Cá heo xoay đã phải rất nỗ lực để giữ được biệt danh này. Trong một cú nhảy ngoạn mục lên không, chúng có thể xoay mình tới 7 vòng. Các nhà khoa học giờ đây giải thích cơ chế nhào lộn đó bằng mô hình toán học và các đoạn phim dưới nước.
Cá heo đã phải quay mình ngay từ dưới nước để có thể đạt tốc độ cực nhanh khi cất mình lên không trung |
Trước khi "cất cánh", cá heo đã bắt đầu quay mình ngay từ dưới nước. Sử dụng các chân chèo như thể đôi cánh, con vật bắt đầu lăn tròn cơ thể một cách nhẹ nhàng. Cử động này khá chậm vì đuôi và chân chèo của nó gạt nước, khiến cho lực cản của nước tăng lên.
Điều đó giống như việc bạn vẫy tay trong bồn tắm, Anthony Nicastro, nhà vật lý từ Đại học West Chester, cho biết. "Bạn có thể cảm thấy lực cản do nước mà bạn đang đẩy xung quanh", Nicastro giải thích. "Cá heo có các chân chèo, một cái vây lưng và các bề mặt cản nước khác. Ở dưới nước, chúng chỉ quay được 1-2 vòng mỗi giây".
Nhưng khi con vật thoát lên khỏi bề mặt, mọi chuyện thay đổi.
Một khi đã tung mình lên không trung, cá heo sẽ vứt bỏ hết các lực cản đã làm chậm tốc độ của nó ở dưới nước. Và đó là khi mọi thứ sẵn sàng cho sự quay tít. Trên mặt nước, cá heo xoay có thể thực hiện tới 7 lần cuộn mình chỉ trong một giây.
Các nghiên cứu trước kia phỏng đoán rằng cá heo sản sinh những động tác xoay bằng cách vặn xoắn cơ thể, nhưng là sau khi đã thoát lên bề mặt. "Bạn sẽ không xoay mình được nhiều như vậy chỉ với một cú nhảy trơn tuột. Nó chẳng có nghĩa gì trong một mô hình thế giới thực", nhà sinh học Frank Fish, cũng từ Đại học West Chester nhận xét.
Bằng việc tính toán, mô hình toán học của Nicastro đã đi đến những mô tả chính xác các vòng xoay này diễn ra thế nào.
Nhưng tại sao?
Không ai biết chắc tại sao cá heo xoay lại vặn mình như vậy. Có thể có nhiều loại lý do: như thể hiện địa vị, thông báo vị trí, để săn mồi hoặc chỉ để đùa nghịch.
Hoặc cũng có thể đó là một cách dễ dàng để rũ bỏ những con cá đang đeo bám nó, như cá ép - loài cá có các vây lưng, hành động như thể các chén hút, gắn lên mình cá mập và cá heo. Chúng khiến cho cá heo bị tăng thêm lực cản hoặc gây khó chịu cho làn da nhạy cảm của nó. Khi cá heo nhảy lên không khí và xoay mình, các con cá ép sẽ bị rơi ra.
"Nếu cá heo không xoay, lũ cá ép vẫn bám chặt vào đó. Chỉ có động tác xoay mới đánh bật được những kẻ ăn bám khó chịu này", Nicastro nói.
T. An