Các biểu hiện bình thường ở hệ tiêu hoá của trẻ nhỏ

Chức năng của hệ tiêu hóa thay đổi theo mức độ trưởng thành của trẻ; một biểu hiện có thể là bất thường ở trẻ lớn (như trào ngược) lại là bình thường ở trẻ nhỏ. Thai có thể nuốt nước ối ngay từ tuần lễ thứ 12 của thai kỳ, song hoạt động mút để ăn bắt đầu xuất hiện ở trẻ kể từ tuần lễ thứ 34 của thai kỳ.

Từ tháng thứ 4, trẻ thích các thức ăn đặc (Ảnh: TTO)
Khoảng 1 tháng tuổi, trẻ bắt đầu có cảm giác thích thức ăn có vị ngọt và mặn. Từ tháng thứ 4, trẻ thích các thức ăn đặc. Quan điểm hiện nay khuyên dùng thức ăn đặc cho trẻ từ tháng thứ 6 dựa trên nhu cầu dinh dưỡng hơn là dựa vào sự trưởng thành của hoạt động nuốt. Trong khi ăn, trẻ thường nuốt theo không khí và vì vậy cần giúp trẻ ợ hơi để không bị phình chướng dạ dày.

Vùng miệng nào của trẻ nhỏ được xem là bình thường

Dây lưỡi ngắn có thể làm cho các bậc cha mẹ lo lắng, song hình thái này hiếm khi gây ảnh hưởng đến hoạt động nhai hoặc phát âm của trẻ và thường không cần phải can thiệp phẫu thuật. Còn khuyết rãnh lưỡi cũng là một biểu hiện hình thái bình thường, lưỡi gà chẽ đôi cũng vậy, ngay cả trong trường hợp có kèm chẽ đôi một đoạn ngắn ở vùng sau của khẩu cái mềm.

Hiện tượng trào ngược ở trẻ

Trong năm đầu, trẻ nhỏ có dấu hiệu dòng chảy ra từ miệng có thể là trào ngược tự nhiên hay trào ngược cố ý. Ở trẻ khỏe mạnh có trào ngược, khối lượng dịch ói ra thường khoảng 15-30ml, hoặc có thể nhiều hơn. Đa số các trường hợp trẻ vẫn vui vẻ sau mỗi lần trào ngược (mặc dù có thể bị đói ăn). Trong 1 ngày, các đợt trào ngược có thể không xảy ra hay xảy ra vài lần. 80% các trường hợp trào ngược thường tự khỏi khi trẻ được 6 tháng, và 90% tự khỏi khi trẻ được 12 tháng. Nếu trẻ có các biến chứng của trào ngược hoặc vẫn bị trào ngược kéo dài sau độ tuổi trên thì được xem là bệnh lý chứ không còn là đặc điểm phát triển hình thái bình thường nữa, cần đánh giá mức độ ảnh hưởng và can thiệp điều trị. Các biến chứng của trào ngược bao gồm kém tăng trưởng, bệnh lý phổi (khó thở hay viêm phổi do hít), viêm thực quản và các tổn thương ở thực quản.

Ăn uống ở trẻ

Trẻ trong độ tuổi biết đi thường ăn uống uể oải hay không chịu nuốt thức ăn. Có xu hướng khuyên chỉ nên cho trẻ ở độ tuổi biết đi và trẻ nhỏ ăn một lượng nhỏ thức ăn trong mỗi bữa ăn. Các bậc cha mẹ cũng nên đánh giá chất lượng dinh dưỡng của bữa ăn theo vài ngày chứ không theo từng ngày. Trẻ lớn, đang ở giai đoạn tăng trưởng nhanh, cần có thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và ngon miệng để giúp trẻ ham ăn. Trẻ nhỏ từ tuổi biết đi đến trước tuổi đi học thường có giảm cảm giác ngon miệng. Nên thường xuyên theo dõi và đánh giá sự phát triển của trẻ theo biểu đồ tăng trưởng chuẩn.

Sự khác biệt của màu phân

Khối lượng, màu sắc và tính chất của phân có sự khác biệt lớn ở ngay một trẻ hoặc giữa các trẻ trong cùng một độ tuổi và chưa thể giải thích. Phân có ngay sau sinh gọi là phân su, sậm màu, thường ở 48 giờ sau sinh. Sau khi trẻ tiếp nhận sự nuôi dưỡng, phân su được thay thế bằng phân tạm có màu xanh nâu, thường có lẫn chất sữa đông, kéo dài 4-5 ngày, rồi được thay thế tiếp bằng phân màu nâu vàng có lẫn sữa.

