Tình trạng ho khò khè có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt đáng báo động khi trẻ sơ sinh bị ho khò khè. Tùy thuộc vào nguyên nhân, ho khò khè thường có thể được điều trị tại nhà bằng cách bù nước, nghỉ ngơi và các biện pháp điều trị tại nhà khác. Các loại thuốc như thuốc hít có thể cần thiết trong một số trường hợp cần mở rộng đường thở.
1. Điều gì gây ra ho khò khè?
Ho khò khè có thể do một số yếu tố gây ra bao gồm:
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Viêm phế quản
- Viêm phổi
- Hen suyễn
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV)
- Viêm phổi
- Suy tim.
Trong đó, các tác nhân dị ứng từ môi trường cũng có thể gây ra triệu chứng ho khò khè như phấn hoa, khói thuốc lá, nước hoa, khí thải xe, khói bụi ô nhiễm, côn trùng, nấm mốc, lông động vật, mạt bụi, thực phẩm như đậu phộng, các sản phẩm tư sữa trứng...
Cơn ho khò khè có nhiều nguyên nhân và xảy ra ở mọi lứa tuổi khác nhau. (Ảnh: Internet).
2. Cách điều trị ho khò khè tại nhà
Điều trị ho khò khè cần phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của bệnh lý cũng như triệu chứng và có thể kiểm soát được tại nhà. Dưới đây là một số cách chữa ho khò khè tại nhà mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý nếu các triệu chứng không đỡ và ngày một nghiêm trọng hơn thì bạn cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Ngoài ra, không được tự ý mua thuốc kê đơn uống nếu không có chỉ định của thầy thuốc.
2.1. Mật ong
Uống 1,5 thìa mật ong trước khi đi ngủ có thể làm dịu cơn ho với trẻ trên 1 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong có thể bị ngộ độc. Lưu ý, mật ong chỉ là một phương pháp chữa ho một cách ngắn hạn vì uống mật ong trước khi đi ngủ trong nhiều ngày có thể gây sâu răng.
2.2. Nước
Bổ sung chất lỏng với trà ấm cùng mật ong có thể làm dịu niêm mạc họng và giảm triệu chứng đau khó chịu. Uống đủ nước khi mắc các bệnh như nhiễm virus RSV và viêm phế quản giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước và làm loãng chất nhầy trong phổi.
Bạn có thể chia nhỏ lượng nước uống để dễ dàng kiểm soát hơn, đặc biệt đối với trẻ đang bị nghẹt mũi.
Ưu tiên uống các loại nước ấm để giảm ho. Trẻ dưới 6 tháng chỉ nên bú sữa mẹ hoặc sữa công thức.
2.3. Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi đầy đủ và cố gắng giữ bình tĩnh để việc thở được dễ dàng hơn. Ngồi hoặc nằm ở tư thế thẳng có thể hỗ trợ cho việc thở bớt khó chịu.
Nghỉ ngơi giúp cơ thể nhanh hồi phục hơn. (Ảnh: Internet).
2.4. Máy bù ẩm
Máy tạo độ ẩm, máy phun sương là một thiết bị cần thiết có thể giúp giảm nghẹt mũi và giúp bạn ngủ ngon hơn khi bị ho khò khè. Bạn cũng có thể ở trong nhà tắm và mở vòi sen nước nóng rồi đóng cửa lại để nhận được hiệu quả làm loãng chất nhầy trong mũi và phổi.
2.5. Thuốc không kê đơn
Thuốc ho và viên ngậm không kê đơn có thể giúp làm dịu cơn ho ở cả người lớn và trẻ em nhưng cần cẩn thận với các viên ngậm ho bởi chúng có thể khiến trẻ bị nghẹt thở. Thuốc ho cho trẻ em cần sử dụng dưới chỉ định của bác sĩ, không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi và cần dùng đúng liều lượng trên nhãn của nhà sản xuất.
Các loại thuốc không kê đơn có chứa dextromethorphan hoặc guaifenesin có thể giúp làm loãng chất nhầy hoặc giảm các triệu chứng ho nên có thể giúp giảm tình trạng ho khò khè. Tuy vậy thì có rất ít bằng chứng ủng hộ hiệu quả của thuốc ho không kê đơn.
2.6. Quản lý bệnh hen suyễn
Nếu bạn bị hen suyễn, hãy lên kế hoạch quản lý và kiểm soát triệu chứng cho những đợt cấp xảy ra hoặc tình trạng mãn tính. Nói cách khác, lên kế hoạch quản lý bệnh giúp đảm bảo bạn và những người khác chăm sóc bạn hay con bạn biết phải làm gì để kiểm soát các triệu chứng hen suyễn và cách xử lý cơn hen suyễn.
2.7. Nhận biết cơn ho khò khè trở nên nghiêm trọng hơn
Đối với bệnh viêm phế quản, hãy thăm khám bác sĩ nếu cơn ho không giảm sau 2 tuần hoặc cơn ho trở nên nghiêm trọng hơn, tần suất dày đặc hơn bởi đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe khác đang phát triển, chẳng hạn như viêm phổi.
