Thời tiết về chiều ở Côn Đảo tháng 7 thường hay có những thay đổi thất thường. Những cơn mưa bất chợt đến cũng đủ làm cho việc di chuyển trên những kè đá trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Chặng đường di chuyển qua lại giữa những hòn đảo nhỏ vì thế luôn hết sức cập rập.
Ở vào giai đoạn hai tuần tuổi, những con Nicoba non thường đã có được sức chịu đựng nhất định. Do tổ của chúng được làm trên cao và khá kín đáo nên hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự xâm phạm của các loài khác.
Những cơn mưa mang đến độ ẩm cần thiết cho không khí những cũng tạo điều kiện cho lũ côn trùng hoạt động hung hãn hơn. Trời tối hẳn, những con Nicoba non bắt đầu nhúc nhắc ra chiều nôn nóng mong mẹ về. Giai đoạn này, chúng vẫn chưa trang bị được bản năng săn mồi, dù là những con côn trùng nhỏ vo ve xung quanh.
(Ảnh: Surfbirds, VTV) |
Loài Nicoba khi được già 3 tuần tuổi, những bộ phận đã hình thành khá hoàn thiện tuy chưa phát triển hết mức. Chúng đã có thể nhận biết được xung quanh và đặc biệt là khả năng nhận ra đồng loại từ rất xa.
Dường như ngay cùng với lúc ấy, những tín hiệu không giống với các loài khác làm cho con non trở nên rối rít hơn, đó là những đôi cánh chao liệng trên nền ban mai. Con Nicoba mẹ nhanh chóng xác định được tổ của mình và sà xuống. Mặc cho con non mong ngóng, nó chưa vào ngay tổ mà con thăm dò bên ngoài như phát hiện ra điều gì đó khác biệt. Chỉ sau khi không thấy điều gì nguy hiểm, nó mới nhảy lên tổ với con non của mình. Con Nicoba non tỏ ra an tâm dưới sự che chở của con mẹ. Nhưng cũng chỉ được một lúc, cơn đói sau hơn một đêm khiến con non thúc giục mẹ cho ăn. Song cơn mưa hôm trước khiến con chim mẹ không kiếm được nhiều mồi như mong muốn. Và trước sự đòi hỏi của con non, nó quặn mình lên như để trút hết những gì ít ỏi tích lũy được từ hôm trước.
Thức ăn của loài chim hiếm này khá đơn giản, đó chủ yếu là những trái cây rừng, đặc biệt là những hạt rất cứng và một vài động vật không xương sống ở mặt đất. Môi trường kiếm ăn của Nicoba thường tập trung ở sinh cảnh rừng ngập mặn hoặc rừng xanh rụng lá.
Chim non được chim bố mẹ mớm cho thức ăn từ nguồn kiếm được trong ngày. Nhưng cơn mưa hôm trước đã vô tình ngăn cản nó kiếm được lượng thức ăn cần thiết, có thể đó cũng là lý do cho sự vắng mặt của con chim bố. Có lẽ lúc này, con Nicba bố đang đi kiếm thức ăn bù vào thời gian mà cơn mưa hôm trước đã tước đi của nó. Biển có lẽ lúc nào cũng hào phóng và ưu đãi với muôn loài.
Thường thường, chim bố mẹ đi kiếm ăn từ sáng sớm cho đến chiều tối. Khoảng từ 6,7h cho đến 17h trong ngày là thời gian kiếm ăn còn cả đêm chúng dành cho chim non.
Kích thước con chim Nicoba đực thường lớn hơn con mái một cách rõ rệt. Chiếc tổ xinh xắn tỏ rõ sức bền khi phải ôm ấp cả gia đình Nicoba. Khi đã yên tâm bởi sự hiện diện đầy chắc chắn của con đực, con chim cái bắt đầu rời tổ để tiếp tục công việc mà hàng ngày nó vẫn cần mẫn thực hiện. Con chim đực tiếp quản vị trí và trách nhiệm từ con cái một cách hoàn hảo, nó dường như không có chút bỡ ngỡ.
Ở loài Nicoba, tập quán sinh sản và chăm sóc con non khá giống với chim yến. Chim đực và chim cái thay phiên nhau kiếm mồi và bảo vệ con non. Trong suốt quá trình ấp trứng cũng như vậy. Thời gian về đêm là lúc cả đôi cùng bảo vệ cho thế hệ nối tiếp của mình.
Bồ câu Nicoba (Ảnh: Klein, VTV) |
Quá trình chuẩn bị để ra ràng đối với chim non thật dài. Nó phải tập di chuyển trên đôi chân trước khi có thể tung mình vào không gian của biển cả. Rồi cũng đến lúc nó thừa hưởng được hết những khả năng ấy, đó là lúc nó đã trưởng thành. Khi ấy, mắt nó bắt đầu có màng trong màu đen, bộ lông ánh lên màu xanh kim loại với màu trắng đặc trưng lộ ra phía đuôi. Chân nó khỏe và lớn để vừa nâng đỡ được trọng lượng cơ thể, lại vừa phục vụ cho mục đích kiếm ăn trên những địa hình khác nhau.
Loài Nicoba sống tập trung ở vùng ven biển Nam Á. Người ta phát hiện ra chúng lần đầu tiên ở quần đảo Nicobar của Ấn Độ nên nó được gọi với cái tên như vậy.
Đặc điểm dễ nhận biết nhất của chúng chính là cấu trúc và màu sắc của bộ lông, cùng với đó hệ thống xương ống ở cánh. Cấu trúc lông ống cũng làm nên những điểm khác biệt chỉ có ở loài này.
Vòng đời của Nicoba cũng khá dài, sau khi nở ra từ trứng khoảng 5-7 tuần là nó có thể sống độc lập và dần trưởng thành.
Sự có mặt của loài chim quý hiếm Nicoba ở Côn Đảo được ghi trong sách đỏ Thế giới này đã góp phần làm phong phú và đa dạng hơn bức tranh sinh cảnh tuyệt vời của thiên nhiên vùng biển đảo này.