Nếu con lười không vô địch về lười thì chẳng ai dám nhận số 2. Nhưng tại sao chúng lại chọn phong cách sống kỳ dị như thế?
Con lười (danh pháp khoa học: Folivora) là một phân bộ động vật thuộc về họ Megalonychidae (lười hai ngón) và họ Bradypodidae (lười ba ngón), sống chủ yếu trong các rừng mưa nhiệt đới ở Nam Mỹ.
Đặc trưng chung của những con lười là sự chậm chạp và lười vận động, cùng với ngoại hình trông có vẻ khá "đần".
Sự thờ ơ với mọi thứ xung quanh khiến không ít người nghĩ rằng chúng chậm tiến hóa và tụt hậu so với sự phát triển của các loài động vật khác.
Thế nhưng đây lại chính là sự tiến hóa để thích nghi với môi trường sống không có nhiều chất dinh dưỡng của chúng.
Con lười dành phần lớn cuộc đời chỉ để ăn, ngủ và nghỉ ngơi.
Lười là một trong những loài động vật có vú có tốc độ và tập tính sinh hoạt chậm chạp nhất hành tinh. Nguyên nhân của sự chậm chạp này một phần do thị lực kém của chúng.
Chúng dành phần lớn cuộc đời chỉ để ăn, ngủ và nghỉ ngơi trên những tán rừng nhiệt đới. Hầu hết các loài ăn cỏ thường bổ sung các thực phẩm giàu năng lượng hơn như trái cây và các loại hạt. Nhưng lười, đặc biệt là lười ba ngón phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào lá cây. Chúng đã phát triển một chiến lược tinh vi để thích ứng với chế độ ăn eo hẹp này.
Đầu tiên, chúng cố gắng hấp thu tối đa năng lượng từ thức ăn. Lười có một chiếc dạ dày nhiều ngăn chiếm tới một phần ba cơ thể, chúng có thể dành từ 5 tới 7 ngày, thậm chí vài tuần, để tiêu hóa một bữa ăn.
Mặt khác, chúng hạn chế tối đa sự tiêu hao năng lượng bằng cách không di chuyển quá nhiều. Hầu hết thời gian của chúng là để ăn, nghỉ ngơi và ngủ. Chúng chỉ xuống đất một lần mỗi tuần để đi vệ sinh. Khi di chuyển, lười cũng không mấy nhanh nhẹn. Băng qua một con đường bình thường cũng sẽ mất tới 5 phút.
Sau khi đi đại tiện, chúng sẽ giảm khoảng một phần ba trọng lượng cơ thể cùng một lúc!
Khi con lười nằm trên mặt đất để đại tiện, nó sẽ thực hiện một “vũ điệu”, tạo ra một lỗ nhỏ trên đất, tạo khoảng trống cho vật chất. Sau khi bài tiết xong, con lười ngọ nguậy một cách nhanh rồi trèo lên cây. Vì con lười dễ bị táo bón nên mỗi lần đi đại tiện đều là một trải nghiệm tương tự như khi sinh con. Hoạt động mạo hiểm này đe dọa đến tính mạng vì khi ở trên mặt đất, con lười rất dễ bị những loài động vật ăn thịt tấn công.
Với phong cách sống chẳng mấy vội vàng này lười không cần quá nhiều cơ bắp. Thực tế, khối lượng cơ của chúng ít hơn 30% so với các loài cùng kích cỡ. Lười cũng dùng ít năng lượng để giữ ấm cơ thể hơn vì nhiệt độ cơ thể của chúng có thể dao động tới 5 độ C lớn hơn hầu hết loài động vật có vú. Những đặc điểm thích nghi cả về thể chất và hành vi đã hạn chế tối đa sự tiêu hao năng lượng và trao đổi chất của loài lười.
Chính tốc độ chậm chạp đã cho phép lười phát triển mạnh trên những ngọn cây. Điều này cũng khiến lười trở thành môi trường sống cho các loài tảo, vừa giúp chúng ngụy trang và đôi khi lại có thể làm đồ ăn vặt. Lười thật sự lười!
Bởi không có khả năng phòng vệ hoặc tốc độ di chuyển nhanh, để trốn tránh kẻ thù những con lười chọn cách ngụy trang. Chúng nuôi trong bộ lông của mình cả một hệ sinh thái bao gồm tảo cộng sinh, rất nhiều vi sinh vật, động vật ký sinh chân đốt và một loài bướm đêm.
Bướm đêm sống trên thân lười, đậu lên nó cùng với màu của tảo có thể đánh lừa những động vật ăn thịt khác rằng con lười này chỉ là một phần của thân cây. Thêm nữa là chúng hầu như chỉ bất động hoặc hoạt động chậm chạp sẽ càng củng cố kỹ năng ngụy trang ấy.
Vấn đề là khi những con bướm đêm đẻ trứng, chúng cần một nơi kín đáo, ấm áp và có nguồn dinh dưỡng dồi dào để nuôi ấu trùng. Vậy thì không đâu tiện bằng chính hố phân của con lười.
Một công đôi việc, khi những con bướm trưởng thành từ hố phân và bay lên đậu vào con lười, chúng lại mang theo chất dinh dưỡng từ phân lười để nuôi sống cộng đồng vi sinh vật và tảo đang sống trên người nó.
Mô hình cộng sinh giữa lười, bướm đêm và tảo lục trên lông chúng.
Vậy để thấy những con lười tuy lười thật, nhưng chúng cũng đã phát triển những chiến lược sinh tồn rất thông minh không thua kém các loài động vật khác. Loài sinh vật này có lẽ xứng đáng để tồn tại và không phải một dạng sự sống "hạng bét" như Georges Buffon mô tả.
Bằng chứng là lười đã tồn tại trên Trái đất tới 64 triệu năm, và chưa có dấu hiệu bị đe dọa tuyệt chủng, ngoại trừ 2/6 loài lười sống gần với con người, thường xuyên bị săn bắn lấy móng hoặc thích trèo lên cột điện và đu dây điện trong khu dân cư.
Hầu hết thời gian của lười là ở trên cây.
Lười cũng là động vật đặc biệt khi có thể quay đầu 270 độ do có thêm các đốt sống phụ ở cổ. Điều này cho phép chúng đánh hơi thấy những kẻ săn mồi đang đến từ hầu hết mọi hướng. Đây chính là một lợi thế đặc biệt hữu ích khi chúng dành gần như toàn bộ thời gian để bất động trên cây.
Để thích ứng được với các đặc điểm này, sau hàng triệu năm tiến hóa, cơ thể loài lười hiện nay cũng có những thay đổi không giống với bất kỳ loài nào khác.
Các chi của chúng có những sợi gân đặc biệt khỏe mạnh; đầu các ngón có móng vuốt mọc cong giống như chiếc móc giúp chúng dễ dàng bám chặt và treo ngược trên cành cây.
Hệ thống tuần hoàn của lười cũng có một van đặc biệt, ngăn chặn được sự tụ máu trên đầu - thường xuất hiện khi treo ngược quá lâu.
Một trong những sự thật đáng kinh ngạc về con lười là chúng có thể nín thở tới 40 phút dưới nước. Loài động vật này có thể tạm dừng quá trình trao đổi chất và giảm nhịp tim xuống 1/3 nhịp độ thông thường trong thời gian này.
Hãy theo chân các nhà khoa học giải đáp về những tập tính thú vị của loài sinh vật tưởng chừng như rất buồn chán này qua video dưới đây.