Đặc biệt, việc chăm sóc y tế cực kì quan trọng khi cơn ho khò khè kèm theo các triệu chứng khác như sốt, có máu trong chất nhầy hoặc bệnh nhân bị khó thở, tức ngực.
Chú ý tới những triệu chứng cơn ho khò khè trở nặng hơn. (Ảnh: Internet).
Đối với người bị hen suyễn, cơn hen suyễn có thể trở nặng hơn chỉ trong một thời gian ngắn, đột ngột trong vài giờ hoặc vài ngày nên cần chú ý, chúng bao gồm:
- Các triệu chứng tăng nặng hơn như ho, thở khò khè, khó thở hoặc tức ngực
- Cảm thấy quá khó thở để nói, ăn hoặc ngủ
- Thở nhanh hơn và cảm giác hụt hơi
- Thuốc giảm đau không đem lại tác dụng
- Đau bụng hoặc đau ngực, đặc biệt ở trẻ em
- Tim đập nhanh hơn
- Buồn ngủ, kiệt sức, lú lẫn hoặc chóng mặt
- Môi hoặc ngón tay chuyển màu xanh tím
- Ngất xỉu.
2.8. Thuốc kê đơn
Tùy thuộc vào nguyên nhân mà một số loại thuốc kê đơn sẽ được chỉ định khi có triệu chứng ho khò khè bao gồm:
- Thuốc kháng sinh chỉ định cho trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc bạn có nguy cơ cao bị các biến chứng như viêm phổi
- Các loại thuốc giãn phế quản như ống hít khẩn cấp, thuốc hít dự phòng, thuốc hít kết hợp thuốc giảm đau và thuốc dự phòng, thuốc Theophyllin, thuốc đối kháng thụ thể leukotriene (LTRAs),...
- Thuốc steroid đường uống sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả trong kiểm soát các triệu chứng hen suyễn
- Thuốc giảm ho kê đơn với thành phần benzonatat trong trường hợp thuốc giảm ho không kê đơn không có hiệu quả.
Lưu ý không được tự ý mua thuốc kê đơn khi không có chỉ định của bác sĩ, sử dụng sai cách hoặc lạm dụng có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực tới sức khỏe.
2.9. Kiểm soát cơn ho khò khè mãn tính
Với cơn ho khò khè mãn tính do bệnh viêm phế quản mãn tính là bệnh không thể chữa khỏi nhưng có thể được kiểm soát bằng việc bỏ thuốc lá; sử dụng thuốc hít giúp mở rộng đường thở và giảm viêm; liệu pháp oxy, thuốc tiêu nhầy để dễ ho hơn, kỹ thuật phục hồi chức năng phổi để ngăn ngừa các triệu chứng trở nặng hơn,...
Đối với chứng ho mãn tính mà các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả thì bác sĩ có thể cho bệnh nhân uống các loại thuốc opioid hoặc thuốc ức chế xung thần kinh trong điều trị chứng đau mãn tính. Những nhóm thuốc này đều có tác dụng phụ tương đối đáng kể nên chỉ sử dụng khi có đơn thuốc của bác sĩ.
Cơn ho khò khè mãn tính do bệnh viêm phế quản mãn tính là bệnh không thể chữa khỏi. (Ảnh: Internet)
3. Khi nào ho khò khè cần thăm khám bác sĩ?
Nhìn chung, cần đến bệnh viện và chăm sóc y tế khẩn cấp nếu trẻ em hoặc người lớn bị ho khò khè có thêm các triệu chứng sau:
- Khó thở trầm trọng, thở rút lõm lồng ngực, khó thở từng hơi, khó nói
- Thở nhanh hoặc thở không đều
- Thở rít ngay cả khi không khóc, cảm giác tiếng thở rít khi hít vào rõ ràng
- Mệt mỏi bất thường hoặc ngủ li bì khó tỉnh
- Có dấu hiệu mất nước chẳng hạn như tiểu ít, thay ít tã bỉm hơn, nước tiểu có màu nâu sẫm, khóc ít, không có nước mắt, chóng mặt, buồn ngủ, mắt trũng, miệng khô dính
- Sốt cao đặc biệt là có ho nhưng không sổ mũi hoặc nghẹt mũi
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt hoặc ho kéo dài trên vài giờ
- Ho lẫn máu
- Bắt đầu cơn khò khè sau khi ăn các thực phẩm như đậu phộng, sữa trứng hoặc bị côn trùng đốt hay sau khi uống thuốc
- Bất tỉnh, ngừng thở
- Môi và mặt tái xanh khi không ho
- Cảm giác như bị nghẹn
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi có tình trạng sức khỏe yếu về mọi mặt
- Mệt mỏi, yếu nhược cơ...
Trên đây là các nguyên nhân và cách giảm ho khò khè tại nhà. Ho khò khè không được kiểm soát có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe. Khi nhận thấy cơn ho khò khè có thêm các triệu chứng bất thường hoặc nghiêm trọng hơn, người bệnh không nên chủ quan mà nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời để không ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống lâu dài.