Hàn Quốc nhập khẩu từ bên ngoài tới 70% tỉ trọng tiêu dùng thực phẩm của cả nước nên quốc gia này đặc biệt chú trọng tới hệ thống chính sách đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó khoa học được xem là khâu then chốt.
Hệ thống kiểm soát thực phẩm của Hàn Quốc do ba Bộ giữ vai trò chính: Bộ Y tế và Phúc lợi (MOHW); Bộ Nông-Lâm nghiệp (MAF) và Bộ Hàng hải và Thủy sản (MOMAF). Riêng MOHW và MAF sẽ phải chịu trách nhiệm tổng thể cho các vấn đề an toàn thực phẩm. Trong đó, Cục Quản lí Thuốc và Thực phẩm (KFDA) thuộc MOHW có vai trò chủ yếu trong kiểm soát an toàn thực phẩm.
Đề cao phương pháp đánh giá rủi ro
Theo kinh nghiệm Hàn Quốc tổng kết rằng, hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cần luôn uyển chuyển để đáp ứng tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, hệ thống này hiện nay của Hàn Quốc dựa trên vai trò của tiến bộ khoa học để đảm bảo tính đơn giản, hiệu quả trong phân phối nhân lực, tài chính và phối hợp thống nhất của các cơ quan.
Nhấn mạnh vai trò của khoa học, phương pháp kiểm soát an toàn thực phẩm của Hàn Quốc dựa trên nguyên tắc trước hết là phải thiết lập quy định dựa vào cơ sở phân tích rủi ro sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng và kiểm tra đầy đủ được thực hiện một cách khoa học.
Khoa học thực phẩm ở Hàn Quốc tích hợp rất nhiều chuyên ngành khác nhau, hoạt động theo phương châm chủ yếu là đánh giá rủi ro tạo ra bộ ba cả về mặt quản lí rủi ro, phân tích khoa học rủi ro và truyền thông thông tin rủi ro đến người tiêu dùng.
Những dữ liệu phân tích, đánh giá rủi ro do chính các chuyên gia từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các đơn vị tư nhân và các tổ chức cộng đồng. Dữ liệu này đóng vai trò then chốt kết hợp hài hòa với các quy định của quốc tế, nhận thức của cộng đồng và quy định riêng của quốc gia tạo hành các quy định, hướng dẫn hay khuyến nghị về an toàn thực phẩm.
Một mô hình lấy khoa học làm đầu mối thu thập,
phân tích và phản hồi thông tin về an toàn thực phẩm
Cơ chế đảm bảo an toàn thực phẩm trên của Hàn Quốc được thể hiện rõ qua hoạt động phối hợp chặt chẽ của KFDA với Viện Quốc gia Đánh giá an toàn Thuốc và Thực phẩm (NIFDS) để đánh giá khoa học và mức độ rủi ro đối với các chất gây ô nhiễm khác nhau đến các vật liệu có liên quan đến thực phẩm.
Để nhổ tận gốc việc sử dụng thực phẩm bẩn trong nấu ăn, KFDA còn dự định thiết lập kiểm soát hàng tháng đối với các thực phẩm nấu chính được bán trong các cửa hàng, nhà hàng giảm giá, nhà hàng gia đình, sản phẩm được bán chiết khấu, ghi nhãn tiêu chuẩn…
Để đảm bảo truyền thông tin an toàn thực phẩm tới cho người dân, Hàn Quốc cũng hình thành các trung tâm cung cấp thông tin an toàn thực phẩm. Các trung tâm này sẽ thu thập thông tin, phân tích đánh giá khoa học và truyền thông thông tin tới người tiêu dùng. Quá trình phân tích và phản hồi thông tin đều dựa vào khoa học, tạo ra một vòng tròn khép kín trong chuỗi cung ứng thông tin về an toàn thực phẩm.
Mặc dù đã thiết lập một hệ thống cơ quan khoa học cũng như các bộ luật đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng Hàn Quốc vẫn không tránh khỏi những bê bối trong an toàn thực phẩm. Vụ việc làm người dân Hàn Quốc lo sợ nhất mới xảy ra gần đây liên quan đến hãng mì Nongshim nhiễm chất ung thư benzopyrene.
Ngay cả phía KFDA cũng bị một tổ chức khoa học phi chính phủ chỉ trích và cho rằng KFDA nên đưa ra bằng chứng khoa học đầy đủ trước khi quyết định thu hồi 6 loại mì Nongshim rồi lại đảo ngược kết luận những loại mì này có chứa chất gây ung thư nhưng ở nồng độ không đáng lo ngại.