Cần phát hiện sớm trẻ khiếm thính

Theo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cứ 12.000 trẻ sinh ra/năm thì có gần 4% trẻ bị khiếm thính do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi gặp phải trường hợp này, phụ huynh cần phát hiện và can thiệp kịp thời...

Ngay từ khi trẻ vài ba tháng tuổi, cha mẹ phải tích cực giao tiếp với trẻ (Ảnh: moorparkcollege)
Theo các bác sĩ nhi khoa, nguyên nhân trẻ khiếm thính phần nhiều là do di truyền và can thiệp sản khoa. Trẻ khi sinh phải cần sự can thiệp của sản khoa như kẹp lấy thai, hút thai, trẻ có vấn đề về hô hấp, đẻ non (dưới 37 tuần)... đều có nguy cơ khiếm thính.

Đa phần trẻ khiếm thính được phát hiện muộn

Theo kết quả nghiên cứu sàng lọc thính lực mới nhất của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho thấy, trong số 12.000 trẻ sinh ra/năm thì gần 4% trẻ bị giảm thính lực. Trong đó, không ít trường hợp điếc vĩnh viễn và số còn lại là nghe không rõ âm, tiếng. Các chuyên gia nhi khoa cho rằng, nếu can thiệp sớm trẻ sẽ có cơ hội phát triển ngôn ngữ như bình thường, thoát khỏi dị tật. Nếu phát hiện muộn, trẻ khiếm thính sẽ bị tàn tật hay điếc vĩnh viễn.

Bà Trần Thị Tín - Phó hiệu trưởng trường Xã Đàn thừa nhận: Phần lớn các bậc cha mẹ phát hiện và đưa con đến trường dành cho trẻ khiếm thính khi đã quá muộn. Chẳng hạn, bé Nguyễn Ngọc Chinh bị khiếm thính 12 năm bố mẹ mới cho vào trường. Do đó, quá trình phục hồi rất khó khăn. Bé đã bị khiếm thính nặng và không thể nói được một từ, chỉ phát ra những âm thanh ú ớ rồi ra hiệu bằng tay. Nhưng cũng may mắn cho bé là em biết đá bóng, biết vẽ... và mơ ước trở thành họa sĩ để có thể "nói" trên trang giấy.

Bé Lan, 5 tuổi, nhỏ nhắn nhất lớp cũng vừa được bố mẹ gửi vào trường nhờ thầy cô ở đây chữa trị. Nhưng thời gian khiếm thính đã kéo dài 5 năm nên cũng khó chữa...

Cần can thiệp sớm để cứu trẻ khiếm thính

Theo bà Tín, ngay từ khi trẻ vài ba tháng tuổi, cha mẹ phải tích cực giao tiếp với trẻ chẳng hạn như hỏi chuyện, làm trò cho bé cười, nựng khi bé khóc hay cáu bẳn... Nếu thấy trẻ không phản ứng lại với các cử chỉ âu yếm, yêu thương là phải nghĩ ngay đến chuyện trẻ có chậm phát triển không, có bất thường hay không và cần cho trẻ đến khám ngay bác sĩ chuyên khoa.

Nếu người mẹ trong quá trình mang thai bị chấn thương, động thai, nhiễm độc thai nghén, sốt, rubella, bướu cổ hoặc trong gia đình có người mắc bệnh điếc bẩm sinh thì trẻ sinh ra cũng có nguy cơ bị giảm thính lực. Ngoài ra, do bị động thai, bà mẹ phải dùng nội tiết tố để an thai thì nguy cơ con bị giảm thính lực gấp 24 lần. Còn nếu dùng kháng sinh khi mang thai thì nguy cơ sẽ là 8 lần.  

Bác sĩ Trần Thị Thu Hà - Phó trưởng Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: Tập cho trẻ giao tiếp sớm sẽ giảm nguy cơ khiếm thính rất nhiều. Ngay từ khi trẻ 3-6 tháng tuổi, cha mẹ hay ông bà nên tập cho cháu giao tiếp bằng cách kích thích trẻ nhìn.

Khi bế ẵm, cha mẹ, ông bà ôm ấp trẻ sát mặt mình và nói chuyện, nựng yêu, thể hiện nét mặt cười, vui, lắc lư trên tay và cho trẻ quan sát. Khi trẻ nhìn mình, ta lại tiếp tục lắc đồng thời nói chuyện và hát cho trẻ nghe. Giai đoạn này cũng cần kích thích trẻ nghe bằng cách mua cho trẻ các đồ chơi có âm thanh như xúc xắc, chút chít, tiếng kêu của con vật...

Giai đoạn trẻ từ 6-12 tháng tuổi, cha mẹ nên huấn luyện kỹ năng nghe tích cực cho trẻ hơn. Chẳng hạn, giúp trẻ phân biệt tiếng xúc xắc, tiếng con vật nuôi trong nhà, ô-tô, xe máy và nhạc cụ... Giai đoạn trẻ từ 12-36 tháng tuổi, nếu trẻ phát triển bình thường sẽ phân biệt được rõ tất cả các kỹ năng nghe, nhìn và nói, cười, giận hờn... Nếu giai đoạn này trẻ vẫn còn chậm nói, không giao tiếp thì cha mẹ phải cho đến khám bác sĩ sớm để phát hiện và điều trị kịp thời, cứu trẻ thoát khỏi một khuyết tật đáng tiếc.

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video