Chúng tôi cảnh báo bạn không nên đọc câu chuyện này khi đang ăn. Nó chứa đựng khoa học, sự kỳ lạ nhưng lại bị lẫn cả một cảm giác kinh tởm ẩn sau khuôn mặt ngáo ngơ vô tội của con lười Nam Mỹ này.
Con lười hai ngón bị bắt quả tang và chụp ảnh lại khi đang chậm chạp ló mặt vào… một nhà vệ sinh của con người. Nó định lẻn vào đây, chẳng để sàm sỡ hay gây hại ai, nhưng nó đến để dự tiệc.
Các nhà khoa học phát hiện con lười lẻn vào nhà vệ sinh của mình, điều chúng làm thật kinh khủng.
Câu chuyện này diễn ra trong rừng nhiệt đới Amazon ở phía đông bắc Peru, quê hương của loài lười hai ngón (Choloepus didactylus). Những con lười xinh đẹp này thường dành phần lớn cuộc đời của chúng treo mình trên cây. Chúng lười đến độ tảo sẽ bám từ thân cây lên bộ lông của chúng, tạo thành một màu xanh lục huyền diệu.
Những con lười ăn cỏ, lá, hoa, vỏ hoặc những chồi cây non. Nhưng đó đã là chuyện xảy ra từ năm 1984 trở về trước, thời điểm mà một trạm nghiên cứu có tên là Estación Biológica Quebrada Blanco (EBQB) được xây dựng ở đây. Các nhà khoa học đến và đi, luân phiên thực hiện các nghiên cứu của họ ở EBQB kể từ năm 1997. Mỗi lần như vậy, họ để lại… phân của mình.
Tất nhiên, trạm nghiên cứu EBQB có nhà vệ sinh, dù rằng nó chỉ là một hố xí xổm đơn sơ, vùi phân trực tiếp xuống dưới lòng đất. Và đây cũng là nơi các nhà khoa học phát hiện thấy một sự thật kinh hoàng chưa từng được biết đến trước nay.
Vào một đêm đầu tháng 11 năm 2001, một nhà khoa học vào nhà vệ sinh và phát hiện một con lười đang treo mình trên xà gỗ phía trên. Kinh ngạc là ở chỗ con lười này đang ăn. Không phải là thứ hoa, lá, cỏ, cây gì cả, con lười đang ăn phân của các nhà khoa học.
"Nó dùng một tay múc lấy thứ hỗn hợp nhầy nhụa bao gồm phân, nước tiểu và giấy vệ sinh, sau đó thản nhiên mút mát", một nhóm các nhà nghiên cứu sau đó đã viết trong một báo cáo năm 2011. "Khi nhiều người tập trung quanh nhà xí để theo dõi hành vi kỳ quái này, con lười mới ló ra khỏi đó và trèo lên cái cây gần nhất".
Các nhà khoa học cho rằng đó chỉ là một con lười bệnh hoạn, đang cư xử theo cách mà những con lười bình thường khác ở đây không hề có. Nhưng họ đã nhầm. Con lười này quay trở lại, và có cả những con lười khác tham gia vào bữa tiệc cùng với nó. Tổng cộng, các nhà khoa học đã ghi nhận lại được 26 chuyến ghé thăm của những con lười ăn phân.
Có những con lười đi riêng lẻ, nhưng ít nhất đã có một con lười mẹ dắt theo đứa con bám vào lông của nó tới nhà vệ sinh. Chúng luôn đến vào ban đêm - phù hợp với thói quen ăn đêm của loài này - và thường là khi trời mưa. Chúng xuất hiện trong bộ dạng ướt nhẹp, tới bữa tiệc và rồi chậm rãi rời đi, trở lại những tán rừng.
Những con lười đến khi trời mưa, và một con lười mẹ còn dắt theo con của mình.
Câu hỏi đặt ra với hiện tượng chưa từng được quan sát này: Tại sao những con lười – loài động vật chưa từng ăn bất cứ thứ gì khác ngoài thực vật – lại ăn phân người?
Manh mối đưa các nhà khoa học trở lại nghiên cứu tập quán của các loài động vật ăn phân, trong một nhóm gọi là coprophagia. Chúng bao gồm các loài gặm nhấm như thỏ và ở mức độ thấp hơn có chó, ngựa con, heo con và linh trưởng.
Tập quán ăn phân cũng cũng được quan sát thấy ở loài kỳ giông hang động. Nói chung, lý do mà những loài động vật này tìm đến nguồn thức ăn kỳ lạ, đó là chất dinh dưỡng hoặc một một phương tiện tiêu hóa có trong phân của chính chúng hoặc loài khác.
Chẳng hạn, thỏ không thể hấp thụ chất dinh dưỡng một cách hiệu quả trong lần đầu tiên, vì vậy chúng phải tự ăn lại phân của mình để tiêu hóa nó hai lần. Những con koala cái cho con ăn phân của mình vào thời điểm chúng chuyển tiếp từ bú sữa sang ăn lá bạch đàn. Và phân của koala mẹ giúp những con con của nó thích nghi với chế độ ăn mới.
Những con kỳ giông hang động có thể ăn phân dơi như một nguồn thức ăn dự phòng khi mọi loại thực phẩm khác trở nên khan hiếm.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu tin rằng có thể có một số chất dinh dưỡng hoặc khoáng chất trong nhà vệ sinh của họ đang hấp dẫn những con lười. Natri là một ví dụ. Một chế độ ăn lá cây thường dẫn đến thiếu hụt natri hoặc thậm chí là protein. Mà protein có thể được tìm thấy trong những con giun, sinh vật cũng đang ăn phân người.
Những con lười được biết là chỉ ăn cỏ, lá, hoa, vỏ hoặc những chồi cây non.
Mặc dù vậy, việc loài lười hai ngón ở Amazon phá vỡ đi những tập quán thông thường của chúng để ăn chất thải con người tiềm ẩn nhiều nguy cơ với chính giống loài của chúng. Phân người có thể chứa nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng có hại, những mầm bệnh này có thể lây truyền và ảnh hưởng tới quần thể lười.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu chấm dứt các cuộc đột kích nhà vệ sinh bất hợp pháp của chúng. Vào năm 2007, họ đã rào lại nhà xí bằng lưới thép và những con lười không thể lẻn vào đó được nữa.
Thành thật mà nói, đó là điều tốt nhất mà các nhà khoa học có thể làm. Họ đã công bố nghiên cứu của mình trên tạp chí Mammalian Biology, cho thấy rằng sự hiện diện của con người trong một khu vực rừng nguyên sinh có thể ảnh hưởng tới quần thể động vật như thế nào.