Bức tranh toàn cảnh CNTT Việt Nam 2006

Năm 2006 với những sự kiện CNTT lớn, có những tác động sâu sắc đến nền kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước đang sắp sửa đi qua. Giờ là lúc chúng ta cùng nhìn lại những sự kiện ấy, cùng ngắm lại toàn cảnh bức tranh CNTT Việt Nam 2006. Sau đây là 20 "nét bút" ấn tượng nhất trong "bức tranh" đa sắc ấy, 20 sự kiện CNTT tiêu biểu 2006, do các nhà báo thuộc CLB nhà báo CNTT Việt Nam bình chọn.

1. Bill Gates đến Việt Nam

Ngày 22/4/2006, Bill Gates - Chủ tịch kiêm Kiến trúc sư trưởng Tập đoàn Phần mềm khổng lồ thế giới Microsoft đã có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, theo lời mời của Thủ tướng Phan Văn Khải. Cho dù chuyến thăm của nhà tỉ phú giàu nhất hành tinh chưa thể tạo ra những đột biến về đầu tư của Microsoft tại Việt Nam, song với tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Bill Gates, đây được coi là sự kiện có tác động hết sức quan trọng tới sự phát triển của CNTT Việt Nam nói riêng và hình ảnh của Việt Nam trong con mắt cộng đồng thế giới nói chung.

2. Đầu tư của Intel vào Việt Nam - giấy phép 605 triệu USD và giấy phép tăng vốn lên 1 tỷ USD

Ngày 28/2/2006, Intel - Tập đoàn sản xuất bộ vi xử lý hàng đầu thế giới – đã chính thức được Chính phủ Việt Nam trao giấy phép đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy lắp ráp và kiểm thử chip (ATM) tại Khu Công nghệ Cao TP. HCM, với vốn đầu tư 605 triệu USD. Chỉ 9 tháng sau, Tập đoàn này đã quyết định mở rộng quy mô và nâng mức vốn đầu tư dự án lên 1 tỷ USD, đưa nhà máy ATM của Intel tại Việt Nam trở thành nhà máy lớn nhất trong hệ thống các cơ sở lắp ráp và kiểm định chip bán dẫn của Intel trên toàn cầu. Sự kiện này một lần nữa khẳng định: Việt Nam thực sự là một điểm đến hấp dẫn của cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài. Sự kiện đã gây một tiếng vang lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao.

3. Thêm hai mạng di động CDMA 096 và 092 đi vào hoạt động

Hai mạng di động CDMA là 096 của EVN Telecom và 092 của Hanoi Telecom đã cung cấp dịch vụ trong năm 2006. Thế nhưng, hai mạng di động này chưa thể tạo ra được “cú sốc thị trường” như mạng Viettel Mobile đã từng làm. Hết năm 2006, thị trường di động Việt Nam đã điểm đủ mặt 6 mạng di động, chia đều cho 2 công nghệ với 3 mạng di động sử dụng CDMA và 3 mạng di động sử dụng công nghệ GSM. Mạng 092 của Hanoi Telecom nhập cuộc khá muộn vào cuối năm với chương trình thử nghiệm “Một thế giới Free” - gần như miễn phí sử dụng cho người dùng trong giai đoạn thử nghiệm, hứa hẹn một sự sôi động mới cho thị trường thông tin di động vào cuối năm âm lịch 2006 và năm mới 2007.

4. Chính thức cho phép đăng ký tên miền cấp 2 .vn

Ngày 14/8, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chính thức cho phép tất cả các tổ chức trong và ngoài nước đều có thể đãng ký tên miền cấp 2 .vn. Ngay lập tức số người đến đãng ký tên miền cấp 2 .vn đã tăng đột biến. Tên miền cấp 2 .vn có ưu điểm ngắn gọn và dễ nhớ và là điều kiện rất quan trọng cho việc phát triển thương mại của các doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy việc phát triển Internet ở Việt Nam.

