Biến rác trên “nóc nhà thế giới” thành kho báu

Trong khi hàng nghìn người thích phiêu lưu kéo đến núi Everest bởi thử thách leo lên “nóc nhà của thế giới”, Jeff Clapp lại bị lôi cuốn bởi rác thải do những người leo núi bỏ lại chất thành đống đến nỗi nhiều người đã gọi đỉnh núi cao 8848 m này là “điểm tập kết phế liệu cao nhất hành tinh”.

Jeff Clapp giới thiệu chiếc chuông được tái chế từ bình dưỡng khí.  (Ảnh: AP)

Tình trạng xả rác trên núi Everest có từ trước khi Edmund Hillary (người New Zealand) và Sherpa Tenzing Norgay (người Nepal) lần đầu tiên chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới này vào năm 1953. Hillary thừa nhận ông đã bỏ lại những chiếc bình dưỡng khí, hộp đựng thực phẩm và lều rách gần nơi hai ông dừng chân. Cũng như Hillary, hầu hết những người leo núi phải thở nhờ bình ôxy bởi nồng độ ôxy trên đỉnh Everest chỉ bằng 1/3 ở mực nước biển. Để giảm tải khi xuống núi, họ thường bỏ lại những vật dụng đã qua sử dụng. Qua nhiều năm, hàng trăm bình dưỡng khí đã chất thành đống cùng vô số dụng cụ leo núi và nhiều loại rác thải khác.

Trong số những nỗ lực làm sạch ngọn núi nằm giữa biên giới Nepal và Tây Tạng - Trung Quốc có chương trình đã và đang rất thành công do chính phủ Nepal phát động. Theo đó, những đoàn leo núi phải đặt tiền thế chân và nếu xả rác, số tiền này coi như mất trắng. Nhờ vậy, lượng rác thải đã giảm đáng kể và tình trạng rác chất đống cũng được hạn chế, Deebas Bickram Shah, đại diện Hiệp hội leo núi Nepal cho biết.

Bị thôi thúc bởi bài viết về vấn nạn rác thải trên núi Everest, năm 2004 từ Mỹ Jeff Clapp cất công đến Nepal và trở về với đống bình ôxy bị vứt vương vãi. Để “sỡ hữu” 132 bình dưỡng khí đó, ông phải trả cho Hiệp hội leo núi Nepal 7.000 USD và tốn thêm ngần ấy tiền để mang chúng về bang Maine. Ngay sau đó, ông đã lập xưởng tái chế loại bình nhôm này thành những chiếc chuông, chén và vật trang trí bóng loáng nhằm khuyến khích mọi người cùng hành động để làm sạch môi trường theo cách riêng của mỗi người.

Với khiếu thẩm mỹ của một nghệ nhân kiêm đầu bếp, người cha 48 tuổi này đã “chỉnh hình” bình dưỡng khí thành những “chiếc chuông và chén từ Everest” theo cách gọi của ông, và bán với giá từ 500 đến 3.000 USD/sản phẩm. Tận dụng phế phẩm trong quá trình tái chế, ông còn chế ra những quả cầu thủy tinh để trang trí cây thông Noel với giá 15 USD. Ông cho biết nhiều người mua thích những món hàng “độc nhất vô nhị” này, một phần do họ biết mình cũng đang góp phần bảo vệ môi trường.

Hiện nay, hàng của ông làm ra đã được tiêu thụ gần hết và Clapp cho biết ông không có ý định sản xuất tiếp. Thay vào đó, ông sẽ trở lại Nepal và dạy cho dân nghèo ở đây cách chế tạo những cái chuông để họ kiếm sống. Clapp đang hợp tác với tổ chức Porters’Progress ở bang New Hampshire thực hiện chương trình nâng cao đời sống của những người khuân vác dụng cụ cho các nhà leo núi Everest. “Mục tiêu cuối cùng mà tôi hướng đến là đưa dự án này đến Nepal. Lúc mới nảy ra ý tái chế rác thải ở Everest, tôi bị thôi thúc bởi ý nghĩ rằng những gì mình làm sẽ có ích cho những người khác, đặc biệt ở Nepal”, ông tâm sự.


Một số đồ vật trang trí Giáng Sinh được Jeff Clapp sản xuất từ
chiếc bình thở oxy thải trên núi Everest (ảnh: AP)

ĐỨC NHÂN

Theo AP, Báo Cần Thơ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video