Thủ tướng Anh khẳng định tình trạng ấm lên của trái đất có thể gây nên một cuộc khủng hoảng kinh tế mà mức độ thiệt hại vật chất của nó lớn hơn cả hai cuộc chiến tranh thế giới và Đại suy thoái gộp lại.
Phát biểu tại một hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu ở thủ đô London hôm qua, Thủ tướng Anh Gordon Brown nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới phải đạt được một thỏa thuận để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Nếu nỗ lực đó thất bại, mỗi năm thế giới không chỉ mất hàng trăm nghìn sinh mạng người do hạn hán và lũ lụt, mà còn phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong vài thập niên gần đây.
Thủ tướng Anh cho rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến hàng trăm nghìn người chết mỗi năm vì lũ lụt và hạn hán. Ảnh: Reuters. |
“Đó là nguy cơ về mặt nhân đạo, sinh thái và kinh tế. Nếu không ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, GDP toàn cầu sẽ giảm 20%. Mức thiệt hại kinh tế này lớn hơn tổn thất do hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc khủng hoảng Đại suy thoái gây nên. Chúng ta có thể khẳng định rằng đây là thời điểm có ý nghĩa hệ trọng đối với thế giới của chúng ta”, ông nói.
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Liên Hợp Quốc chủ trì vào tháng 12 năm nay tại Copenhagen (Đan Mạch) sẽ tập trung vào nỗ lực ký kết môt thỏa thuận để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Lãnh đạo của khoảng 190 nước sẽ tham dự hội nghị.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này các cuộc thương lượng vẫn đang lâm vào thế bế tức do những nước giàu như Mỹ không muốn chấp nhận những cam kết nghiêm ngặt trong việc giảm khí thải carbon. Trong khi đó, các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ từ chối hành động nếu nhóm nước giàu không chịu đưa ra cam kết.
Ông Gordon Brown phát biểu tại Diễn đàn các nền kinh tế lớn tại London. Ảnh: AP. |
Telegraph cho biết, trong nỗ lực cuối cùng nhằm giải quyết bất đồng giữa các nước, Anh mời bộ trưởng và quan chức từ 17 quốc gia tới London để tham dự Diễn đàn các nền kinh tế lớn. Cuộc họp bắt đầu từ ngày 19/10.
Ông Brown – người sẽ tới Copenhagen vào tháng 12 để tham gia hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc – kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động theo ông. Thủ tướng Anh cho rằng những nước giàu nên cam kết giảm lượng khí thải từ 25 tới 40% trước năm 2020. Cùng lúc đó những nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc và Ấn Độ cần đưa ra các biện pháp cụ thể để hạn chế mức độ thiệt hại do sự phát triển kinh tế quá nhanh của họ gây nên. Những nước giàu, trong đó có Anh, phải đóng góp khoảng 84 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước nghèo thích nghi với biến đổi khí hậu và giảm lượng khí thải carbon.