Khi bị chó dữ tấn công, đừng tỏ ra hoảng hốt hay bỏ chạy. Điều này càng kích thích chúng sẵn sàng tấn công bạn ngay lập tức.
Phải làm gì khi bị chó dữ tấn công?
Hiện nay, trào lưu nuôi cún cưng đang nở rộ, và đi kèm với nó là sự du nhập của rất nhiều loài chó dữ như Pitbull, Ngao Tây Tạng, Ngao Ý... Dù đã được nuôi dạy cẩn thận, những loài chó này đôi lúc trở nên mất kiểm soát, tấn công những loài vật khác, và thậm chí là cả con người.
Tuy nhiên, khác với chó bình thường, đây là những "thợ săn" thứ thiệt, với cơ bắp cuồn cuộn cùng hàm răng sắc nhọn. Việc lúng túng khi đối phó với chúng có thể để lại hậu quả đáng tiếc, trong đó nghiêm trọng nhất là có thể làm chết người.
Vậy bạn sẽ phải làm gì khi không may gặp phải một chú chó dữ tợn như vậy? Hãy cùng đến với bài viết sau đây để được giải đáp.
Vì sao chó lại tấn công?
Một số chuyên gia Mỹ cho biết, tất cả chó đều có khả năng tấn công con người nhưng không phải con nào cũng muốn tấn công. Các trường hợp chó tấn công người di chuyển đột ngột thường là do hệ quả của cả một quá trình phát triển.
Theo đó, do chó thường được nuôi ngoài sân, nên chúng rất hay sủa người đi ngang qua. Tất nhiên, người đi đường thường chẳng để tâm mà bước tiếp. Chính điều này đã hình thành cho chó "cảm giác chiến thắng" và từ đó khiến chúng trở nên hung hăng hơn.
"Chọi chó" cũng là một trong những nguyên nhân khiến chó trở nên hung dữ và tàn bạo.
Bên cạnh đó, việc các loài chó dữ như Pitbull thường được chủ "rèn luyện" bằng cách ăn thịt sống hoặc chọi chó cũng khiến chúng trở nên tàn bạo, hung dữ hơn, có thể bất ngờ tấn công vật nuôi khác và thậm chí là cả con người.
Theo Giáo sư Stanley Coren, đây là nghiên cứu đầu tiên cố gắng liên kết các vụ tấn công của chó với tính cách nạn nhân bị cắn. Điều thú vị nhất là họ đã tìm thấy một khía cạnh tính cách quan trọng.
Các nhà nghiên cứu thường hỏi những câu hỏi tập trung vào chứng loạn thần kinh (sự cáu kỉnh, tức giận, sợ hãi, buồn bã, lo lắng, thù địch và tính dễ bị tổn thương) của người được thu thập dữ liệu.
Từ các nghiên cứu này, các nhà khoa học nhận thấy, những người mắc chứng loạn thần kinh có nguy cơ bị chó cắn cao hơn 22% so với những người ổn định về cảm xúc.
Nhóm nghiên cứu gặp khó khăn trong việc giải thích tại sao những người mắc chứng rối loạn thần kinh cao lại dễ bị chó tấn công hơn. Có thể sự lo lắng và bất an của một cá nhân khiến họ phát ra các pheromone (các phân tử mùi có ý nghĩa sinh học) khác nhau.
Giáo sư Stanley Coren. (Ảnh: hubbleandhattie.com).
Một số nghiên cứu cho thấy, một số pheromone nhất định có thể giúp chó bình tĩnh hơn. Do đó, dường như không nằm ngoài khả năng rằng các pheromone khác có thể kích động chó hành động hung hăng. Trạng thái không thoải mái liên quan đến chứng loạn thần kinh ở mức độ cao có thể tạo điều kiện cho việc tạo ra chúng.
Giáo sư Stanley Coren cho biết, chó là bậc thầy về đọc ngôn ngữ cơ thể. Một người có những hành vi thể hiện sự bất an và sợ hãi, sẽ khiến người xung quanh hơi khó chịu - hiện tượng được gọi là lây lan cảm xúc.
Có lẽ loài chó cũng cảm thấy như vậy, sự khó chịu của chúng thôi thúc chúng hành động. Với đầu óc kém tinh tế, chúng có thể lý luận rằng cách hiệu quả nhất để giữ cho người hơi phiền phức này tránh xa mình bằng một cái cắn cảnh báo.
Vì vậy, những người có dấu hiệu, hành vi của chứng loạn thần kinh có thể trở thành mục tiêu của sự hung hăng của chó chỉ vì họ làm cho những con chó ở gần họ khó chịu.
Phòng tránh bị chó tấn công như thế nào?
Nếu bạn giáp mặt một con Pitbull hung dữ thì cần phải luôn nhớ điều này: Phải thật bình tĩnh.
Rất nhiều nghiên cứu đã cho biết, chó có thể cảm nhận được sự sợ hãi hoặc lo lắng của con mồi và điều đó khiến chúng hung hăng hơn.
