Các nhà khoa học lo ngại "siêu biến chủng" thay thế Delta sắp xuất hiện

Biến chủng Delta được phát hiện lần đầu cách đây một năm và đang chiếm ưu thế trên toàn cầu. Giới chuyên gia lo ngại một chủng mới có thể thay thế nó.

Hàng tuần, một nhóm các nhà dịch tễ học trên khắp đông bắc nước Mỹ đều tham gia cuộc họp qua Zoom để thảo luận về các biến chủng nCoV mới đang xuất hiện trên toàn cầu.

“Nó giống như bản tin thời tiết. Chúng tôi từng có Gamma xuất hiện ở một số nơi, Alpha cũng vậy. Nhưng giờ đây, toàn cầu được bao phủ bởi chủng Delta”, nhà dịch tễ học William Hanage, Trường Y tế Công cộng Harvard T.H Chan, cho biết.

Hai kịch bản

Kể từ khi biến chủng Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ vào tháng 12/2020, nó đã trở nên phổ biến, âm thầm lan rộng trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 99,5% trình tự gene được báo cáo là ca nhiễm biến chủng Delta.

Trong khi đó, các biến chủng mới liên tục xuất hiện, điển hình như AY.4.2 hoặc Delta Plus ở Anh. Giới chức y tế ước tính chúng có khả năng lây truyền cao hơn 10-15%. Dữ liệu chưa đầy đủ song, các chuyên gia nhận thấy các biến chủng này gần như giống hệt Delta, ngoại trừ một số đột biến nhỏ kỳ lạ. Ông Hanage gọi chúng là “hậu duệ” của Delta và nhận định nó không thể phát tán bệnh nguy hiểm hơn.

Song, lý do để Hanage và cộng sự vẫn liên tục quét các cơ sở dữ liệu của Pangolin, Nextstrain và bàn luận đều đặn mỗi tuần qua Zoom là dự đoán xem điều gì sắp xảy đến. Delta có phải biến chủng cuối cùng của đại dịch Covid-19 hay điều gì đáng sợ chuẩn bị xuất hiện trong tương lai? Câu hỏi đó không ai dám chắc chắn về đáp án.


Tỷ lệ lây nhiễm nCoV cao làm tăng khả năng xuất hiện các biến chủng nguy hiểm. (Ảnh: Dominic Lipinski/PA).

Một khả năng là sau bước nhảy đột ngột trong trình tự di truyền của nCoV, virus tạo ra biến chủng đầu tiên mang tên Alpha, sau đó là Delta. Giờ đây, SARS-CoV-2 sẽ đột biến từ từ, ổn định và cuối cùng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của vaccine Covid-19 hiện tại, nhưng phải mất nhiều năm. Trong khi đó, các nhà khoa học vẫn nỗ lực phản biện chính suy đoán này của họ. Một số ngược lại tin rằng đây là kịch bản có khả năng xảy ra nhất.

Giám đốc Viện Di truyền UCL, Francois Balloux, dự đoán: “Kiểu tiến hóa mà chúng ta sẽ thấy tương tự cái gọi là sự trôi dạt kháng nguyên – virus dần tiến hóa để thoát khỏi hệ miễn dịch. Với bệnh cúm và các virus corona khác mà chúng tôi biết khá rõ, phải mất 10 năm để virus tích lũy đủ các thay đổi khiến kháng thể trong máu không nhận ra được”.

Nhưng kịch bản khác cũng được đưa ra. Đó là sự xuất hiện đột ngột của biến chủng nCoV hoàn toàn mới có khả năng lây truyền, độc lực hoặc đặc tính né tránh miễn dịch. Điều này có thể gây ra cục diện mới cho đại dịch. GS Ravi Gupta, Đại học Cambridge, gọi chúng là “siêu biến chủng” và chắc chắn 80% nó sẽ xuất hiện. Câu hỏi đặt ra là khi nào.

