Sự tiến bộ của công nghệ giúp cho việc phát triển chân robot được điều khiển bởi chính người sử dụng trở nên khả thi hơn bao giờ hết.
Cô Hailey Daniswicz, người bị mất phần cẳng chân do ung thư xương vào năm 2005, hy vọng không lâu nữa mình có thể đi lại được nhờ vào chiếc cẳng chân robot đang được các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu phát triển.
Hợp nhất máy móc và con người
Cô sinh viên 20 tuổi này đang luyện tập để sau này có thể điều khiển được chân robot bằng tế bào thần kinh và cơ của chính mình. Levi Hargrove, nhà khoa học tại Trung tâm Y học robot Chicago (Mỹ), cho hãng tin Reuters biết: “Chúng tôi đang thật sự hợp nhất máy móc với con người”.
Daniswicz là một phần của cuộc thử nghiệm lâm sàng được quân đội Mỹ tài trợ, trong đó sử dụng những tín hiệu điện cơ và phần mềm máy tính để kiểm soát một thế hệ chân robot mới. Các điện cực gắn vào 9 phần cơ khác nhau của đùi cô đóng vai trò như các ăng ten, thu nhận tín hiệu điện được gửi từ tế bào thần kinh đến cơ. Số tín hiệu điện này được phát ra theo những khuôn mẫu nhất định tùy thuộc vào ý định cử động của cô. Sau một thời gian, máy tính có thể xác định những khuôn mẫu nói trên để biết được ý định cử động của cô.
Cô Hailey Daniswicz và nhà khoa học Levi Hargrove tại một buổi huấn luyện nhân vật ảo trên máy tính - Ảnh: Reuters
Daniswicz bắt đầu huấn luyện nhân vật ảo trên máy tính kể từ tháng 1 qua. Giờ đây, cô có thể hướng dẫn nhân vật ảo này uốn cong và duỗi đầu gối, co duỗi mắt cá chân trên màn hình máy tính…chỉ bằng những cử động nhẹ của cơ đùi. Ông Hargrove nói: “Cô ấy đã dạy máy tính những gì phải làm và giờ đây mỗi khi cô cử động cơ đùi, máy tính lắng nghe, nhận biết và làm cho chân của nhân vật ảo cử động”.
Daniswicz là một trong 4 người tình nguyện tham gia cuộc thử nghiệm để xác định xem liệu bệnh nhân có cần cấy ghép thêm các bộ phận để điều khiển chân robot hay không. Sau cuộc thử nghiệm, nhóm nghiên cứu tỏ ra ngạc nhiên khi nhận thấy họ có thể điều khiển cả khớp gối và mắt cá của chân robot mà không cần phải tiến hành các cuộc phẫu thuật cấy ghép. Theo ông Hargrove, phát hiện này có thể giúp nhiều người hơn hưởng lợi từ chân robot.
Hy vọng cho người mất cẳng chân
Theo thống kê, thế giới hiện có khoảng 2 triệu người bị mất cẳng chân. Ông Michael Goldfarb, kỹ sư cơ khí tại Đại học Vanderbilt ở thành phố Nashville (Mỹ), cho biết con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 khi số lượng người bị tiểu đường gia tăng. Nhóm của ông Goldfarb đang phát triển một cẳng chân robot có thể được điều khiển bởi xung thần kinh cho dự án nói trên.
Theo ông Goldfarb, sự tiến bộ của công nghệ giúp cho việc phát triển chân robot được điều khiển bởi chính người sử dụng trở nên khả thi hơn bao giờ hết. Dù vậy, ông Goldfarb nói thêm rằng hiện vẫn chưa có công ty nào chế tạo được loại chân robot này. Đối với Trung tâm Y học robot Chicago, bước kế tiếp là phát triển một chân robot như thế để giúp người bị mất cẳng chân đi lại tự nhiên và an toàn hơn. Ông Hargrove hy vọng rằng đến cuối năm nay sẽ có người sử dụng chân robot đi lại được trong phòng thí nghiệm của mình.
Sau đó, những người này có thể trải qua phần thực tập khó khăn hơn như lên xuống cầu thang. Tuy nhiên, ông Hargrove cho biết vẫn còn quá sớm để biết khi nào loại chân robot nói đến mới được đưa vào sử dụng trong thực tế. Ông nói: “Điều này còn phụ thuộc nhiều vào kết quả những nghiên cứu mà chúng tôi tiến hành trong thời gian tới”.