Gần đây, xu hướng trồng rau bằng thùng xốp ở khu vực nội thành đang rộ lên do chất lượng rau, củ, quả ngoài chợ không đảm bảo. Dưới đây là những kỹ năng trồng cây rau mùng tơi cơ bản nhất.
Kỹ thuật trồng rau mùng tơi trong thùng xốp
Rau mồng tơi là loài rau xanh được trồng phổ biến tại nhà bởi kỹ thuật trồng cây khá dễ, dễ chăm bón, dễ tìm mua hạt giống hay cây giống. Chỉ với một chút chi phí bỏ ra ban đầu, người trồng sẽ có rau mồng tơi ăn thoải mái trong suốt vụ.
Các kỹ thuật trồng cây rau mùng tơi khá đơn giản
Quan trọng hơn, rau của nhà trồng được luôn đảm bảo được độ tươi ngon, an toàn vệ sinh mà không lo có thuốc kích thích giống như rau được bày bán ngoài chợ. Mồng tơi là loài rau xanh được ví như vị thuốc giải nhiệt mùa hè oi bức. Vào buổi trưa nóng nực, tô canh rau mồng tơi sẽ giúp cho cơ thể trở nên dịu mát hơn, chống táo bón và giải độc cho gan.
Chuẩn bị dụng cụ vật tư trồng rau
Nếu ở nhà có mảnh đất sát tường chừng một mét vuông gần tường ngoài nắng, người trồng nên cho rau mồng tơi leo giàn là nhanh và đơn giản nhất. Với nhà đô thị, cây nên được trồng trong chậu hay khay xốp.
Người dân nên chuẩn bị chậu hoặc khay xốp, rổ nhựa có miệng càng rộng càng tốt và đáy sâu 12-15 cm. Các vật khác bao gồm: đất trồng rau ( nếu trồng theo phương pháp rau hữu cơ), và đất sạch ( nếu trồng rau an toàn), hạt giống rau mồng tơi , ít đất dinh dưỡng, hũ phân urê.
Gieo hạt và tưới nước
Nếu trồng trong khay hay chậu, người trồng cần cho đất trồng rau vào khay một lớp dầy 8 cm, rải hạt với liều lượng 10 gam hạt cho một khay xốp, rải đều trên mặt khay và phủ lên lớp đất mỏng 0,5 cm, sau đó tưới nước bằng vòi phun nhẹ đủ ẩm, ngày tưới 2 lần, khoảng 5-7 ngày hạt sẽ nảy mầm.
Nếu trồng đất cho leo dàn, người dân chỉ cần dùng 15-20 hạt rải thành một hàng và lấp đất lại, tưới nước ngày 2 lần, kiểm tra coi chừng côn trùng và ốc ăn hạt và lá non. Khi cây cao 20 cm, bà con nên làm giàn hay cây cho rau mồng tơi leo lên giàn.
Rau mồng tơi có thể trồng ở nơi nhiều nắng hay nắng một buổi, không nên trồng rau ở nơi bị che hết ánh nắng vì cây rau sẽ vóng cao, thân ốm, lá nhỏ lại. Vào mùa mưa, người trồng không nên tưới nhiều nước vì sẽ dễ làm úng cây rau; mùa nắng cây cần tưới 2 lần/ngày để luôn đủ độ ẩm.
Bón phân và thu hoạch
Nếu trồng trong chậu hay khay xốp, khi cây rau mồng tơi có 3- 4 lá thật, người trồng có thể tỉa bớt để ăn. Khi tỉa, người dân nên giữ lại cây rau theo hàng để cây có khoảng cách lớn thêm mà không bị cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng.
Cây trồng trong thùng xốp sẽ cho thu hoạch sớm hơn
Sau khi tỉa thưa lần 1, cây cần được bón thêm lớp đất dinh dưỡng phân trùn quế 2-3 cm để rau không bị vàng lá. Người chăm cây có thể pha thêm một muỗng cà phê nhỏ phân urê cho 1 lít nước tưới cho rau lúc chiều mát để giúp lá rau mau nở to và xanh hơn.
Sau 25-30 ngày tiếp theo, khi rau mồng tơi cao được 35-40 cm là thời điểm người trồng cây có thể cắt lá để dùng. Khi cắt, người dân nên dùng dao bén và sạch cắt ngang thân, chừa lại cách đất 7-10 cm để rau mồng tơi cho tiếp lá kỳ sau. Mỗi khi cắt thu hoạch, cây cần được bón thêm lớp đất dinh dưỡng và chan thêm nước phân urê như lần đầu.
Riêng rau mồng tơi trồng giàn dưới đất, người trồng cần phải đợi rau bò ra nhiều nhánh, nhiều lá mới có thể cắt lá và đọt non. Hàng tháng, việc bón thêm đất dinh dưỡng một lần sẽ giúp lá rau xanh tốt hơn.
Phòng trừ sâu bệnh
Nếu gặp trời mưa kéo dài, cây cần được tránh để nước mưa rơi trực tiếp vào lá rau mồng tơi, lá sẽ bị dập và thối nhũn hay bị vàng lá. Khi trồng, người dân nên vun đất cao thành ụ để gốc cây không bị đọng nước vào mùa mưa.
Bát canh rau mùng tơi là biện pháp giải nhiệt hữu hiệu cho mùa hè
Vì trồng rau tại nhà không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên người trồng cần phải kiểm tra cây thường xuyên để bắt sâu và ngắt bỏ lá vàng lá bệnh. Rau mồng tơi là một trong những loại rau xanh dễ trồng, chăm sóc và ít bị sâu bệnh, mọi người có thể trồng thêm vài dây mướp hương kế bên giàn mồng tơi cho khu vườn rau tại nhà thêm phong phú.