Những cuộc nội chiến và xung đột vũ trang tại châu Phi sẽ tăng lên trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2030 do tình trạng ấm lên toàn cầu.
Trước đây những nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu với các cuộc chiến tại châu Phi chỉ tập trung vào lượng mưa. Nhưng mới đây các nhà khoa học của Đại học California và Đại học Stanford (Mỹ) đã phân tích cả dữ liệu về lượng mưa, nhiệt độ và số lượng các cuộc xung đột vũ trang tại châu Phi từ năm 1981 tới 2002.
Theo New Scientist, nhóm nghiên cứu nhận thấy có một mối liên hệ chặt chẽ giữa nhiệt độ và nguy cơ xung đột vũ trang. Trong những giai đoạn mà nhiệt độ trung bình tăng thì số lượng các cuộc chiến cũng leo thang. Các tính toán dựa trên mô hình khí hậu cho thấy, nguy cơ chiến tranh sẽ tăng lên 54% trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2030, với số người chết tăng thêm 393.000. Marshell Burke và David Lobell, hai trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng lượng khí thải sẽ không giảm trong ngắn hạn nên nhiệt độ trái đất còn tăng và các cuộc chiến trong tương lai sẽ thảm khốc như hiện nay.
|
Hơn hai triệu người mất nhà cửa và trở thành dân tị nạn vì cuộc nội chiến ở Sudan. Ảnh: ehponline.org. |
Nhiều nhà khoa học khác đồng ý rằng sự thay đổi nhiệt độ có thể tác động tới nguy cơ chiến tranh, song họ không nghĩ mối tương quan lại mạnh đến thế. “Tôi hoài nghi kết luận của Burke và Lobell”, Peter Brecke, một chuyên gia của Viện Công nghệ Georgia (Mỹ), phát biểu.
Cullen Hendrix, một nhà khoa học chính trị của Đại học North Texas (Mỹ), cho rằng có nhiều vấn đề có thể làm sai lệch kết quả nghiên cứu của Burke và Lobell. Thứ nhất, nghiên cứu tập trung vào giai đoạn mà số lượng các cuộc chiến cao hơn hẳn so với những giai đoạn khác. Thứ hai, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các cường quốc đã cắt viện trợ dành cho châu Phi khiến nhiều nước ở lục địa đen rơi vào cảnh nội chiến. Như vậy sự tăng nhiệt độ không phải là nhân tố hàng đầu dẫn tới nguy cơ chiến tranh.
“Chúng tôi rất vui nếu ai đó chứng minh rằng chúng tôi sai. Nhưng mối liên hệ giữa nhiệt độ và nguy cơ chiến tranh vẫn rất chặt chẽ ngay cả khi chúng tôi loại trừ các yếu tố khác, như mức độ dân chủ và thực trạng kinh tế”, Lobell và Burke tuyên bố.
Burke và Lobell cho rằng khi nhiệt độ tăng, sản lượng lương thực sẽ giảm do cây trồng sinh trưởng kém hơn. Ngoài ra năng suất lao động trong nhiều ngành kinh tế khác cũng giảm. Tình trạng đó khiến kinh tế tụt dốc. Khi nền kinh tế suy yếu, căng thẳng xã hội và nguy cơ xung đột sẽ tăng. Sự ấm lên toàn cầu cũng khiến số lượng nguồn nước ngọt giảm dần. Trong tương lai tranh chấp nguồn nước sẽ trở thành một trong những nguyên nhân gây mâu thuẫn giữa các quốc gia.