“Chúng ta đang sống trong "đại dịch Delta". Biến chủng Delta Plus tương đối mỏng manh với hai đột biến từ Delta. Tôi không nghĩ chúng đáng lo ngại và chúng cũng không phát triển mạnh ở các quốc gia khác. Song, không thể tránh khỏi một biến chủng khác trong hai năm tới sẽ cạnh tranh với Delta và vượt xa nó”, GS Gupta nói thêm.

Chúng ta sẽ thấy một siêu biến chủng?

Trong nửa cuối năm 2020, các nhà dịch tễ học bắt đầu quan sát thấy dấu hiệu của hiện tượng tái tổ hợp virus. Phiên bản khác nhau của nCoV xuất hiện với những đột biến thay thế, kết hợp và tạo thành chủng hoàn toàn mới.

GS Gupta nhận định may mắn là hiện tượng này không phổ biến nhưng vẫn là kịch bản khả dĩ để sản sinh ra một siêu biến chủng. Đặc biệt là ở những nơi có tỷ lệ dân số chưa được tiêm chủng lớn và chủng virus có thể lây nhiễm mạnh.

“Delta đang là chủng phổ biến, điều này khiến siêu biến chủng càng ít khả năng xảy ra. Song, ở những vùng đất rộng lớn trên hành tinh mà chúng tôi không lấy được mẫu, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Vì vậy, đây là kịch bản rất khả dĩ”, vị giáo sư nói.


Một số quan điểm cho rằng việc sử dụng các thuốc viên kháng virus, đặc biệt là Monupiravir của Merck, có thể góp phần khiến nCoV phát triển. (Ảnh: Merck & Co Inc/Reuters).

Bên cạnh đó, hàng loạt đột biến lớn có thể khiến chủng Delta hiện tại được nâng cấp mạnh mẽ hoặc “lột xác” thành chủng mới. GS Gideon Schreiber, Viện Khoa học Weizmann ở Israel, cảnh báo: “Các đột biến phức tạp hơn có thể phát triển đồng thời ở nhiều vị trí. Điều này có thể gây ra nhiều vấn đề hơn”.

Trong những tuần gần đây, lo ngại khác lại xuất hiện. Đó là việc sử dụng các thuốc viên kháng virus, đặc biệt là Monupiravir của Merck, có thể góp phần khiến nCoV phát triển. Molnupiravir hoạt động bằng cách can thiệp vào khả năng sao chép của virus, cắt nhỏ bộ gene với các đột biến cho đến khi nó không thể nhân đôi được nữa.

Một số nhà virus học lập luận bất kỳ đột biến nCoV nào tồn tại và lây lan sang vật chủ khác đều thúc đẩy sự xuất hiện của các biến chủng mới. Những nhà nghiên cứu khác thừa nhận điều này cần được theo dõi, song, họ không thể từ chối dùng loại thuốc có thể cứu mạng bệnh nhân.

Theo GS Gupta, vấn đề lớn hơn khiến siêu biến chủng có thể xuất hiện là tỷ lệ lây nhiễm liên tục cao ở các quốc gia đã tiêm chủng nhiều cho dân số, điển hình như Vương quốc Anh.

“Càng có nhiều ca nhiễm mỗi ngày, khả năng càng cao xuất hiện bệnh nhân X bị nhiễm virus và tế bào T của họ không đủ mạnh để loại bỏ nCoV. Họ sẽ bị mắc bệnh một số ngày và đây là khoảng thời gian giúp chúng hoàn thiện khả năng né tránh miễn dịch, sau đó lây cho người khác”, ông Gupta nói.

Đầu năm, GS Gupta xuất bản bài báo cho thấy quá trình này có thể xảy ra ở những F0 nghiêm trọng, được sử dụng huyết tương chứa kháng thể diệt virus. Hệ miễn dịch của họ không đủ để loại bỏ virus và kết quả là chúng học cách thích nghi với những kháng thể đó.

