Trong trường hợp nạn nhân bị hôn mê hay tự đầu độc, hoặc nạn nhân là trẻ em, việc xử trí ngộ độc thuốc rất phức tạp vì khó xác định loại thuốc gây độc. Vì vậy, nếu nghi ngờ một người nào đó lâm vào tình trạng này, phải nhanh chóng sơ cứu rồi chuyển họ đến bệnh viện ngay.
Người bị ngộ độc thuốc thường có những biểu hiện sau:
- Hô hấp: Hơi thở ra có thể có mùi thuốc. Nạn nhân khó thở, ngứa họng, ngứa mũi, có khi thở chậm hoặc nhanh hơn bình thường (người lớn bình thường thở từ 16-18 lần/phút).
- Tim mạch: Nhịp tim đập nhanh, có khi đập chậm (bình thường người lớn có nhịp tim 70-80 lần/phút). Tim đập không đều, ngắt quãng.
- Thần kinh: Nếu bị nhẹ, nạn nhân nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt. Nếu nặng, nạn nhân có thể bị co giật, mê sảng hay hôn mê.
- Tiêu hóa, bài tiết: Nôn mửa, có thể nôn ra máu, đau bụng, tiêu chảy. Có thể bí tiểu, nước tiểu màu đỏ hồng (ra máu) hoặc đen, xanh, vàng tùy loại thuốc. Nếu bị nặng, nạn nhân có thể bị vô niệu (không tiểu được).
Ngoài ra, nạn nhân thấy mờ mắt, ù tai, đồng tử ở mắt có thể giãn to hoặc co lại nhỏ hơn bình thường, da khô, xanh tím. Có thể sốt cao hay hạ thân nhiệt, chân tay lạnh, vã mồ hôi...
Khi nghi ngờ ai bị ngộ độc thuốc, cần nhanh chóng sơ cứu và đưa đến bệnh viện ngay lập tức.
Cách xử trí cấp thời
1. Khi phát hiện nạn nhân ngừng tim, ngừng thở, trước tiên phải phục hồi lại chức năng hô hấp, tuần hoàn cho nạn nhân bằng cách hô hấp nhân tạo.
2. Loại bỏ chất độc bằng cách gây nôn. Đây là biện pháp được áp dụng đối với người ngộ độc thuốc qua đường uống, gồm các cách sau:
- Móc họng, đè gốc lưỡi để kích thích gây nôn.
- Hòa nước muối thật đậm cho uống để gây phản xạ nôn. Cách này an toàn, đơn giản và nhanh chóng.
- Nếu có siro Ipeca, cho nạn nhân uống 30ml, sau đó cho uống khoảng 300 ml nước (nếu là trẻ em thì cho dùng một nửa liều này).
- Cho nạn nhân dùng nước đậu xanh giã nát, nước rau muống, khoai lang.
Chú ý:
- Hỏi kỹ những thông tin liên quan đến thuốc gây ngộ độc qua bản thân nạn nhân và người nhà.
- Sau xử trí cấp thời phải chuyển ngay đi bệnh viện để thực hiện các xử trí tiếp theo như súc rửa dạ dày, dùng thuốc kháng độc và giải độc...
- Chỉ xử trí gây nôn khi nạn nhân còn tỉnh.
- Nên giữ lại chất nôn, mang đến bệnh viện xác định chất gây ngộ độc để điều trị bằng chất giải độc phù hợp.
- Khi nạn nhân bị hôn mê, cần đặt ở tư thế nằm đầu thấp và nghiêng một bên để tránh tình trạng hít sặc các chất nôn. Không được gây nôn trong trường hợp có co giật, uống phải dầu hỏa, axit, người suy tim nặng, phụ nữ mang thai quá to.
- Không tự cho uống các thuốc "kháng độc" khi chưa biết rõ loại thuốc gây độc. Một số thuốc gây ngộ độc thường gặp Nếu biết được loại thuốc gây ngộ độc, các bác sĩ sẽ dễ dàng xử trí nhanh cho bệnh nhân trong việc sử dụng chất kháng độc và giải độc.
Hãy hỏi người nhà nạn nhân về thông tin của thuốc gây ngộ độc.
Các thuốc gây ngộ độc phổ biến:
- Thuốc ngủ chứa bacbituric: Phenobarbital, barbital, amobarbital, secobarbital, pentobarbital...
- Thuốc an thần: Valium, tranxen, temesta, semesta, meprobamate, nocta-diol...
- Thuốc làm dịu thần kinh, chống co giật: Deparkin, paradione, elisal...
- Thuốc giảm đau: Morphin, codein, dolosal, paracetamol, acetanilide, phenacetin, indomethacine, nifluril, mephenamide acid...
- Thuốc kháng sinh: Tetracyclline, rimifon...
- Thuốc chống ký sinh trùng: Emtine, piperazin...
- Vitamin: A, B1, K, P, D,...