Một số chấn thương trong lúc chơi thể thao có thể để lại nhiều di chứng nặng nề nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách.
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh, khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết để hạn chế vết thương tăng nặng, ảnh hưởng vận động, sinh hoạt, người chơi thể thao cần lưu ý cách phân biệt và sơ cứu đúng cách.
Tai nạn xảy ra trong lúc chơi thể thao và tập luyện chủ yếu gây chấn thương hệ thống cơ, xương, khớp và các mô liên quan như sụn, dây chằng. Ở chân, các chấn thương thường gặp tại gân cơ, dây chằng, phần mềm ở da và mô dưới da. Trật khớp và gãy xương là hai chấn thương ít gặp.
Tai nạn xảy ra trong lúc chơi thể thao và tập luyện chủ yếu gây chấn thương hệ thống cơ.
Theo bác sĩ Nguyệt Anh, mỗi chấn thương sẽ được xử trí khác nhau tùy thuộc vào vị trí, mức độ nghiêm trọng.
Đối với những chấn thương mới gặp phải, bạn có thể áp dụng phương pháp RICE để sơ cứu cơ bản:
- R - Rest (Nghỉ ngơi): Hạn chế vận động ở vùng chi bị thương. Bạn cần tạm ngừng các hoạt động thể thao, đồng thời giảm tối đa thời gian di chuyển, vận động để xương khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn.
- I - Ice (Chườm lạnh): Nhiệt lạnh rất hữu ích trong việc kiểm soát tình trạng sưng, viêm cũng như giúp giảm đau rất nhiều. Bạn có thể chườm cách 2-3 giờ, mỗi lần chườm trong 15-30 phút trong vòng 3 ngày đầu xảy ra chấn thương.
- C - Compress (Băng ép): Băng bó, ép chặt nhẹ vùng chấn thương bằng băng thun co giãn giúp hạn chế sưng. Bạn cần chú ý cách quấn tròn chi hay quấn kiểu số 8 ở vùng khớp, lực quấn không quá chặt.
- E - Elevate (Kê cao chi): Kê phần chi bị thương cao hơn so với toàn bộ cơ thể có tác dụng trong việc giảm sưng, đau và viêm nhờ giúp hồi lưu tốt hơn của hệ tĩnh mạch.
Sau thời gian xử trí ban đầu bằng phương pháp RICE, nếu các triệu chứng không giảm nhiều, bạn cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để xác định tình trạng và điều trị sớm.
Theo trang nghiên cứu nổi tiếng Researchgate.net, chấn thương do gãy xương là nguyên nhân ít gặp nhất khi chơi thể thao (1,5%). Xương là loại mô cứng chắc trong cơ thể con người. Xương gãy do lực tác động mạnh từ bên ngoài, hai môn thể thao có thể gặp tình trạng gãy xương nhiều nhất chính là bóng bầu dục và bóng đá.
Vị trí gãy thường là xương đòn, vùng cổ tay, bàn ngón tay với chi trên và vùng cổ chân, bàn ngón chân với chi dưới.