Các tác giả dự đoán việc sử dụng huyết tương của người khỏi bệnh trong thời kỳ đầu đại dịch cũng là nguyên nhân thúc đẩy sự xuất hiện biến chủng mới, chủ yếu là Brazil, Ấn Độ, Anh, Mỹ. Tất cả quốc gia này đều là nơi phát hiện những biến chủng mới.

Những cuộc "chạy đua vũ trang"

Các nhà dịch tế học đang cố gắng mô hình hóa siêu biến chủng có “hình dạng” như thế nào. Cho đến nay, những biến đổi chính trong trình tự gene của nCoV vẫn là yếu tố giúp nó tăng khả năng lây truyền.

Ông Hanage giải thích một lý do Delta có tác động lớn trên toàn cầu là nó phát triển rất nhanh trong tế bào con người trước khi hệ miễn dịch được kích hoạt. Kết quả là những người mang biến chủng Delta có số hạt virus trong mũi cao gấp 1.200 lần so với chủng ban đầu. F0 cũng khởi phát triệu chứng sớm hơn 2-3 ngày.

Đây là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên. Các bản sao khác nhau của nCoV luôn được sản sinh nhưng bản sao tồn tại và trở nên phổ biến là những loại có khả năng lây nhiễm sang người lành cao hơn hẳn. Tuy nhiên, ở những nước như Anh, tỷ lệ dân số chưa được tiêm vaccine Covid-19 đang giảm dần và điều này có thể thay đổi. Các chủng mới sẽ vượt qua kháng thể và kết quả là siêu biến chủng mang theo đặc tính ưu tú hơn, né tránh ít nhất một phần miễn dịch.


Nhân viên y tế khử trùng tại khu vực điều trị Covid-19 của Bệnh viện Mariinsky, Saint Petersburg, Nga, ngày 7/7. (Ảnh: AFP).

Ông Hanage cho biết: “Các chủng virus sống sót cuối cùng và trở nên phổ biến, tùy thuộc từng giai đoạn của dịch. Cho đến nay, việc lây truyền vào nhóm chưa được bảo vệ bởi vaccine vẫn rất quan trọng với nCoV. Nhưng điều đó sẽ thay đổi”.

Dù vậy, đây không hẳn tin xấu. Vaccine Covid-19 được thiết kế với mục đích hướng tới sự tiến hóa của virus. Ngoài ra, thế hệ vaccine thứ hai đang được phát triển. Nhà sản xuất Novavax đang hy vọng được phê duyệt trong vài tháng tới, trong khi đó, nhiều loại vaccine khác cũng sẽ tung ra thị trường từ nay đến năm 2023. Các công trình này đều giúp chống lại biến chủng mới trong tương lai.

Hay như Công ty Dược phẩm Gritstone của Mỹ đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I vaccine Covid-19 thế hệ hai. Họ giải trình tự gene tất cả chủng nCoV hiện có và tạo kháng thể vô hiệu hóa các khu vực virus được bảo tồn.

Song, các nhà dịch tễ học tin rằng chỉ dựa vào vaccine là không đủ. Ngay cả khi chúng ta tìm cách sống chung với Covid-19 như tại Anh, vẫn có một số hạn chế để ngăn sự lây lan của virus và giảm cơ hội giúp nó đột biến.

Theo GS Gupta: “Hiện tại, số ca mắc rất cao nên việc ngăn ngừa F0 mới sẽ tốt hơn nhiều. Chúng ta không nên tới những chỗ đông người hay vào tòa nhà mà không đeo khẩu trang. Tất cả biến chủng mới đều xuất hiện ở những quốc gia có tỷ lệ lây truyền rất cao và không có kiểm soát dịch như Ấn Độ, Anh, Brazil. Đó cũng là nguyên nhân không có biến chủng mới được tìm thấy ở Singapore hay Hàn Quốc".

Cập nhật: 24/11/2021 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video