Nếu gặp phải một "anh chàng" như thế này, bạn sẽ phản ứng thế nào?
Bạn cũng không được phép hét lên hoặc tìm cách đá chó. Chó - đặc biệt là những loài chó dữ bẩm sinh như Pitbull, Ngao Ý... luôn muốn làm nạn nhân hoảng loạn trước khi tấn công. Chính vì thế, việc giữ bình tĩnh và kiểm soát được hành vi cơ thể sẽ làm chúng dịu lại.
Tiếp theo, cần tránh nhìn thẳng vào mắt chó. Hầu hết chúng ta, dù có giữ bình tĩnh cũng không thể tránh khỏi cảm giác sợ hãi.
Vì thế, việc nhìn vào mắt một chú chó hung dữ có thể khiến nó cảm nhận được bạn đang lo lắng. Bên cạnh đó, chó dữ có thể coi đó là hành động khiêu khích, có thể tấn công bạn bất kỳ lúc nào.
Khi đã "làm dịu" cơn hung hăng của chó, hãy tìm cách rút lui. Nếu bạn đang cầm trong tay gậy hoặc ô, hãy giơ ra phía trước (nhưng không được chĩa vào mặt chó). Điều này sẽ làm vóc dáng bạn trở nên to lớn hơn và dường như đáng sợ hơn trong mắt chúng. Và khi chó dữ cảm thấy bạn không bị đe dọa bởi nó, rất nhiều khả năng nó sẽ rút lui.
Điều cần làm nếu bị chó tấn công
"Đời không phải lúc nào cũng như mơ", do đó ngay cả khi thực hiện đúng và đủ những biện pháp nói trên, bạn vẫn có thể bị chó tấn công.
Hoặc thậm chí nguy hiểm hơn nếu đột nhiên một chú Pitbull tấn công khi bạn không hay biết gì. Vậy bạn sẽ phải làm gì trong trường hợp này?
Nếu chó vẫn "quyết tâm" tấn công bạn, bạn sẽ phải làm gì?
Đầu tiên, nếu bạn có đủ thời gian để xoay xở, điều tốt nhất có thể làm đó là để cho chó cắn vào một thứ trên cơ thể bạn, nhưng không phải là bạn.
Ví dụ như bạn có thể rút một tay áo và cho nó cắn vào đó. Ngay khi chó cắn vào "mồi", hãy lập tức cởi áo ra rồi chầm chậm rút lui.
Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng khi chó cắn được một thứ gì đó từ con mồi, nó có thể bị xao nhãng trong một khoảng thời gian, đủ để bạn trốn thoát.
Sử dụng "mồi" để làm chó phân tâm là một trong những cách hiệu quả.
Bạn cũng có thể sử dụng các vật dụng khác, như gậy, khăn quàng, hay thậm chí là giày - nếu bạn có thể rút ra đủ nhanh.
Tuy nhiên, trong trường hợp không đủ thời gian, hãy luôn bảo vệ mặt, ngực và cổ họng của bạn. Đây là những nơi các loài chó dữ sẽ nhắm đến theo bản năng của chúng.
Ngoài ra, cần nắm chặt tay nếu không muốn ngón tay của mình bị cắn nát. Nếu bạn rơi vào tình thế buộc phải bị cắn, thì nơi an toàn nhất sẽ là cẳng chân/cẳng tay. Nếu bị chó cắn vào đùi, nguy cơ cắn trúng động mạch chủ là rất cao, có thể khiến bạn mất máu, dẫn đến tử vong.
Bảo vệ mặt, cổ họng và ngực, những nơi dễ bị tổn thương.
Thế nhưng nằm im chịu trận cũng không phải là một cách hay, khi những loài chó lớn có cơ hàm thực sự rất khỏe, có thể khiến cánh tay bạn bị nghiền nát.
Khi bị tấn công, bạn có thể chống trả bằng cách đá vào các điểm yếu như cổ họng, mũi hoặc gáy. Ngoài ra, có thể sử dụng loại hóa chất dạng xịt như nước hoa, gôm xịt tóc... có trong tay.
Khi bị tấn công, hãy tìm cách chống trả. Tấn công vào những điểm yếu như mũi, cổ họng, gáy... sẽ khiến chó chùn bước.
Bên cạnh đó cần nhớ rằng dù chó có to lớn đến đâu thì chúng chỉ có một cái miệng, trong khi chúng ta có đến 2 tay. Khi đã bị cắn, hãy tìm cách tấn công vào mắt - điểm yếu của mọi loài động vật - cho đến khi nó buông bạn ra.
Hóa chất dạng xịt như nước hoa, gôm xịt tóc cũng có thể là vũ khí hữu hiệu.
Và cuối cùng, sau khi đã thoát khỏi chó và băng bó cẩn thận, bạn cần nhanh chóng... đi tiêm phòng dại. Bạn sẽ không thể biết được rằng con chó tấn công mình có bị dại hay không, nên cần phải đề phòng trước khi quá muộn.