5. Thử nghiệm công nghệ WiMax

Bộ BCVT đã cấp phép cho 4 doanh nghiệp là VNPT, Viettel, VTC và FPT được thử nghiệm công nghệ WiMax trong thời hạn 1 năm. Ngày 27/10/2006, VNPT và Intel đã chính thức khai trương dự án thử nghiệm dịch vụ mạng WiMAX tại Lào Cai. Ngày 11/12, Viettel cũng chính thức công bố đưa vào sử dụng thử nghiệm dịch vụ này cả tại 3 loại thiết bị đầu cuối:trong nhà, ngoài trời và di động. Theo Viettel, dự kiến với sự chấp thuận của Bộ BCVT, WiMax di động sẽ được cung cấp đến các đối tượng có nhu cầu vào giữa năm 2007 và mở rộng toàn thị trường vào cuối năm này. VTC cũng đã tiến hành thử nghiệm công nghệ này và dự kiến cung cấp dịch vụ cho khách hàng vào đầu năm 2007. Cả 3 doanh nghiệp VNPT, Viettel và VTC đều khẳng định đây là công nghệ hứa hẹn sự phát triển mạnh trong tương lai với xu hướng băng rộng không dây.

6. Microsoft bắt đầu “gặt hái tiền” tại Việt Nam

Microsoft - Bộ tài chính ký thỏa thuận về bản quyền Office 2003

Sau nhiều năm trơ mắt nhìn người khác sử dụng chùa phần mềm của mình tại Việt Nam, Microsoft đã có được những hợp đồng bản quyền phần mềm nặng “ký lô” đầu tiên như với Bộ Tài chính, Ngân hàng Ngoại thương VN, FPT, Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN… Sự kiện Microsoft bắt đầu “gặt hái tiền” bản quyền phần mềm cũng trùng với thời điểm Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp bắt đầu lo lắng và “lè lưỡi” khi nghĩ đến việc phải bỏ ra những khoản tiền rất lớn để mua bản quyền phần mềm của người khổng lồ Microsoft, còn các đại lý của Microsoft đã nhìn thấy những khoản hoa hồng “khá hời” từ việc bán các phần mềm của hãng phần mềm khổng lồ này.

7. Đại học FPT - Trường Đại học đầu tiên của một doanh nghiệp CNTT

Đại học tư thục FPT đã chính thức được thành lập và bắt đầu tuyển sinh ngay năm học 2006 -2007 đi kèm với nhiều vụ “xé rào” rất... FPT. Ngay khi mới được ký quyết định thành lập, FPT đã công bố sẽ ký hợp đồng với tất cả sinh viên tốt nghiệp khoá I với mức lương từ 200 - 400 USD. Tiếp đó là việc FPT công bố mức học phí “động trời”: từ 2.200 -3.500 USD/năm và công bố tuyển sinh khi chưa “xin phép” Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi bị “tuýt còi”. Tuy nhiên, cuối cùng thì Đại học tư thục FPT cũng được phép tuyển 500 sinh viên trong khoá học đầu tiên.

8. Sự xuất hiện của hàng loạt virus “nội” gây nên hiệu ứng “sợ đường link” trên Yahoo Messenger, chodientu.com bị hack… đã làm nóng lên vấn đề bảo mật, an toàn an ninh mạng năm 2006

Năm qua, cư dân mạng Việt Nam được chứng kiến "đại dịch" virus "nội" bùng phát. Khởi đầu từ vụ phát tán virus GaiXinh của một sinh viên Khoa Tin học Kinh tế (ĐH KTQD) đầu tháng 4/2006, cộng đồng sử dụng máy tính trong nước liên tiếp phải đối mặt với những vụ phát tán virus tiếp theo. Với phương thức phát tán virus mới tuy đơn giản nhưng lây lan cực nhanh là các đường link hiện trên các cửa sổ Yahoo Chat, một hiệu ứng “sợ đường link” đã loang ra trên khắp cộng đồng sử dụng Yahoo Messenger. Bên cạnh những vụ phát tán virus, sức nóng của vấn đề bảo mật, an toàn an ninh mạng tại Việt Nam ngày càng tăng với các sự kiện hacker tấn công, phá hoại các trang web. Trong đó, tiêu biểu là sự kiện website thương mại điện tử chodientu.com bị đánh sập bởi một hacker "kỳ cựu" nhưng có tuổi đời còn rất trẻ, hiện là sinh viên trường Genetic Đại học Bách Khoa Hà Nội. Kẻ tấn công chodientu.com đã bị phát hiện nhưng vấn đề phải xử lý thế nào cho đến nay vẫn còn là dấu hỏi…

