Biết để không tốn điện điều hòa vô ích

Cách dùng điều hòa tiết kiệm điện

Mùa hè nóng bức nên việc sử dụng điều hòa là điều cần thiết tại các gia đình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hóa đơn tiền điện hàng tháng sẽ tăng đáng kể. Vậy mở điều hòa và chọn nhiệt độ như thế nào để làm lạnh nhanh chóng và tiết kiệm điện? Hãy thử những cách tiết kiệm điện khi dùng máy lạnh, điều hòa dưới đây.

Bước chân vào phòng ngủ, bạn mở máy lạnh và chọn nhiệt độ 16oC với mong muốn căn phòng sẽ được làm lạnh nhanh nhất. Với hành động đó, bạn vừa tiêu tốn tiền điện một cách vô ích! Bài viết này sẽ giúp bạn đỡ lãng phí tiền vào những việc như vậy.

Máy lạnh tiêu thụ điện như thế nào?

Một máy lạnh có bốn động cơ chính: động cơ nén đặt ở giàn nóng (tiêu thụ điện năng nhiều nhất, bằng khoảng 95% tổng công suất của máy lạnh); quạt làm mát lắp đặt ở giàn nóng; quạt đối lưu trong phòng và động cơ đảo hướng gió đặt ở giàn lạnh. Các loại máy lạnh thông dụng hiện nay đều có rơle tự động ngắt hoạt động của giàn nóng đặt ngoài trời khi phòng đã đạt độ lạnh yêu cầu. Quạt đối lưu ở giàn lạnh thì hoạt động suốt thời gian mở máy với tốc độ nhanh hay chậm tuỳ người sử dụng. Động cơ đảo hướng gió thì chạy hoặc ngừng tuỳ lựa chọn cùng lúc như đã đề cập.

Về vận hành, có hai loại là: máy thông thường và máy dùng biến tần.

Với máy lạnh thông thường, điện năng sử dụng tương đối cao và tuổi thọ sẽ giảm do phải khởi động lại nhiều lần trong quá trình sử dụng liên tục. Đồng thời, nhiệt độ trong phòng sẽ dao động mạnh (±2°C).

Ví dụ, máy được chọn mở ở 24°C. Thời điểm này tất cả động cơ của máy đều hoạt động cho đến khi phòng đạt được nhiệt độ khoảng 22°C – 24°C thì rơle sẽ tự ngắt hoạt động của giàn nóng. Sau một thời gian nhất định, tùy vào sự trao đổi nhiệt của phòng với môi trường xung quanh, nhiệt độ phòng tăng dần lên 24° - 26°C, lúc này giàn nóng sẽ được khởi động trở lại và làm giảm nhiệt độ phòng về mức mong muốn. Chênh lệch nhiệt độ ±2°C để có nhiệt độ 22°C và 26°C là do quán tính làm việc của máy, ví dụ khi cảm biến đo được là phòng đã đạt được 24°C thì sẽ ra lệnh ngắt, nhưng hơi lạnh trước đó vẫn được thổi vào phòng làm cho nhiệt độ phòng giảm xuống. Tương tự như khi nhiệt độ phòng tăng quá 24°C, động cơ hoạt động trở lại, nhưng phải mất một lúc thì mới có hơi lạnh, thời gian đó nhiệt độ phòng tăng lên.


Máy điều hoà cần được vệ sinh định kỳ, trung bình 6 tháng/lần. Với tấm lưới lọc khí nên làm vệ sinh thường xuyên hơn ngăn chặn sự bám đọng bụi. (Ảnh: NT)

Máy có biến tần (inverter) sử dụng công nghệ điều khiển hiện đại, làm cho động cơ nén hoạt động với công suất tăng dần đến khi nhiệt độ trong phòng đạt mức yêu cầu thì công suất máy sẽ được điều khiển giảm dần, chỉ vận hành ở một mức độ vừa phải để làm mát bù cho lượng nhiệt sinh ra trong phòng (thiết bị điện, nhiệt lượng từ người…) và nhiệt từ bên ngoài truyền vào qua tường, cửa… Công suất đó sẽ tăng hoặc giảm tuỳ vào sự chênh lệch giữa nhiệt độ phòng và nhiệt độ thiết lập cho máy lạnh. Nhờ vào phương pháp điều khiển này nên máy lạnh inverter có thể giúp tiết kiệm điện năng từ 30 – 50% so với máy thông thường. Tuy nhiên, để đạt được mức tiết kiệm trên, máy phải được sử dụng trong các điều kiện nhất định như dưới đây.

