Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ mới đây cho thấy các loài cá tại hồ Tanganyika, hồ lâu đời và sâu nhất tại châu Phi, đang ngày càng khan hiếm do tình trạng ấm lên của Trái Đất.
Nghiên cứu trên được công bố trên Chuyên đề tháng Tám của Viện khoa học Quốc gia Mỹ.
Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học đã lấy mẫu trầm tích ở dưới đáy hồ để phân tích sự thay đổi hệ sinh thái tại Tanganyika kể từ năm 1.500 cho tới nay.
Kết quả phân tích mẫu trầm tích cho thấy nhiệt độ nước hồ Tanganyika đã tăng từ thế kỷ 19, khiến diện tích tảo, thức ăn chủ yếu của các loài cá, giảm sút kéo theo sự sụt giảm của các loài cá.
Đánh bắt cá tại hồ Tanganyika. (Nguồn: Reuters).
Nghiên cứu còn chỉ rõ kể từ năm 1946, tình trạng nước hồ ấm lên đã làm môi trường sinh sống của các loài cá và động vật thân mềm giảm tới 38%. Bên cạnh đó, sự thay đổi nhiệt độ nước hồ còn khiến lượng ôxy ở đáy hồ giảm, dẫn tới tình trạng các loài "cư dân" sống ở tầng đáy chết dần, trong đó có loài ốc sên.
Kết luận này đã củng cố thêm nhận định rằng tình trạng cá khan hiếm tại hồ Tanganyika là do tác động của Trái Đất ấm lên, chứ không hoàn toàn do hoạt động đánh bắt cá quá mức của con người.
Giáo sư nghiên cứu về đất của Đại học Arizona đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, Andrew Cohen, khẳng định số lượng cá tại hồ cổ nhất châu Phi này đã bắt đầu sụt giảm từ thế kỷ 19.
Theo giáo sư Cohen, sự sụt giảm các mẫu hóa thạch cá tại hồ này song song với tình trạng nước hồ ấm lên, do vậy việc đánh bắt cá quá mức chỉ là một phần của nguyên nhân dẫn tới tình trạng cá khan hiếm tại đây.
Hồ Tanganyika là một trong những hồ lớn nhất châu Phi, bao phủ một phần diện tích của ba nước Tazania, Burundi và Cộng hòa Dân chủ Congo. Nơi đây được biết đến bởi sự đa dạng hệ sinh thái với hàng trăm loài độc đáo, duy nhất chỉ có ở hồ Tanganyika.
Hoạt động đánh bắt cá tại hồ Tanganyika được cấp phép từ những năm 50 của thế kỷ trước, với sản lượng khoảng 200 tấn cá mỗi năm.