Theo những chuyên gia nghiên cứu về gien các dân tộc, thổ dân Australia và Melanesia ở Papua New Guinea có thể là hậu duệ của cùng một nhánh người hiện đại đến từ châu Phi cách đây khoảng 50.000 năm.
Theo Tiến sĩ Toomas Kisivild và cộng sự thuộc Trường Đại học Tartu (Estonia) và Trường Đại học Cambridge (Anh), các cư dân đầu tiên ở Sahu - một lục địa tập trung New Guinea, Australia và Tasmania trong cùng một khối - có thể từng sống rất cô lập.
Cũng theo Tiến sĩ Kisivild, các dân tộc Australia và Papu ở những vùng đảo cách đây 8.000 năm đã sống rất cô lập. Các kết quả nghiên cứu khẳng định họ hầu như không có sự pha trộn gien từ 50.000 năm trước.
Việc di dân tại Australia bị biển cô lập với phần còn lại của lục địa châu Á từng là đề tài của nhiều tranh cãi. Các hóa thạch được phát hiện trên lục địa này khẳng định có nhiều thế hệ dân tộc đã định cư ở nơi này. Hóa thạch cổ nhất có niên đại 45.000 năm tuổi lại có nét giống người hiện đại hơn so với một hóa thạch khác có niên đại 20.000 năm tuổi.
Theo Tiến sĩ Kisivild, những sự khác biệt này là do sự tiến hóa của một dân tộc cô lập, chứ không phải sự pha trộn với những dân tộc khác.
T.Đ