăng được cho là có thể kiểm soát lượng đường trong máu nên hữu ích trong việc điều trị bệnh tiểu đường.
Sở dĩ, lá bằng lăng có tác dụng này là nhờ chứa các hợp chất như axit corosolic, ellagitannin và gallotannins, cụ thể:
- Axit corosolic làm giảm lượng đường trong máu bằng cách tăng độ nhạy insulin, tăng cường hấp thu glucose và ức chế alpha-glucosidase - một loại enzyme giúp tiêu hóa carbs.
- Ngoài axit corosolic, ellagitannin - cụ thể là lagerstroemin, flosin B và reginin A - cũng cải thiện lượng đường trong máu. Những hợp chất này thúc đẩy quá trình hấp thu glucose bằng cách kích hoạt chất vận chuyển glucose loại 4 (GLUT4), một loại protein vận chuyển glucose từ máu vào tế bào cơ và mỡ.
- Gallotanin có khả năng kích thích quá trình vận chuyển glucose vào tế bào. Người ta thậm chí còn đưa ra giả thuyết rằng một loại gallotanin có tên là penta-O-galloyl-glucopyranose (PGG) có hoạt tính kích thích cao hơn axit corosolic và ellagitannin.
Lá bằng lăng có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu là nhờ chứa các hợp chất như axit corosolic, ellagitannin và gallotannins. (Ảnh: Internet).
2.2. Chống oxy hoá
Trong lá bằng lăng có chứa nhiều chất chống oxy hoá như phenol và flavonoid, cũng như quercetin và axit corosolic, gallic và ellagic, có tác dụng chống lại các gốc tự do.
Gốc tự do là tác nhân gây đột biến gene, góp phần làm tăng nguy cơ ung thư hoặc các bệnh tật khác.
Các chất chống oxy hóa có trong bằng lăng hỗ trợ loại bỏ các gốc tự do và giảm bớt tác hại của chúng. Đặc biệt, axit ellagic trong bằng lăng là chất chống oxy hóa mạnh có liên quan đến việc cải thiện sức khỏe nói chung bằng cách giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
2.3. Ngăn ngừa béo phì
Các nghiên cứu gần đây cho thấy bằng lăng có tác dụng ngăn ngừa béo phì, vì chúng có thể ức chế quá trình tạo mỡ.
Ngoài ra, các polyphenol trong lá, chẳng hạn như penta galloyl glucose (PGG), có thể ngăn chặn tiền chất của tế bào mỡ biến đổi thành tế bào mỡ trưởng thành.
Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu về chủ đề này được thực hiện trong ống nghiệm, vì vậy cần có các nghiên cứu trên người.
2.4. Phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tim
Các nghiên cứu trên động vật và con người cho thấy rằng axit corosolic và PGG trong lá bằng lăng có thể giúp giảm mức cholesterol và chất béo trung tính trong máu. Điều này có thể giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Axit corosolic và PGG trong lá bằng lăng có thể giúp giảm mức cholesterol và chất béo trung tính trong máu, giúp phòng ngừa bệnh tim mạch. (Ảnh: Internet).
2.5. Lợi ích tiềm năng khác
Lá bằng lăng còn đem lại nhiều lợi ích sức khoẻ khác như:
- Chống ung thư: Các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất lá bằng lăng có thể chống lại một số bệnh ung thư.
- Tiềm năng kháng khuẩn và kháng virus. Chiết xuất từ lá bằng lăng có thể bảo vệ chống lại các vi khuẩn như Staphylococcus aureus và Bacillus megaterium, cũng như các loại virus như virus HRV - loại virus gây nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Chiết xuất từ lá bằng lăng có tác dụng chống huyết khối, ngăn ngừa tình trạng huyết áp cao và đột quỵ,.
- Chất chống oxy hóa trong chiết xuất bằng lăng có thể bảo vệ thận khỏi bị hư hại do thuốc hóa trị gây ra.
3. Một số bài thuốc từ bằng lăng
Dưới đây là một số bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh từ cây bằng lăng. Tuy nhiên, các bài thuốc này chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, không thay thế cho các chỉ định của bác sĩ. Trước khi áp dụng các bài thuốc này, mọi người nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc thầy thuốc Đông Y.
- Bài thuốc hỗ trợ điều trị tiểu đường: Sử dụng 50g lá bằng lăng già hoặc 50g quả khô hãm với 0.5 lít nước sôi, uống hàng ngày khoảng 4 đến 6 cốc.
- Hỗ trợ giảm cân: Lấy lá bằng lăng đun nước uống nước hàng ngày, bài thuốc này vừa giúp ngăn chặn sự tích tụ carbohydrate vừa giảm sự hình thành mỡ.
- Hỗ trợ điều trị tiêu chảy, kiết lỵ: Sử dụng 20 đến 30g vỏ thân bằng lăng tía, cắt nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần/ngày.
- Chữa bỏng: Sử dụng 300g vỏ thân bằng lăng. Lấy 100g nấu với nước cho đặc dùng để rửa vết thương. Lượng còn lại 200g, băm nhỏ, nấu với 2 lần nước, lọc rồi cô thành cao lỏng và dùng để ngày bôi từ 2 - 3 lần.
- Bài thuốc giúp lợi tiểu: Cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần dùng lá bằng lăng đun lên uống hàng ngày như nước trà, vừa giúp lợi tiểu lại phòng ngừa viêm đường tiết niệu.
- Hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn: Sử dụng vỏ thân bằng lăng nấu cô đặc thành cao, sau đó thoa lên vết thương để giảm tình trạng nhiễm khuẩn và tạo một lớp màng bảo vệ vết thương.
Bằng lăng được sử dụng trong nhiều bài thuốc Đông Y. (Ảnh: Internet).
4. Những lưu ý khi sử dụng bằng lăng
Sử dụng lá bằng lăng khá an toàn, nhưng để phòng ngừa một số tác dụng có thể xảy ra, mọi người nên lưu ý một số điều:
- Vì lá bằng lăng có tác dụng giảm lượng đường trong máu. Vì vậy, khi sử dụng là bằng lăng, bạn không nên kết hợp với các loại thuốc trị tiểu đường khác như metformin hoặc với các thực phẩm khác được sử dụng để giảm lượng đường trong máu.
- Những người bị dị ứng với các loại thực vật khác thuộc họ Lythraceae - chẳng hạn như quả lựu và loosestrife - nên thận trọng khi sử dụng cây bằng lăng, vì những người này có thể tăng độ nhạy cảm với loại cây này.
- Một nghiên cứu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường và suy giảm chức năng thận đã báo cáo rằng axit corosolic từ lá bằng lăng có thể dẫn đến tổn thương thận khi dùng cùng với diclofenac - một loại thuốc chống viêm không steroid, dùng để điều trị đau khớp. Do đó, bạn nên thận trọng hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ khi đang dùng bất kỳ loại thuốc nào.
Top 8 lợi ích của lá xoài có thể bạn chưa biết
Vỏ cam là "thuốc thần" giải quyết nhiều bài toán trong đời sống
Top 5 thực phẩm giàu collagen tự nhiên và 5 thực phẩm tăng sinh collagen