Và cũng nên chú ý rằng do được trang bị các công nghệ mới hơn so với máy thông thường, nên dòng máy biến tần thường có giá cao hơn so với các máy khác từ 30 – 50%.

Nhiệt độ tối ưu khi sử dụng

Máy lạnh chỉ làm việc hiệu quả khi nhiệt độ quanh giàn nóng thấp hơn 48°C và nhiệt độ trong phòng lớn hơn 19°C, việc vi phạm các giới hạn này sẽ làm cho máy hoạt động không hiệu quả do khả năng thoát nhiệt rất thấp.

Khi khởi động máy, ta chỉ nên chọn mức nhiệt độ cần làm lạnh mong muốn, sau đó chọn bổ sung chức năng làm lạnh nhanh thể hiện trên thiết bị điều khiển từ xa mà thực chất là tăng tốc độ quạt đối lưu ở giàn lạnh. Nên tránh đặt nhiệt độ ở mức thấp nhất của máy vì việc này không giúp đạt được nhiệt độ mong muốn nhanh hơn, mà chỉ làm tiêu tốn điện năng hơn do máy phải hoạt động đến khi đạt đến nhiệt độ thấp nhất mới có thể dừng lại.

Để sử dụng máy lạnh có hiệu quả về điện, ta nên chọn nhiệt độ vừa phải. Nhiệt độ môi trường mà cơ thể con người thích nghi trong khoảng 25 – 27°C. Do đó, chọn nhiệt độ 26°C là đảm bảo sự thoái mái trong sinh hoạt mà lại tiết kiệm điện. Máy đạt nhiệt độ như remote được hay không là do cảm biến nhiệt độ gắn ở giàn lạnh trong phòng, mà thiết bị này thường không ảnh hưởng theo thời gian. Nên trong trường hợp máy cũ, vẫn chọn 24°C thì phòng vẫn đạt được nhiệt độ đó, nhưng sẽ tiêu tốn điện nhiều hơn.

Lắp đặt hợp lý

Chọn đúng vị trí lắp đặt hệ máy lạnh sẽ giúp tiết kiệm điện năng. Giàn nóng máy lạnh nên lắp đặt tại nơi thông thoáng, tránh cho nắng chiếu vào bên trong giàn làm tăng nhiệt độ thiết bị. Tại khu vực có nhiều gió, hướng lắp đặt tốt là để quạt làm mát thổi vuông góc với hướng gió. Việc này sẽ làm tăng khả năng thoát nhiệt của thiết bị. Chú ý, không được lắp đặt giàn nóng ở những nơi có nguồn nhiệt, khói thải hoặc hoá chất gây bẩn, ăn mòn.

Chênh lệch độ cao và khoảng cách giữa giàn lạnh – giàn nóng cần bố trí hợp lý, ngắn nhất để vừa tiết kiệm chi phí vật tư, vừa tiết kiệm điện năng tiêu thụ. Đối với máy lạnh thông thường, chiều dài đường ống ga không nên vượt quá 5m và chênh lệch độ cao không nên vượt quá 3m. Việc vượt quá các định mức trên càng nhiều sẽ càng gây suy giảm năng suất lạnh đáng kể của hệ thống.

Tốt nhất điều hòa nên được lắp đặt ở độ cao 1,7 mét so với nền nhà. Bởi cửa hút gió của điều hòa thường nằm ở nửa trên và cửa thoát khí ở nửa dưới. Nếu điều hòa được lắp đặt quá cao, không khí mát sẽ không đi xuống bên dưới mà bị hút trở lại điều hòa. Ngược lại, nếu điều hòa được lắp đặt quá thấp, mặc dù căn phòng sẽ được làm mát ngay sau khi bật nhưng mọi người sẽ dễ gặp phải cảm giác đau lưng.

