Các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore đang nghiên cứu cách thức giúp nhiều thành phố và thị trấn có thể tự đảm bảo năng lượng, bằng cách biến chất thải sinh hoạt thành điện năng.
>>> Chế tạo pin hoạt động bằng phân động vật
Để đạt được mục tiêu, nhóm đã tạo ra một hệ thống vệ sinh sẽ biến chất thải của con người thành khí biogas. Loại khí này sau đó sẽ được dùng để nấu nướng và tạo điện, bên cạnh việc biến thành nhiên liệu diesel sinh học.
Theo hãng tin BBC, hệ thống vệ sinh của NTU mang tên No-Mix Vacuum Toilet, có 2 buồng để chứa chất thải dạng lỏng và rắn. Sử dụng công nghệ hút chân không, giống công nghệ trên các buồng vệ sinh máy bay, việc xả sạch chất thải dạng lỏng chỉ mất 0,2 lít nước sạch, trong khi xả chất thải dạng rắn chỉ mất 1 lít nước. Các hệ thống bồn vệ sinh hiện nay thường mất từ 4-6 lít nước để xả sạch chất thải. Nếu lắp trong một nhà vệ sinh công cộng, hệ thống có thể giúp tiết kiệm 160.000 lít nước mỗi năm.
Chưa dừng lại ở đó, việc hệ thống phân loại chất thải ngay từ đầu khiến hoạt động xử lý sẽ rất dễ dàng, tiết kiệm chi phí. Việc sử dụng chất thải để sản sinh khí biogas cũng đơn giản hơn nhờ yếu tố này.
Các nhà khoa học NTU hiện đang tiến hành thử nghiệm hệ thống mới trong 2 nhà vệ sinh của trường. Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi, thế giới có thể được chứng kiến, thậm chí sử dụng hệ thống vệ sinh tiên tiến này trong 3 năm tới.