Các nhà khoa học phát hiện hơn 200 loài động thực vật mới ở phía đông Himalaya, trong đó có một loài cá biết đi bộ bằng cách trườn như rắn và sống được 4 ngày trên cạn.
Phát hiện loại cá đi bộ ở Himalaya
Theo IB Times, Quỹ Quốc tế Bảo tồn Động vật hoang dã (WWF) hôm qua công bố báo cáo về đa dạng sinh học ở khu vực Himalaya cho biết, có tổng cộng 211 loài mới được phát hiện ở đây trong thời gian từ 2009-2014.
Đáng chú ý là các nhà khoa học phát hiện một loài thuộc họ Cá quả, vây xanh, biết đi bộ, hít thở không khí và sống được trên cạn tới 4 ngày, di chuyển kiểu rắn trườn nhưng vụng về hơn. Ngoài ra, họ cũng phát hiện một loài khỉ kỳ lạ, mỗi lần trời mưa đều bị hắt hơi.
Loài cá biết đi bộ trên cạn ở Himalaya. (Ảnh: WWF).
"Tôi vô cùng phấn khởi vì khu vực này - ngôi nhà của số lượng đáng kinh ngạc các loài động vật, bao gồm cả những loài kỳ lạ nhất - tiếp tục khiến thế giới bất ngờ về những loại hình phát triển loài", Ravi Singh, CEO của WWF khu vực Ấn Độ, cho biết.
Ngoài báo cáo về đa dạng sinh học ở Himalaya, WWF nhấn mạnh mối đe dọa với hệ sinh thái ở đây, khi chỉ còn 25% môi trường sống ban đầu còn nguyên vẹn, và hàng trăm loài sống ở phía đông dãy Himalaya đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nạn phá rừng, chăn thả quá mức, săn trộm, buôn bán động vật hoang dã, khai thác thủy điện và ô nhiễm môi trường.
Himalay là nơi có ít nhất 10.000 loài thực vật, 300 loài động vật có vú, gần 1.000 loài chim và hàng trăm loài lưỡng cư, cá nước ngọt sinh sống. Trung bình mỗi năm có khoảng 6 loài mới được phát hiện, được đánh giá là một trong những nơi có hệ sinh thái đa dạng nhất thế giới.
"Thách thức đặt ra ra là bảo tồn hệ sinh thái đang bị đe dọa này, trước khi những loài động thực vật được biết đến và chưa được biết đến biến mất hoàn toàn", Sami Tornikoski, lãnh đạo của Sáng kiến Bảo tồn Cuộc sống ở Himalaya thuộc WWF nhận định.