9. Chất lượng các mạng di động bất ổn

2006 là năm khách hàng của các mạng di động liên tục kêu ca về chất lượng các mạng di động như rớt cuộc gọi, tính cước sai, tin nhắn chậm hay thuê bao "chết" trong vùng phủ sóng… Trong khi đó, các mạng di động vẫn liên tục lao vào các cuộc chạy đua khuyến mại gây sốc để thu hút các thuê bao mới. Thậm chí các mạng di động khuyến mãi quá đà dẫn đến xu hướng tiêu dùng "mua SIM thay cho mua thẻ cào" để hưởng khuyến mại. Hệ quả của cuộc chạy đua này là số thuê bao ảo tăng vọt tới trên 50% số thuê bao phát triển được. Bộ BCVT đã tiến hành đo kiểm tra chất lượng các mạng di động trong năm 2006 và kết luận chất lượng các mạng di động suy giảm, đặc biệt là dịch vụ thoại. Bên cạnh đó Bộ BCVT cũng soạn thảo mẫu biểu báo cáo để tránh tình trạng các mạng di động khai vống thuê bao dẫn đến tình trạng thuê bao ảo.

10. ADSL hạ giá kỷ lục

Năm 2006 đánh dấu sự bùng nổ khủng khiếp của dịch vụ ADSL đi kèm với sự phát triển chóng mặt của các trung tâm game online. Cùng với việc đầu tư cực lớn cho hạ tầng ADSL, các công ty cung cấp dịch vụ ADSL cũng đưa ra các chương trình khuyến mại thuộc diện “không tưởng” trong lịch sử ngành dịch vụ Internet của Việt Nam. Vào thời điểm gần cuối năm, Viettel gây choáng váng thị trường với việc cho khách hàng sử dụng ADSL “tẹt ga” chỉ với 30.000 đồng/tháng, tặng modem ADSL 2+... Trước đây khách hàng đăng ký mới ADSL phải mất hàng triệu đồng để lắp đặt, mua modem thì nay khi đăng ký mới còn được tặng thêm tiền lên tới cả triệu đồng.

11. VOIP tính cước theo block 6 + 1 và tính cước một vùng

Ngay sau khi Viettel Telephone áp dụng phương thức tính cước 6 +1 cho toàn bộ dịch vụ VOIP (liên tỉnh và quốc tế), VNPT và Saigon Postel cũng công bố áp dụng tính cước 6+1 cho các khách hàng của mình. Hàng triệu khách hàng Việt Nam đã không còn phải trả tiền cho những gì họ không nói. Thêm vào đó, sau khi áp dụng tính cước 1 vùng, VNPT cũng giảm số vùng tính cước đối với dịch vụ VOIP trong nước xuống còn 2 vùng, Viettel Telephone thì áp dụng chỉ một vùng cước duy nhất cho VOIP trong nước.

12. Cú sốc của ngành game online Việt Nam

Ngày 15/11/2006, một cú sốc đã xảy ra đối với ngành công nghiệp game online Việt Nam: Sở Bưu chính Viễn thông TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định phạt tiền và đình chỉ đối với toàn bộ 13 game online đang cung cấp tại Việt Nam. Ngay sau khi quyết định được ban hành, không chỉ có 6 công ty cung cấp dịch vụ game online mà hàng triệu game thủ Việt Nam cũng rơi vào tình trạng choáng váng. Làn sóng bán đồ ảo với giá rẻ mạt đã nổ ra trong game ăn khách số 1 Việt Nam: “Võ Lâm Truyền Kỳ”. Tuy nhiên, có một điểm thú vị trong các quyết định xử phạt mà không có nhiều người được biết đến: Sở Bưu chính Viễn thông TP Hồ Chí Minh không chỉ xử phạt 3 công ty tại TP Hồ Chí Minh mà gửi quyết định xử phạt luôn 3 công ty có trụ sở chính tại Hà Nội.

