Trong bối cảnh thế giới vừa trải qua tháng 7 được ghi nhận là tháng nóng nhất mọi thời đại, thành phố Phoenix phía Tây Nam nước Mỹ đã phá vỡ kỷ lục sóng nhiệt năm 1974, với nhiệt độ trong 31 ngày liên tiếp vượt trên 43°C.
Từ những hình ảnh được chụp bằng máy ảnh chụp nhiệt hồng ngoại FLIR vào cuối tháng 7 cho thấy nhiệt độ mặt đường tại Phoenix tăng mạnh lên 66°C, cơ thể của người lao động ngoài trời lên tới 41°C và những người vô gia cư phải sống trong không khí ngột ngạt xung quanh với các bề mặt nóng tới 62°C. Đối với máy chụp nhiệt hồng ngoại, các điểm trên ảnh càng sáng thì chứng tỏ mức nhiệt càng cao.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến đợt nắng nóng cực đoan lần này, chuyên gia Ashton Robinson Cook tại Trung tâm dự báo thời tiết Mỹ cho biết đó có thể là do ảnh hưởng của một dải không khí tù đọng trong bầu khí quyển, ngăn các luồng không khí mát hơn và bão xâm nhập khu vực này.
Chuyên gia cho biết bang Texas ghi nhận nhiệt độ khoảng 37 độ C vào ngày 12/7, song trên thực tế, khi kết hợp cả nhiệt độ và độ ẩm tương đối của không khí (chỉ số nóng bức) thì sức nóng của khu vực này sẽ tương đương mức 46 độ C tại một số nơi. Theo ông Cook, nước biển ấm hơn đã khiến bầu không khí thêm ẩm ướt, dẫn đến việc chỉ số nóng bức (heat index) tăng cao hơn tại phần lớn các khu vực của bang.
Giới chức y tế Mỹ khuyến cáo người dân cần đề phòng nắng nóng gay gắt, tránh ra ngoài trong khoảng thời gian nhiệt độ cao nhất ngày từ 10-15h, giảm hoạt động thể chất, giữ nước cho cơ thể và chú ý đến sức khỏe của những người dễ bị tổn thương như người già, trẻ nhỏ, người vô gia cư... Nhà chức trách cảnh báo sóng nhiệt cũng làm tăng nguy cơ cháy rừng.
Gần 10 giờ sáng tại Vườn Bách thảo Sa mạc, nhiệt kế đã ở mức 44°C, nhưng một cây xương rồng Saguaro ghi nhận nhiệt độ bề mặt là 49°C (tương đương 120 độ F).
Nhiệt độ bề mặt đường tại thành phố ghi nhận vào 12h30 trưa lên tới 66 độ C.
Cái nóng 62 độ C bao trùm người đàn ông vô gia cư ngồi cạnh bãi đỗ xe.