Các nhà khoa học Nga đã phát triển một phương pháp mới để tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa và các thiên thể khác trong Hệ Mặt trời.
Công trình khoa học chứng minh phương pháp này đã được công bố trong số mới nhất của tạp chí "Nghiên cứu vũ trụ". Phương pháp được phát triển với sự tham gia của các cán bộ Viện nghiên cứu Vật lý hạt nhân mang tên D.V. Skobeltsyn thuộc MGU, Khoa Vật lý và Sinh học MGU, Viện nghiên cứu sinh học hóa lý mang tên A.N. Belozersky MGU. Công trình được thực hiện theo kế hoạch phát triển thiết bị khoa học cho tàu vũ trụ Boomerang của Nga, được thiết kế để khám phá sao Hỏa và đưa các mẫu đất đá thu thập được trên sao Hỏa từ vệ tinh Phobos về Trái đất.
Theo đó, các nhà khoa học dùng tia laser từ tàu vũ trụ hoặc trạm đỏ bộ vũ trụ quét bề mặt thiên thể.
Công trình căn cứ từ thực tế là các trạm đổ bộ và tàu thăm dò không thể bao quát được công việc nghiên cứu tìm kiếm dấu vết sự sống trên những khu vực rộng lớn, còn trực thăng, bóng bay và khinh khí cầu lại phụ thuộc nhiều vào mật độ khí quyển và gió của các hành tinh được nghiên cứu.
Để giải quyết vấn đề này, tốt hơn hết là đặt các thiết bị quét laser trên tàu vũ trụ để khám phá vật thể nghiên cứu trên đường bay của tàu vũ trụ hoặc từ quỹ đạo của nó. Phương pháp do các nhà khoa học Nga phát triển cũng thích hợp cả trong việc tìm kiếm sự sống sau khi tàu vũ trụ hạ cánh xuống hành tinh.
Xuất phát từ cơ sở rằng sự sống trên Trái đất nảy sinh từ vi sinh vật và một số trong những vi sinh vật ấy có thể chịu đựng được điều kiện khắc nghiệt sánh ngang với điều kiện trên vũ trụ, các nhà khoa học kết luận rằng khi tìm kiếm dấu vết sự sống trong Hệ Mặt trời, trước tiên nên tập trung vào việc tìm kiếm những vi sinh vật đơn giản nhất.
"Dựa trên phương pháp do các nhà sinh học của Viện chúng tôi đề xuất, chúng tôi đã đưa ra phương pháp đo lường và thiết bị để xác định khả năng sống sót của các vi sinh vật ngoài vũ trụ. Phương pháp này dựa trên nguyên tắc phát bức xạ huỳnh quang của các thực thể sinh học có kích thước siêu nhỏ khi bị chiếu xạ bằng tia laser. Theo đặc điểm của luồng bức xạ huỳnh quang thu được, chúng ta có thể đánh giá liệu những thực thể sinh học đó có sự sống hay không", ông Mikhail Panasyuk, Giám đốc Viện nghiên cứu khoa học Vật lý hạt nhân mang tên D.V. Skobeltsyn thuộc MGU, Phó chủ tịch Ủy ban quốc tế về nghiên cứu vũ trụ Nga cho biết.
Với sự trợ giúp của một thiết bị như vậy, có thể kiểm tra các vật thể ở khoảng cách hàng chục và hàng trăm kilomet, nhưng phương pháp này chỉ cho phép phát hiện dấu vết sự sống trên bề mặt, chứ không phải dưới bề mặt thiên thể, ông Panasyuk giải thích.