13. Làn sóng viết blog của người nổi tiếng và cả những người bình thường sau khi viết blog cũng trở thành người nổi tiếng

Năm 2006 đã chứng kiến sự bùng nổ của làn sóng viết blog - một dạng nhật ký cá nhân được viết trên mạng. Những người nổi tiếng cũng tham gia viết Blog trong khi đó, chính những người bình thường, nhờ viết Blog lại trở thành những người nổi tiếng trong cộng đồng dân cư mạng. Nhiều Blog đã thu hút được hàng triệu người truy cập và có Blog đạt được số lượt truy cập trong ngày tương đương với một tờ báo điện tử… Blog đã nhanh chóng trở thành một phần quan trọng trong đời sống ảo của cộng đồng dân cư mạng tại Việt Nam. Từ Blog, nhiều hoạt động có ích cho xã hội đã được phát động như quyên góp sách cho trẻ em nghèo, kêu gọi hiến máu nhân đạo…Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực, Blog cũng gây ra không ít những tình huống bi hài trong cộng đồng dân cư mạng. Khi vấn đề quản lý thông tin từ Blog còn được bỏ ngỏ, không ít những người đã lợi dụng Blog để "trưng" góc nhìn "bẩn" lên mạng, tuyên truyền văn hoá phẩm đồi truỵ, nói xấu cá nhân và không ít những Blog được trình bày phản cảm...

14. Viettel cung cấp các dịch vụ viễn thông tại Campuchia

Ngày 25/5/2006, Bộ BCVT Campuchia đã cấp phép cho Viettel được phép cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế tại thị trường Campuchia với thời hạn 35 năm. Tiếp theo đó, ngày 27/9/2006, Viettel đã chính thức cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế tại Campuchia. Như vậy, với sự kiện này, Viettel đã trở thành doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của Việt Nam đầu tư cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ tại thị trường nước ngoài. Ngày 29/11/2006, Bộ BCVT Campuchia đã cấp phép cho Viettel cung cấp 2 dịch vụ là di động và Internet tại thị trường nước này. Dự kiến trong năm 2007, Viettel sẽ triển khai cung cấp hai dịch vụ này tại thị trường Campuchia.

15. Thủ tướng chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT

Ngày 9/8/2006, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1046/QĐ-TTg về việc điều chỉnh phân công người đứng đầu một số tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chương trình hành động triển khai Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa giai đoạn 2001 - 2005 (Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT) được thành lập theo Quyết định số 176/2002/QĐ-TTg ngày 3/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ). Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm đã đảm nhận cương vị này. Đây là lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ đảm nhận cương vị Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT và rất có thể sẽ mang lại những đột phá phát triển mới, mạnh mẽ và hiệu quả hơn, cho ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam giai đoạn tới.

16. Nóng bỏng vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá-hoa hậu

Sự kiện FPT trúng thầu bản quyền truyền hình World Cup 2006, được độc quyền khai thác toàn bộ hình ảnh âm thanh và tín hiệu của World Cup 2006 tại Việt Nam đã gây ra một cú sốc và đã đẩy các đài truyền hình khác vào một thế tiến thoái lưỡng nan. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, không chỉ có các đài truyền hình khác (trừ VTV và HTV) mà cả các doanh nghiệp tại Việt Nam khi muốn khai thác các hình ảnh của World Cup 2006 đều phải mua bản quyền của FPT thì mới được tiến hành nếu không sẽ bị coi là bất hợp pháp và sẽ bị kiện ra tòa. Sau nhiều lần thương thảo, rốt cục FPT và VTV cũng đồng ý bán bản quyền truyền hình World Cup 2006 cho VTC vào giờ phút sát với ngày diễn ra World Cup. Cuộc chiến về bản quyền truyền hình lại bùng lên giữa VTV và VTC sau khi VTC tường thuật trực tiếp đêm chung kết hoa hậu Thế giới mà không mua bản quyền. Trong khi đó, VTV là đơn vị đã mua bản quyền tường thuật trực tiếp đêm chung kết Hoa hậu thế giới tại Ba Lan, thông qua nhà cung cấp TV Plus và nhà phân phối bản quyền đêm chung kết này trên toàn thế giới, Zeal TV. Hai sự kiện này cho thấy, cuộc chiến về bản quyền truyền hình đang là vấn đề nóng bỏng đặt ra đối với tất cả các đài truyền hình Việt Nam, nhưng nếu chấp nhận mua bản quyền truyền hình thì nhiều đài truyền hình sẽ “không chịu nổi nhiệt” bởi giá bản quyền luôn ở con số hàng triệu USD.

