Điều quyết định thành công không phải là vận động viên có tài năng bẩm sinh hay không, mà là vị trí của cái rốn của họ so với phần còn lại của cơ thể.
Cái gì quyết định thắng thua trong thể thao
Các nhà khoa học đã tìm ra lý do vì sao một số người thành công trên đường chạy còn những người khác lại vượt trội ở bể bơi.
Cái rốn là trung tâm trọng lực của cơ thể. Với hai người chạy hoặc hai vận động viên bơi có chiều cao như nhau, một người có nguồn gốc châu Phi còn người kia đến từ châu Âu, thì "điều quan trọng không phải là chiều dài cơ thể, mà chính là vị trí của cái rốn", tác giả nghiên cứu Andre Bejan tại Đại học Duke, Mỹ, cho biết.
"Theo kiến trúc hình thể của những vận động viên chạy có gốc Tây Phi, trung tâm trọng lực của họ cao hơn đáng kể so với những người đến từ châu Âu, vì vậy họ có lợi thế trong những cuộc đua nước rút".
Vận động viên chạy nhanh nhất thế giới Usain Bolt.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích kỷ lục trong 100 năm của đàn ông và phụ nữ chạy nước rút và bơi tự do 100 m. Những người có gốc Tây Phi có chân dài hơn những người gốc Âu, nghĩa là rốn của họ cao hơn 3 cm, Bejan nói.
"Sự di động về bản chất là quá trình đổ về phía trước liên tục, và trọng lượng đổ xuống từ độ cao lớn hơn, sẽ đổ xuống nhanh hơn", AFP dẫn lời Bejan nói.
Tuy nhiên, trong bể bơi, người châu Âu lại có lợi thế hơn bởi họ có phần thân mình dài hơn, khiến rốn họ ở thấp hơn so với toàn bộ cơ thể.
"Bơi là nghệ thuật lướt trên con sóng do người bơi tạo ra", Bejan nói.
"Những người tạo ra con sóng lớn hơn thì bơi nhanh hơn, và thân mình dài hơn thì sẽ tạo ra con sóng lớn hơn. Người châu Âu có thân mình dài hơn 3% so với người Tây Phi, mang lại cho họ 1,5% lợi thế về tốc độ dưới bể nước".
Người châu Á có chiều dài thân mình bằng người châu Âu, vì vậy họ có tiềm năng tương đương trong bể bơi. Nhưng họ thường thua người châu Âu bởi vì về tổng thể, người châu Á lại thấp bé hơn.