“Bò rừng” loạng choạng, dự báo loạn xạ

Cơn bão “Bò rừng” (Cimaron) đã làm đau đầu các trung tâm dự báo khí tượng của quốc tế và VN. Họ dự báo bão di chuyển loạn xạ. Sáng 31-10, các cơ quan khí tượng dự báo bão sẽ vào miền Trung nước ta, nhưng đến chiều lại dự báo bão sẽ vào phía đông đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Đến ngày 1-11, buổi sáng dự báo bão đổi hướng vào đảo Hải Nam, đến tối lại dự báo đổ bộ vào Quảng Đông. Vì sao lại như vậy?

Một số chuyên gia dự báo thời tiết của các nước trên thế giới để lý giải vì sao có sự loạn xạ trong dự báo.

 - Ông Jim Andrews, chuyên gia dự báo khí tượng quốc tế mạng dự báo thời tiết Accuweather (Mỹ):

Cơn bão Cimaron đã phải tìm đường trong một tình trạng quá yếu, các vùng áp suất (và cả gió) quá phức tạp, khi đó sự khác nhau giữa các mô hình dự báo số trị (không có sai số nhỏ) sẽ dẫn đến sự khác biệt lớn về dự báo đường đi của một cơn bão. Khi các mô hình dự báo mang đến các kết quả quá khác nhau (kể cả việc chạy đi chạy lại một mô hình), nhà dự báo phải là người ra quyết định.

Hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi bão Cimaron có hướng đi loạng choạng như vậy. Chắc chắn rằng việc dự báo hướng đi của cơn bão cũng đã quá khác nhau. Và không có gì ngạc nhiên với tôi rằng các dự báo đó có thể thay đổi lớn khi so sánh lần trước và lần sau. Trung tâm áp cao là yếu tố giúp định hướng đường đi cho đến khi bão bị thay đổi.

Trong trường hợp bão Cimaron, có áp cao ở giữa Trung Quốc và sự hoạt động yếu của gió mùa đông bắc trên cao và Cimaron. Do đó áp cao đã khống chế và định hướng Cimaron chỉ di chuyển ở khu vực gần bờ biển phía nam Trung Quốc hoặc di chuyển chậm theo hướng tây nam (có thể hướng vào VN).

Hiện giờ còn quá sớm để nói về đích đến cuối cùng của Cimaron. Có vẻ như nó đang suy yếu và sẽ tiếp tục như vậy. Tuy nhiên, có lý do để tin nó sẽ tan trên biển Đông và không vào đất liền như là một cơn bão.

* Ông Lee Woo Jin, dự báo viên cao cấp Cơ quan khí tượng Hàn Quốc:

Thật ra cũng không có bất ngờ nhiều vì từ trước đến nay đã có vài cơn bão di chuyển rất hỗn loạn khi trường dẫn đường bị yếu. Vào sáng 31-10, trường dẫn đường của bão Cimaron trở nên yếu đi rất nhiều khi tiếp cận ở tầng cao với áp cao cận nhiệt đới ở hướng tây bắc.

Kể từ đó các mô hình dự báo thông thường đều gặp phải những sai lệch lớn trong việc dự báo hướng đi. Rõ ràng trường dẫn đường đã rất yếu, đó có lẽ là lý do lớn nhất cho việc các dự báo liên tục thay đổi. Trong ba ngày tới, bão gần như không di chuyển, sau đó nếu vẫn chưa tan thì nó sẽ di chuyển theo hướng tây nam.

* Ông C.M. Cheng, chuyên gia dự báo Cơ quan khí tượng Hong Kong (Trung Quốc):

Hướng đi của bão Cimaron được dự báo bằng mô hình số trị (NWP). Hiện nay việc dự báo bão phụ thuộc rất nhiều vào NWP. Trước buổi chiều 31-10 hầu hết các NWP đều cho rằng Cimaron sẽ di chuyển theo hướng tây băng qua biển Đông và ở sườn tây nam của áp cao cận nhiệt đới ở tây Thái Bình Dương và sẽ đổ bộ vào VN.

Nhưng cuối ngày, vài mô hình NWP bắt đầu dự báo vùng áp cao ở trên bắt đầu di chuyển băng qua Trung Quốc, liên kết và thâm nhập sâu vào bão Cimaron. Và kết quả là sự dự báo của bão Cimaron đã thay đổi nhanh chóng từ hướng tây sang hướng tây bắc rồi di chuyển chậm lên hướng bắc. Điều này làm cho dự báo của nhiều trung tâm đã đổi theo hướng này. 

Dự báo về đường đi bão Cimaron của hải quân Mỹ trong những ngày qua:


Đầu tiên là hướng vào VN (1)


Sau đó vào đảo Hải Nam (2)


Rồi chuyển hướng sang Hong Kong (3)


Đến tối qua lại hướng vào VN (4)

QUANG HIẾU thực hiện

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video