Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy chính sách chiêu đãi hiền tài; Ấn Độ tăng tốc với kế hoạch nghiên cứu & phát triển (R&D) và Singapore đang đứng đầu châu Á về công nghệ sinh học. Toàn cảnh, một không khí hừng hực đầu tư cho nền kinh tế tri thức đang bùng nổ khắp châu Á.
Trong chuyên đề về nền kinh tế tri thức của châu Á, tuần báo Time (ấn bản châu Á 30-10-2006) đã đặt câu hỏi (như là một cách trả lời): Liệu châu Á có thể là nơi chứng kiến cuộc cách mạng kế tiếp của khoa học hay không khi nơi này từng là nơi đầu tiên phát minh ra giấy, la bàn, thuốc súng và nhiều thứ khác.
Bị tụt hậu hàng thế kỷ so với phương Tây, châu Á giờ đang tăng tốc quyết liệt. Trải thảm đỏ mời 200.000 khoa học gia hồi hương vài năm gần đây, từ 1995-2005, Trung Quốc tăng gấp đôi tỉ lệ GDP cho R&D, từ 0,6% lên 1,3%; trong khi Hàn Quốc nâng ngân sách R&D từ 9,8 tỉ USD năm 1994 lên 19,4 tỉ USD năm 2004 (trong khi đó tại Mỹ, tỉ lệ GDP cho R&D ở lĩnh vực vật lý và cơ học đã giảm 30 năm qua, xuống còn không đến 0,05% năm 2003).
Trung tâm Biopolis của Singapore (Ảnh: TTO)
Kết quả, thị phần sản phẩm kỹ thuật cao xuất khẩu từ châu Á tăng từ 7% năm 1980 lên 25% năm 2001; trong khi thị phần Mỹ giảm từ 31% xuống còn 18% - theo Tổ chức Khoa học quốc gia Hoa Kỳ. Cùng lúc, tỉ lệ ấn bản công trình nghiên cứu khoa học châu Á tăng từ 16% năm 1990 lên 25% năm 2004. Đến trước năm 2010, 90% khoa học gia có bằng tiến sĩ sẽ sống tại châu Á - theo dự báo của nhà hóa học đoạt giải Nobel Richard Smalley (mất năm 2005).
Thời điểm hiện tại, 78% tiến sĩ khoa học đang kiếm sống bên ngoài nước Mỹ và 1/3 thành phần lấy bằng tiến sĩ trên đất Mỹ không thuộc quốc tịch Mỹ. Hầu hết lĩnh vực nghiên cứu nóng nhất hiện nay đều có mặt người châu Á. Năm 2004, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai thế giới có tỉ lệ bài viết về công nghệ siêu nhỏ (nano). Tại Singapore, năm 2000 chính phủ nước này bắt đầu dành 200ha đất cho khu công viên khoa học One North.
Trong ba năm, khoa học gia tại Phòng thí nghiệm hiện đại Biopolis trong One North đã được trao 54 bằng sáng chế cho đủ lĩnh vực, từ kính áp tròng phủ lớp thuốc, kỹ thuật cấy ghép xương nhân tạo đến bộ thiết bị chẩn đoán SARS. Singapore còn mở rộng cửa mời các nhà khoa học hàng đầu thế giới như Sydney Brenner (Mỹ, nhà di truyền học đoạt Nobel) hoặc Edison Liu (nguyên giám đốc bộ phận khoa học lâm sàng thuộc Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ).
Sau vài năm nghiên cứu dược phân tử tại Trung tâm ung thư Memorial Sloan - Kettering ở New York City, Wang Zhugang quyết định trở về quê nhà với lời mời từ Thượng Hải, nơi sẵn sàng mở hầu bao chi hàng chục triệu đôla trong dự án lập một phòng thí nghiệm đẳng cấp quốc tế. Năm 2001, Wang thành lập Trung tâm nghiên cứu Thượng Hải về sinh học, nơi chỉ trong năm năm đã nuôi được hơn 100 loài chuột biến đổi gen khác nhau, giúp giải mã nhiều bí mật bệnh tật từ ung thư đến tiểu đường. Năm 2007, Wang sẽ chuyển đến phòng thí nghiệm mới trị giá 25 triệu USD. “Đồng nghiệp của tôi tại Mỹ hiện vẫn rị mọ trong phòng thí nghiệm, trong khi tôi có cơ hội quản lý nguyên một trung tâm nghiên cứu” - nhà sinh học Wang 45 tuổi nói... |
Các hãng dược phẩm khổng lồ như Novartis và Eli Lilly cũng lập trung tâm R&D tại Biopolis. “Dân khoa học đang xếp hàng dài để vào làm việc tại Singapore” - nhận xét của David Lane, chuyên gia ung thư thuộc Đại học Dundee (Anh), người được mời đến Singapore năm 2004 để giám sát Viện Sinh vật tế bào và phân tử tại Biopolis...
Trên Asia Times (19-1-2006), George Zhibin Gu (tác giả quyển China's global reach: markets, multinationals and globalization) cho biết Trung Quốc không chỉ kêu gọi sự trở về của các khoa học gia nước mình tại hải ngoại mà còn trải chiếu mời hiền tài từ nhiều nước thế giới (kể cả Mỹ) với chính sách chiêu hiền đãi sĩ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ sinh sống và làm việc lâu dài. Tháng 2-2006, Bắc Kinh tuyên bố sẽ tăng gần gấp đôi ngân sách R&D hiện tại 29,4 tỉ USD/năm vào trước năm 2010.