Ở trẻ bình thường, số lần đi tiêu không ổn định, có thể từ 0-7 lần/ngày. Ở trẻ được nuôi bằng sữa mẹ, khối phân nhỏ ổn định với tính chất phân mềm (phân tạm), sau đó 2-3 tuần trẻ có thể đi phân mềm không lúc nào cũng ổn định. Trẻ bú mẹ có thể không đi tiêu trong 1-2 tuần lễ và sau đó vẫn có hoạt động tạo phân bình thường. Màu phân ít có ý nghĩa ngoại trừ trường hợp có máu hay thiếu chế phẩm bilirubin (phân có màu trắng thay vì nâu vàng).

Sự hiện diện của các hạt thực vật (hạt đậu hay bắp) trong phân của trẻ lớn hoặc trẻ trong độ tuổi biết đi là bình thường, cho biết trẻ nhai thức ăn không kỹ chứ không phải bị bệnh lý kém hấp thu. Tiêu phân lỏng không thường xuyên (gọi là chứng tiêu chảy của trẻ trong độ tuổi biết đi) thường xảy ra ở trẻ 1-3 tuổi. Biểu hiện này cũng xảy ra ở trẻ phát triển mạnh khoẻ có dùng nhiều thức uống giàu carbohydrate và trẻ ăn nhiều bánh snack trong ngày; các trẻ này thường đi tiêu vào ban ngày và ít đi tiêu vào ban đêm, khối lượng nước trong phân thường rất nhiều. Có thể giải quyết tốt kiểu tiêu phân lỏng này bằng cách cho trẻ dùng thức uống không có carbohydrate và ăn thực phẩm giàu mỡ.

Chứng bụng to thường gặp ở trẻ nhỏ ngay sau bữa ăn no

Biểu hiện này là do kết hợp của các nguyên nhân: Hệ cơ thành bụng yếu; Các tạng trong bụng to và vẹo cột sống tư thế. Trong năm đầu tiên sau sinh, có thể sờ thấy gan của trẻ lộ ra khoảng 1-2cm dưới bờ sườn phải. Gan bình thường khi gõ nhẹ vào cảm thấy có mật độ mềm và đồng nhất. Thùy Riedel là phần mảnh nhô ra từ thùy gan phải, có thể sờ thấy được ở vị trí bên dưới bờ ngoài thành bụng bên phải.

Cũng có thể sờ thấy đầu ngoài khá mềm của lách của trẻ trong điều kiện bình thường. Ở trẻ nhỏ gầy ốm, có thể sờ thấy cột sống một cách dễ dàng và các mô nằm nhô lên trên cột sống thường bị nhầm lẫn là các khối u. Thông thường, có nhận ra nhịp đập của động mạch chủ. Bình thường, có thể sờ thấy khối phân ở 1/4 dưới bên trái của vùng bụng, nơi có đại tràng xuống và đại tràng sigma.

Chứng vàng da

Vàng da thường xảy ra ở sơ sinh, nhất là ở trẻ sinh thiếu tháng, thường do gan chưa trưởng thành và có liên quan đến bệnh lý bilirubin liên hợp, gây tăng bilirubin gián tiếp. Tăng bilirubin gián tiếp kéo dài ở trẻ bú mẹ có thể do bệnh lý vàng da do sữa mẹ, thường lành tính ở trẻ sinh đủ tháng, có thể điều trị bằng thay thế sữa mẹ bằng sữa bột. Tăng bilirubin trực tiếp không bao giờ là bình thường, thường gợi ý có bệnh lý gan tuy trẻ có thể bị bệnh nhiễm trùng ngoài gan (thí dụ bị nhiễm trùng đường tiểu).

Tỉ lệ bilirubin trực tiếp cần phải nhiều hơn 15-20% tổng thành phần bilirubin. Bệnh lý tăng bilirubin gián tiếp máu (hay xảy ra ở trẻ sơ sinh bình thường) thường gây vàng nhẹ (sáng như kim loại vàng) ở củng mạc và da của trẻ, còn bệnh lý tăng bilirubin trực tiếp máu thường gây vàng sậm.

PGS. TS. BS. NGUYỄN TRÍ DŨNG

Theo Sức khoẻ & Đời sống, TTO
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video