Các loài bay ở Côn Đảo (Phần 2)

  •  
  • 1.183

Cuối mùa giao phối của nhạn lưng đen, ở Côn Đảo xuất hiện khá nhiều loài chim khác, những con gầm ghì trắng thường đậu trên cành cây mỗi khi chiều về trông thật vui mắt.

Mọi việc đã được sắp đặt ổn thoả, việc di chuyển trong rừng tre khá khó khăn, nhưng cũng chính nhờ những rặng tre này mà lũ chim biển các loài có được một môi sinh lý tưởng. Trong suốt thời gian một năm, phía trên những rặng tre ở đây không bao giờ vắng bóng những loài chim biển.

Khác với loài nhạn biển, gầm ghì trắng non được nở ra trong tổ ở trên cao, thức ăn của chúng thì ngược lại với loài nhạn, chúng chỉ ăn các loại hạt, trái cây nhỏ và chồi cây. Có lẽ vì vậy mà thời gian trưởng thành của chúng không nhanh như ở loài nhạn biển.

Loài gầm ghì trắng ở Việt Nam chỉ có tại Côn Đảo, chúng sống trên các đảo có rừng xanh, đặc biệt là rừng thứ sinh hoặc rừng ngập mặn. Vào mùa sinh sản, chúng thường đẻ từ 1 đến 2 quả trứng. Những con non sau nở thường được chim mẹ ấp, còn chim bố thời gian này tách riêng ra. Chim mẹ đi kiếm mồi ban ngày, chiều về lại ấp chim con suốt đêm.Loài gầm ghì trắng khi trưởng thành có một bộ lông trắng kem, mỏ và viền mắt màu xanh xám.

Cảnh tượng không gian biển sớm thật tuyệt vời, các loài chim sau một đêm nghỉ ngơi thả mình vào không gian như tận hưởng cái sảng khoái của bình minh đảo nhỏ, ướp mình trong hương vị biển tươi mát của một ngày mới. Và trong cái nhộn nhịp của xã hội trên trời này, dường như có một điều gì đó vừa bí ẩn, vừa thiêng liêng đang diễn ra nơi những vách đá, những ngọn cây. Xen giữa với những cú chao nghiêng hào sảng của loài gầm ghì, phóng khoáng lại có những giây phút êm đềm, thanh thản.

Bên cạnh những đôi nhạn biển son rỗi, là những bà mẹ hớn hở với quả trứng bé xíu vừa ra đời trong hốc đá - kết quả của thiên chức duy trì giống nòi bản năng. Những sinh linh nhỏ bé ẩn mình phía dưới bụng những con chim mẹ nơi vách đá chính là những chặng nối tiếp của một cuộc chạy tiếp sức vĩ đại của tạo hoá. Cuộc chạy vĩ đại ấy đã duy trì cho không gian đại dương một xã hội phồn thịnh các loài bay.

Ở cái không gian mênh mông giữa trời và biển, những loài chim như nhạn, gầm ghì trắng, nicoba hay vô số các loài đặc hữu khác đã trở thành một cái gạch nối. Gạch nối đó đã kéo liền không gian trời biển, làm nhỏ đi cự ly khoảng cách và đặc biệt hơn là nó đã xoá nhòa ranh giới thiên nhiên và con người.

Bồ câu Nicoba (Ảnh: Shoarns)

Sự bình đẳng của các loài bay ở một nơi mà sự sống của chúng không bị đe doạ bởi những xâm hại từ phía con người đã cho phép từng loài phát triển số lượng và giống nòi của chúng.

Với độ ẩm cao luôn được duy trì trong những cánh rừng rậm, các loài sinh vật gồm cả thực vật và động vật đã có được điều kiện để phát triển sự sống của họ hàng của chúng với tính đa dạng cao. Điều kiện sống ấy giống như cái nôi êm ái cung cấp lượng dinh dưỡng cực kỳ phong phú cho muôn loài. Sự phong phú của những loài chim cũng không phải là ngoại lệ, từ lũ nhạn chao chác và đanh đá cho đến loài chim sâu e dè trên mép tổ, rồi những con yến mẹ chăm chút lũ con nhỏ... tất cả góp vào cái sôi động của một xã hội bay trên biển.

Tiến sâu vào rừng Ma Thiên Lãnh, nơi có hang Đức Mẹ, các bạn sẽ hy vọng thấy các loài bay đặc biệt khác của Côn Đảo. Một trong số chúng là loài chim khá lớn có tên là Nicoba. Đây loài chim bồ câu cực hiếm mà ở Việt Nam chỉ hiện diện tại Côn Đảo. Loài chim này không dễ tiếp cận, chúng sẽ bay ngay khi thấy động.

Khác với loài nhạn biển, lũ bồ câu Nicoba không đi kiếm ăn thành đàn mà chỉ đi đơn lẻ từng con hoặc cặp đôi. Loài chim này không sống sát mép biển và trên các kè đá, chúng kín đáo lùi sâu hơn vào bên trong những tán cây rậm rạp. Loài bồ câu Nicoba chọn nơi làm tổ kỹ lưỡng và kín đáo hơn loài gầm ghì trắng, tổ của chúng được làm ở phía dưới rất nhiều tán lá và cành cây.

Những con sóng vỗ vào sâu hơn trong bờ đá báo hiệu nước triều dâng khi mặt trời đã ngả bóng. Lũ gầm ghì trắng và nhạn biển các loài đã trở về tổ nơi ngọn cây và vách đá. Con chim sâu mẹ cũng tha mồi về tổ cho lũ chim non như thường lệ. Không gian nơi vách đá sát biển chợt ồn ào như một khu chung cư lúc sẩm tối. Con bồ câu Nicoba non trong tổ dường như không hề sốt ruột bởi cái náo động của hàng xóm.

Ở vách đá sát mép nước có những âm thanh rối rít rất đặc biệt phát ra nơi khe đá cao. Phía trên, những con chim yến nháo nhác lượn một vòng bên ngoài rồi bay thẳng vào trong vách hang đá. Vách hang khá hep, chỉ đủ cho hai người chui vào, và ở trên những phiến đá dựng đứng có những cái tổ xinh xắn màu trắng của loài chim yến.

Cứ vài cái đốm trắng chụm lại thành một cụm, loài yến thường làm tổ trên những vách đá dựng đứng trong khe núi sát nước biển. Mỗi cái tổ ấy có kích thước khoảng hơn 10cm2, đủ để chứa được 1 đến 2 quả trứng nhỏ của loài chim yến. Đây là thời gian ấp trứng hàng năm của chúng.

Cứ vào thời điểm tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, loài chim yến này lại tập trung ở những vách đá hiểm trở và ít có loài nào tới được để làm tổ và đẻ trứng. Có nhiều địa điểm ở Côn Đảo đáp ứng được điều kiện sinh nở của loài chim quý này. Ngoài Hòn tre nhỏ, hang Việt Minh cũng là nơi sinh sản lý tưởng của loài này. Chỉ mất 15’ đi ca nô, bạn đã có thể tới được hang Việt Minh.

(Còn nữa...)

Các loài bay ở Côn Đảo (Phần 1)

Hoàng Lâm

Theo VTV
  • 1.183