Đó là kết quả của đề tài khoa học “Tạo cây ghép giữa cà chua và khoai tây” mà kỹ sư công nghệ sinh học Nguyễn Thị Trang Nhã (SN 1987, vừa tốt nghiệp thủ khoa Trường đại học Nông lâm TP.HCM) thực hiện trong suốt hai năm qua.
Cây "hai trong một" - Ảnh: Võ Trang
Từ việc ghép ngọn cây cà chua trên gốc cây khoai tây, Nhã đã cho ra đời loại cây trồng mới vừa cho thu hoạch củ khoai tây lại vừa cho trái cà chua với năng suất cao, đồng thời hàm lượng các chất trong củ khoai tây cũng như quả cà chua đều cao hơn loại cây đơn (cây chưa ghép).
Cụ thể, khi được trồng thử nghiệm trên đồng ruộng tại Đà Lạt, loại cây “hai trong một” này đã cho năng suất khá cao, bình quân đạt hơn 19 tấn củ khoai tây/ha và hơn 38 tấn cà chua/ha/vụ trên cùng diện tích, trong khi hàm lượng các chất trong củ và quả như vitamin C trong cà chua ghép đạt 8,77 (cà chua thường trồng đối chứng là 3,53), còn khoai tây ghép là 0,27 (khoai tây không ghép là 0,03); tinh bột trong cà chua ghép là 0,02 (không ghép là 0,02), khoai tây ghép là 2,04 (không ghép là 1,66)…
Việc ghép và trồng thành công cây cà chua - khoai tây của Nhã không chỉ giúp tiết kiệm diện tích đất, công chăm sóc, phân bón mà còn mở ra nhiều triển vọng mới về cây giống kháng bệnh cho nông dân Đà Lạt.
Nhã đang theo dõi sự phát triển của cây “hai trong một” - Ảnh: Võ Trang
Được biết, đề tài nghiên cứu của Nhã giành giải nhì Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 11 và được Thành đoàn TP.HCM trao tặng giấy khen. Hiện Nhã đang tiếp tục hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc để sớm chuyển giao cây giống cho nông dân.