Nếu phòng bạn có lắp đặt quạt hút gió để tăng cường trao đổi không khí cho phòng hãy nhớ đặt quạt ở vị trí trên cao và không gần dàn lạnh để đảm bảo quạt không hút cả hơi lạnh ra ngoài làm máy phải tăng công suất gây tốn điện thêm vì không khí lạnh luôn chìm xuống bên dưới. Vị trí tốt nhất để đặt quạt hút gió là trên cao và đối diện dàn lạnh.

Không đặt các vật dụng xung quanh dàn nóng


Không đặt mọi thứ xung quanh cục nóng, hãy chắc chắn giữ cho nó thông thoáng. (Ảnh: Aboluowang).

Nếu có chậu cây hoặc xô chậu, bao bì, giẻ lau xung quanh dàn nóng, không khí nóng thải ra trong quá trình trao đổi nhiệt sẽ không thoát được, gây lãng phí điện. Vì thế không đặt mọi thứ xung quanh cục nóng, hãy chắc chắn giữ cho nó thông thoáng.

Ngoài ra, chọn công suất điều hoà phù hợp cho phòng, đóng kín các cửa sổ, rèm ở khu vực cửa sổ... cũng giúp gánh được một phần điện cho điều hoà.

Cắt giảm các thiết bị khác, ưu tiên cho điều hoà

Để tiết kiệm điện, bạn phải biết mức tiêu thụ điện của từng thiết bị trong nhà. Trong các tháng mùa hè, tiêu thụ điện của điều hoà thường chiếm 1/3, thậm chí một nửa lượng tiêu thụ điện của cả gia đình. Hoá đơn tiền điện được tính theo kiểu luỹ kế, càng dùng nhiều càng nhảy vọt.

Bạn vẫn có thể thoải mái dùng, nếu có ý thức tiết kiệm trong các thiết bị khác. Ví như hạn chế tích đồ ăn kín tủ lạnh để tủ không phải chạy thường xuyên. Trời nóng nên nấu ăn đơn giản, vừa tiết kiệm thời gian dùng bếp điện, vừa đỡ mệt. Các thiết bị khác như lò nướng, máy làm sữa..., đặc biệt máy sấy, bình nóng lạnh, tivi cũng đều có thể hạn chế dùng trong mùa này.

Thêm vào đó, điện được sử dụng nhiều nhất vào buổi sáng và buổi tối sau khi gia đình trở về nhà. Bằng cách hiểu được phong cách sinh hoạt của gia đình, bạn cũng có thể giảm hoá đơn.

Tiết kiệm điện trong quá trình sử dụng điều hòa

  • Trong giàn lạnh có hai bộ cánh giúp điều chỉnh gió lạnh ra khỏi giàn theo các hướng mong muốn. Người dùng nên điều chỉnh các cánh gió sao cho hơi lạnh thổi tập trung đến nơi cần làm lạnh nhất.
  • Luôn luôn tắt máy lạnh khi không còn nhu cầu sử dụng. Nếu không có nhu cầu sử dụng trong thời gian dài, người sử dụng cần tắt cả nguồn máy (aptomat) vì nếu chỉ tắt bằng điều khiển từ xa thì máy vẫn sẽ tiêu thụ điện ngầm và vì lý do an toàn. Máy điều hoà cần được vệ sinh định kỳ, trung bình 6 tháng/lần. Đối với những tấm lưới lọc khí nên được làm vệ sinh thường xuyên hơn, ngăn chặn sự bám đọng bụi.