Năm 2004, Trung Quốc có hơn 30.000 nghiên cứu sinh đỗ bằng tiến sĩ. Năm năm qua, số nhà khoa học hồi hương đã giúp Trung Quốc qua mặt Mỹ và Nhật để trở thành những người đầu tiên giải mã bộ gen gạo, con tằm, gà và lợn. Nhà sinh học Sheng Huizhen từng làm việc 11 năm tại Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cũng trở về Trung Quốc năm 1999 và thực hiện công trình nghiên cứu tế bào gốc mà bà không thể tiến hành tại Mỹ bởi qui định ngặt nghèo của chính phủ Bush.
Với phòng thí nghiệm 875.000 USD được chính quyền Thượng Hải hỗ trợ, năm 2003 Sheng đã rút được tế bào gốc từ phôi lai thỏ - người, tạo ra từ tế bào da người và trứng trong thỏ cái (đầu năm 2006, nhóm nghiên cứu tại Anh cho biết họ nỗ lực lặp lại thí nghiệm của Sheng).
Hầu hết 750 trung tâm R&D đa quốc gia tại Trung Quốc (tăng từ 200 vào năm 2002) hiện thuộc sự quản lý của các nhà khoa học hồi hương, với nhiều đóng góp, từ kỹ thuật hỗ trợ tìm kiếm Internet cho Microsoft đến kỹ thuật chụp danh thiếp cho Motorola (phát minh từ những trung tâm R&D này nhiều đến mức Tổ chức Khoa học quốc gia Hoa Kỳ phải lập một chi nhánh tại Bắc Kinh nhằm giám sát!).
Để có thể hình dung thêm sức bật đột phá của khoa học châu Á, thử điểm qua vài gương mặt điển hình từ Trung Quốc:
Năm 1998, nhà sinh học phân tử Peng Zhaohui rời San Diego (nơi từng làm việc nhiều năm) để trở về Trung Quốc và cống hiến tại khu công viên khoa học mới khánh thành ở Thẩm Trấn. Năm năm và 6,25 triệu USD hỗ trợ từ chính phủ, công ty do Peng thành lập - Shenzhen SiBiono GeneTech Co - đã trở thành nơi đầu tiên trên thế giới được cấp giấy phép cho một liệu pháp gen. Có tên Gendicine, phương pháp này có thể trị được một số bệnh ung thư bằng cách tiêm một virus mang gen áp chế khối u vào cơ thể người.
Đến cuối năm 2005, hơn 3.500 người Trung Quốc và nước ngoài đã được chữa 43 loại ung thư khác nhau bằng Gendicine (mỗi liều tốn 1.700 USD trong tối thiểu sáu liều điều trị). Peng cho biết việc kết hợp phóng xạ và hóa trị liệu với Gendicine sẽ hiệu quả gấp ba lần phương pháp chữa ung thư thông thường. Thành công Gendicine một phần nhờ chính sách của chính phủ (Hãng sinh học Mỹ Introgen đã nghiên cứu thành công kỹ thuật tương tự nhưng còn chờ thủ tục chuẩn y với kiểm tra lâm sàng mà khâu này có khi mất một thập niên!)...
Nhân vật thứ hai có thể nhắc đến là Lu Ke 41 tuổi, giám đốc Viện Nghiên cứu kim loại, bậc thầy về kỹ thuật nano. Từ năm 2000, Lu Ke đã thành công trong xử lý cấu trúc nguyên tử đồng để tạo ra sợi dây đồng cực dẻo nhưng chắc như thép và tất nhiên vẫn có thể dẫn điện tốt. Sự đầu tư mạnh cho kỹ thuật nano của chính phủ Bắc Kinh đã giúp những người như Lu Ke có cơ hội phát triển (đầu năm 2006, Lu Ke trở thành người Hoa lục đầu tiên được mời làm biên tập duyệt cho tạp chí khoa học lừng danh Science tại Washington DC)...
Nhân vật được nhắc nữa là Shi Jianlin, người sáng chế “chiếc xe” 200 nanomet (tương đương 1/1.000 bề rộng sợi tóc) để chở thuốc vào cơ thể người. Không chỉ chạy vào cơ thể, chiếc xe gốm cực bé của Shi còn tấn công chính xác mục tiêu và nhả thuốc ra đúng thời điểm! 43 tuổi, Shi Jianlin hiện là nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Gốm Thượng Hải.
Xét đến yếu tố thành công cho khoa học châu Á (đặc biệt tại các nước đang trỗi dậy như Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ), có thể thấy vấn đề chính sách đang đóng vai trò chủ đạo. Thử xem Cơ quan nghiên cứu - kỹ thuật - khoa học (A*STAR) tại Singapore, nơi nhà phôi học Sri Lanka Ariff Bongso từng trở thành người đầu tiên trên thế giới cô lập được tế bào gốc phôi người (hESC) khi ông làm việc cho Viện đại học Quốc gia Singapore từ năm 1985 (đến nay). A*STAR hiện là nơi làm việc của các nhà khoa học thuộc 50 quốc gia.
Đó là lý do có thể hiểu tại sao một quốc gia chỉ 4,4 triệu dân như Singapore nhưng hiện gần như đứng đầu thế giới về nghiên cứu tế bào gốc và di truyền học (không ít khoa học gia Mỹ đã đầu quân cho Singapore do môi trường làm việc thông thoáng hơn).
KIM NGUYÊN
Tăng đầu tư trong khi các nước chững lại Nếu xu hướng tăng đầu tư nghiên cứu công nghệ tiếp diễn, châu Á sẽ thách thức sự thống trị của Mỹ và châu Âu về khoa học công nghệ. |
N.T.ĐA (Theo Time, từ nguồn NSF, OECD, NAS và Văn phòng thương hiệu của Mỹ |