Một nghiên cứu mới được các nhà khoa học quốc tế công bố cho biết, những con cá voi mắc cạn hàng loạt theo từng nhóm lớn không phải lúc nào cũng là thành viên của cùng một gia đình cá voi.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã nghiên cứu 12 vụ cá voi mắc cạn hàng loạt ở Australia và New Zealand để kiểm tra giả thuyết rằng những con cá voi khỏe mạnh đã mắc cạn khi cố tìm cách giúp đỡ các thành viên trong đàn bị ốm hoặc bị mất phương hướng và mắc cạn.
Sau khi kiểm tra gene di truyền của 490 con cá voi, họ kết luận rằng mô hình sống "tình nghĩa" kể trên không tồn tại, bởi phần lớn các con cá voi mắc cạn gần nhau chẳng có quan hệ gì với nhau.
Nghiên cứu do nhà khoa học Marc Oremus ở Đại học Auckland tại New Zealand tiến hành cho thấy New Zealand là nơi thường xảy ra hiện tượng cá voi mắc cạn hàng loạt.
Ông Oremus cho biết nếu quan hệ tình cảm đóng vai trò quan trọng trong các vụ mắc cạn của cá voi, điều đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy sẽ phải là những con nằm gần nhau quan hệ huyết thống với nhau. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng hy vọng sẽ tìm thấy các con cá voi có quan hệ đặc biệt gần gũi, như mẹ và con, phải ở rất gần nhau trong các vụ mắc cạn hàng loạt.
Một vụ cá voi mắc cạn hàng loạt trên bờ biển New Zealand
Nhưng thực tế lại không phải vậy. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, vị trí của mỗi con cá voi bị mắc cạn đã được đánh dấu để xem liệu những con cá ở gần nhau có quan hệ huyết thống hay không. Kết quả là người ta không thấy có sự liên quan nào giữa vị trí mắc kẹt của cá voi và quan hệ huyết thống, ngay cả với những con cá voi non đang được mẹ chăm sóc. Thường con mẹ và con non sẽ nằm ở cách nhau rất xa khi cả đàn lao vào bờ.
Đồng tác giả Scott Baker ở Đại học bang Oregon ở Mỹ nói rằng nghiên cứu, được xuất bản trên Tuần báo Di truyền, cho thấy rằng việc các gia đình cá voi ly tán nhau khi ở vùng nước sâu mới có thể là nguyên nhân gây mắc cạn hàng loạt.
Ông chỉ ra rằng trước đây người ta đã tìm cách lý giải nguyên nhân mắc cạn hàng loạt của loài cá voi hoa tiêu là do chúng cố tiến vào vùng nước nông, không quen thuộc, để săn mồi. Khi ở vùng nước lạ này, cá voi sẽ mất phương hướng, đánh giá sai về độ sâu của nước và mắc cạn. Đây được xem là giả thuyết chủ chốt.
Một giả thuyết khác được đề cập tới là cá voi giúp đỡ nhau và cùng bị mắc cạn. Nhưng với việc giả thuyết thứ hai đã bị nghi ngờ sau kết quả nghiên cứu của nhóm, dường như chỉ còn lại giả thuyết đầu là còn logic.
Nhưng Baker chỉ ra rằng các nhà khoa học còn có một quan điểm khác, đó là có sự cạnh tranh giữa các nhóm cá voi hoặc một biến cố nào đó làm rối loạn tổ chức của các nhóm cá voi này trước khi chúng mắc cạn. Nghiên cứu cho rằng những rối loạn có thể do cạnh tranh về nguồn thức ăn, bạn tình hoặc do những con cá voi xấu tính gây ra.
Cá voi mắc cạn tập Stewart Island, New Zealand. (Nguồn: AFP)
Các nhà khoa học phỏng đoán tín hiệu báo nguy từ các con cá voi đang gặp sự cố vì các lý do trên có thể đã khiến những con khác ở xung quanh nó bị rối loạn. Kết quả là các gia đình nhỏ cá voi trong một đàn sẽ bị lạc nhau, trước khi tất cả cùng bị mắc cạn. Các nhà khoa học nói rằng nghiên cứu của họ sẽ giúp ích cho việc đưa cá voi mắc cạn trở lại biển.
"Thường thì người ta sẽ tìm cách giúp một con cá voi non mắc cạn trở lại biển, nhờ một con cá voi cái nằm gần đó nhất phát tín hiệu, bởi ai cũng tưởng rằng đó là con mẹ của con cá mắc cạn" - Baker nói - "Thật không may, con cá voi cái đó có thể lại không phải là mẹ nó. Các kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ phát ra tín hiệu cảnh báo chống lại việc đưa ra quyết định giải cứu cá voi dựa trên hướng giả định này".