17. VTC và S-Fone cung cấp dịch vụ truyền hình trên điện thoại di động

VTV: "VTC vi phạm bản quyền phát sóng Hoa hậu TG!" (Ảnh: VTV)

Ngày 10/11/2006, VTC đã ra mắt dịch vụ truyền hình di động dựa trên công nghệ DVH-B. Trong thời gian đầu, dịch vụ truyền hình di động của VTCMobile sẽ được phát sóng tại Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM và các vùng phụ cận với 8 kênh truyền hình. Hệ thống phát sóng truyền hình chuẩn DVH-B hoàn toàn độc lập với hệ thống sóng di động (GSM, CDMA) tại Việt Nam, nên khi sử dụng ĐTDĐ hỗ trợ công nghệ truyền hình DVH-B, khách hàng không bị phụ thuộc vào chất lượng sóng di động của các nhà cung cấp. Ngày 9/10/2006, S-Fone chính thức ra mắt dịch vụ xem phim, truyền hình, nghe nhạc, truy cập Internet trực tiếp trên điện thoại di động dựa trên công nghệ CDMA 2000 1x-EV-DO cho phép tốc độ truyền dữ liệu cao lên đến 2.4 Mb/1giây. Sự kiện VTC và S-Fone cung cấp dịch vụ truyền hình trên điện thoại di động thể hiện xu hướng hội tụ công nghệ viễn thông - truyền hình, một xu hướng được nhận định sẽ phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới và đem đến nhiều giá trị sử dụng cho khách hàng.

18. VinaGame kiện FPT vì vi phạm bản quyền game online Võ Lâm Truyền Kỳ

FPT – Công ty công nghệ thông tin số 1 Việt Nam nhưng lại không có được vị trí số1 trên thị trường gameonline. Vi phạm bản quyền (sử dụng hình ảnh trái phép) của game online Võ Lâm Truyền Kỳ nhưng lãnh đạo của FPT lại lớn tiếng: “Kiện chúng tôi đâu có dễ (?!)”. Ngay sau khi tuyên bố này được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, một làn sóng phản đối FPT vì thái độ ngang ngược (dù sai bét) đã dấy lên khắp nơi. Kết cục là FPT phải có văn bản xin lỗi VinaGame và hàng triệu game thủ của Võ Lâm Truyền Kỳ trên chính website MU Việt Nam - Xứng danh anh hùng.

19. Bộ Tài nguyên Môi trường đi tiên phong trong việc giao lưu trực tuyến với dân, mở ra một xu hướng giao lưu giữa Chính phủ với người dân

Ngày 16/3/2006, lần đầu tiên, Bộ trưởng và 5 Thứ trưởng, lãnh đạo các Vụ, Cục, Thanh tra và một số đơn vị có liên quan thuộc Bộ TN&MT đã trực tiếp trả lời dân về các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên đất, nước, môi trường, khí tượng thủy văn, khoáng sản..., qua trang thông tin điện tử của Bộ này (http://monre.gov.vn). Đây không chỉ là những tín hiệu đầu tiên trong nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam trong tương lai, mà còn tạo đà phát triển và mở rộng giao lưu, đối thoại giữa các cơ quan chính phủ với người dân, đưa Chính phủ tới gần dân hơn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

20. Quốc hội chính thức thông qua Luật CNTT

Ngày 22/6, Quốc hội đã chính thức bấm nút thông qua Luật CNTT - đạo luật đầu tiên trong lĩnh vực CNTT. Đạo luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2007. Sự kiện này một lần nữa khẳn định tầm quan trọng cũng như quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam - một trong những động lực quan trọng nhất của sự phát triển. Luật CNTT cũng tạo nền tảng và môi trường pháp lý để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CNTT Việt Nam.

Theo VTV
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video