Bộ Y tế cảnh báo virus ăn não do muỗi truyền ở Việt Nam

C​ục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo Việt Nam nằm trong vùng lưu hành của muỗi Aedes truyền virus được cho là gây nên chứng nhỏ não ở trẻ sơ sinh, khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng bệnh.

Gần đây thông tin về dịch bệnh do virus Zika "ăn não" tại Brazil dấy lên sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Bộ Y tế Brazil thông báo có gần 3.000 ca nghi ngờ mắc chứng não nhỏ, 40 trường hợp tử vong. Trong số trẻ sơ sinh mắc chứng não nhỏ có những bé kết quả xét nghiệm dương tính với virus Zika và một số âm tính.

Tổ chức Y tế thế giới đang phối hợp với Bộ Y tế Brazil điều tra đánh giá mối liên quan giữa virus Zika và chứng não nhỏ. Thực tế cho thấy có nhiều nguyên nhân liên quan đến chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh như nhiễm trùng, nhiễm độc tố của bà mẹ trong quá trình mang thai, lỗi gene...


Muỗi Aedes truyền Virus Zika. (Ảnh: CYTDP).

Đến nay Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Zika, tuy nhiên Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo không nên chủ quan, bởi nước ta nằm trong vùng dịch bệnh sốt xuất huyết có sự lưu hành của muỗi Aedes truyền virus Zika. Hơn nữa, virus này đã được ghi nhận gây bệnh tại một số nước vùng Thái Bình Dương, Đông Nam Á, đặc biệt là nước láng giềng Thái Lan. Sự gần gũi về địa lý cộng với hoạt động giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất sôi động trong khu vực nên tiềm ẩn nguy cơ virus xâm nhập vào Việt Nam.

Bộ Y tế đang phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) theo dõi sát diễn biến và các nguy cơ của bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch. Các cơ quan này khuyến cáo, bệnh do virus Zika chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin, do đó biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là hạn chế sự lây truyền của virus qua việc diệt muỗi, ổ chứa muỗi và bọ gậy. Cụ thể, Bộ Y tế khuyên người dân nên thực hiện các biện pháp sau:

  • Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  • Hàng tuần diệt loăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ. Lật úp các dụng cụ không chứa nước. Thay nước bình hoa. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
  • Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
  • Ngủ màn, mặc quần áo dài để tránh bị muỗi đốt, ngay cả ban ngày.
  • Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.
  • Khi bị sốt hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Virus Zika được ghi nhận đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng Zika của Uganda. Bệnh nhân nhiễm virus này thường bị sốt, nổi mẩn, đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Phương thức lây truyền chủ yếu của Zika là qua trung gian muỗi Aedes (loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết). Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Một số bằng chứng cho thấy virus này có thể lây truyền qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con khi sinh, song rất hiếm.

Virus Zika tiếp tục được ghi nhận ở Nigeria vào năm 1954 và nhiều nước châu Phi, châu Mỹ, châu Á. Năm 2013, Thái Lan có một số trường hợp mắc bệnh do virus Zika.

Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video