Sắp xếp lại đồ đạc để không chắn tầm lưu thông gió

  • Tắt các bóng đèn không cần thiết giúp quá trình làm lạnh nhanh hơn, Không tắt bật hay điều chỉnh máy quá nhiều vì để khởi động lại máy sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng, vậy nên hãy duy trì nhiệt độ ổn định.
  • Nếu kết hợp với quạt gió và để để một chậu nước mát sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vì quạt giúp lưu thông khí mát trong phòng.
  • Nếu bạn không ra khỏi nhà quá lâu thì không nên tắt điều hòa. Tốt nhất bạn hãy tăng nhiệt độ máy lạnh lên nhiệt độ cao nhất (30 hoặc 32 độ) và đóng tất cả cửa sổ, mành rèm lại. Việc che kín phòng sẽ ngăn không cho ánh sáng mặt trời chiếu vào phòng làm nhiệt độ phòng tăng lên quá cao. Khi quay trở lại, có thể bạn sẽ thấy nóng trong vài phút nhưng hơi nóng tỏa ra cũng không quá lớn đến mức mà máy lạnh của bạn phải hoạt động để làm mát lại từ đầu. Hiện có các loại rèm lớp cản nắng. Rèm giúp ngăn chặn ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng, làm tăng nhiệt độ, đồng thời cũng ngăn cách cửa sổ tránh không khí trong nhà thất thoát ra ngoài.
  • Mặc dù máy lạnh có những tấm tản gió giúp đưa khí mát đến đúng hướng mình cần nhưng tốt nhất bạn nên xếp gọn đồ đạc để không làm cản hướng gió, nhờ đó mà bạn cũng sẽ cảm thấy nhanh mát hơn, tiêu tốn ít điện năng hơn.
  • Điều chỉnh nhiệt độ phòng hợp lý: Từ 23 đến 27 độ C là nhiệt độ thích hợp để máy lạnh của bạn có thể hoạt động một cách tối ưu nhất, không tốn quá nhiều điện năng mà vẫn duy trì một nhiệt độ vừa phải và phù hợp (do nhiệt độ phòng và nhiệt độ bên ngoài không chênh lệch quá lớn). Chiến dịch Cool Biz do Bộ Môi trường Nhật Bản khởi xướng từ năm 2005 gợi ý nên để nhiệt độ phòng ở mức 28 độ C. Nếu vẫn cảm thấy nóng, dùng quạt gió sẽ giúp giải toả cảm giác nóng nhanh hơn. Mức 28 độ C được xác nhận là giúp máu trong cơ thể lưu thông tốt hơn, cải thiện làn da, hạn chế rụng tóc, đồng thời tăng năng suất làm việc. Nhà có trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 36 tháng tuổi thì lựa chọn phù hợp là 28-30 độ C, khung nhiệt độ này tạo không gian đủ mát và không gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp của bé.
  • Không nên tắt máy lạnh nếu bạn phải ra ngoài không quá lâu: Tốt nhất bạn hãy tăng nhiệt độ máy lạnh lên nhiệt độ cao nhất (30 đến 32 độ) và đóng tất cả cửa sổ, mành rèm lại. Khi quay trở lại, có thể bạn sẽ thấy nóng trong vài phút nhưng hơi nóng tỏa ra cũng không quá lớn đến mức mà máy lạnh của bạn phải hoạt động để làm mát lại từ đầu.
  • Sử dụng quạt kết hợp cùng với máy lạnh: Mặc dù chúng ta dùng máy lạnh để làm mát, tuy nhiên dùng quạt sẽ giúp lưu thông khí mát trong phòng, điều này cũng có nghĩa là bạn không cần phải giảm nhiệt độ xuống quá thấp, nhờ đó tốn ít điện hơn. Thêm vào đó, quạt sử dụng điện ít hơn máy lạnh nên kết hợp cả hai thiết bị này sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều năng lượng. Bên cạnh đó, quạt điều hòa cũng là một trong những thiết bị làm mát rất tốt hiện nay và bạn có thể sử dụng kết hợp với máy lạnh để tối ưu khả năng làm mát, đảm bảo sức khỏe và tiết kiệm điện năng.
  • Công suất thiết bị phù hợp với căn phòng: Việc chọn lựa điều hoà phù hợp với không gian phòng là điều quan trọng. Bởi, nếu bạn mua sản phẩm công suất nhỏ thì sẽ không thể làm mát phòng có diện tích lớn, thiết bị phải hoạt động liên tục, ngốn nhiều điện năng hơn. Ngược lại, nếu mua điều hoà có công suất quá lớn so với không gian sống thì lãng phí. Ngoài ra, việc lựa chọn vị trí lắp điều hoà cũng ảnh hưởng đến khả năng làm lạnh của thiết bị. Gia đình nên lắp đặt ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, giúp tiết kiệm điện hơn.
  • Thường xuyên bảo dưỡng: Để điều hoà hoạt động tốt trong mùa nóng, người dùng cần định kỳ bảo dưỡng vệ sinh máy thật sạch. Ngoài ra, để tránh thiết bị hỏng hóc, người dùng khi mua cần chọn những thương hiệu uy tín, chất lượng, chế độ hậu mãi tốt. Theo nhà sản xuất, nếu máy lạnh ở hộ gia đình chỉ hoạt động 6-8h mỗi ngày thì nên vệ sinh định kỳ 6 tháng/lần. Đối với các khu vực công ty, nhà hàng, thời gian vệ sinh định kỳ gợi ý là 3 tháng/lần. Đối với cơ sở sản xuất, xí nghiệp có tần suất hoạt động liên tục, nên vệ sinh hàng tháng. Dàn nóng của máy lạnh bắt đầu kêu to và dàn lạnh có hiện tượng rò rỉ nước ở vòi chảy là 2 dấu hiệu phổ biến cho thấy đã đến lúc cần vệ sinh máy lạnh.
  • Không bật và tắt điều hòa thường xuyên: Khi điều hòa khởi động, nó sẽ tiêu thụ rất nhiều năng lượng. Nếu bật và tắt thường xuyên sẽ chỉ làm tốn điện hơn. Khi mới bật, hãy dùng chế độ turbo, hoặc power full (tùy loại điều hoà) để phòng làm lạnh nhanh nhất. Sau khi phòng mát, chuyển về chế độ thường. Nhiệt độ buồng và ngoài trời không nên vượt quá 7- 10 độ C. Nếu nhỡ tắt điều hòa, bạn chỉ nên mở lại sau 3 phút.
  • Chú ý hướng gió của điều hòa: Các chất đều nở ra khi nóng lên và co lại khi lạnh đi, khi nóng thì không khí nở ra làm trọng lượng giảm, còn khi lạnh, không khí co lại làm trọng lượng tăng. Vì vậy, không khí nóng nhẹ hơn lạnh. Theo nguyên lý này, trong mùa hè hãy bật quạt gió điều hòa hướng lên, như thế không khí lạnh lưu thông từ trên xuống dưới. Một cách khác là kết hợp dùng quạt để khí nóng và lạnh trong phòng được lưu thông liên tục và sẽ giúp tiết kiệm 2% điện so với chỉ dùng mình điều hoà.
  • Sử dụng chế độ ngủ hoặc hẹn giờ tắt máy vào ban đêm: Đa phần các điều hòa thế hệ mới đều được trang bị chế độ ngủ giúp tự động điều chỉnh nhiệt độ, tránh cho người dùng tỉnh giấc giữa đêm vì quá lạnh, ngoài ra còn giúp tiết kiệm điện. Chế độ SLEPP (chế độ ngủ) trên điều khiển điều hòa sẽ giúp bạn tự động cài đặt chế độ làm mát khi ngủ. So với nhiệt độ thiết lập nhiệt độ ban đầu khi ngủ, khoảng 30 phút đến 1 tiếng nhiệt độ sẽ tăng lên 1oC, sau đó thì tiếp tục tăng thêm 1-2oC theo thiết lập trên điều khiển rồi duy trì mức nhiệt độ đó đến khi bạn tắt điều hòa. Chế độ SLEPP của điều hòa giúp bạn cân bằng nhiệt độ môi trường với nhiệt độ cơ thể và mang đến cảm giác thoải mái nhất cho người sử dụng khi ngủ.
  • Bật điều hòa trước rồi đóng cửa sổ: Khi bật điều hòa, bạn phải đóng cửa sổ để giữ hơi mát, tuy nhiên, hãy mở điều hòa trước để nó lọc bớt các nhân tố ô nhiễm, gây hại cho sức khỏe trước khi đóng cửa.
  • Sau khi vào nhà, đừng vội bật điều hòa: Nhiều người vội vàng bật điều hòa ngay khi vào nhà, điều này thực sự rất không tốt! Khi ở bên ngoài nhiệt độ cap, các mạch máu trong cơ thể chúng ta sẽ nở ra, nếu vừa vào nhà chúng ta ngay lập tức mở điều hòa nhiệt độ thấp khiến các mạch máu co rút lại, về lâu dài có thể dẫn đến các bệnh về tim mạch và mạch máu não.

Hướng dẫn chế tạo máy phun sương làm mát cực kỳ đơn giản

Hướng dẫn tự chế quạt phun sương, quạt hơi nước, quạt điều hòa đơn giản tại nhà

Nước giếng khoan có sạch không? Khi nào cần lọc nước giếng khoan để sử dụng an toàn?

Cập nhật: 14/06/2024 Tổng Hợp
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video