Ánh nắng mặt trời gây nám, gió mùa làm khô da, nhiệt độ nóng bức khiến bỏng và nám rồi bụi bặm, nước sinh hoạt bị ô nhiễm gây ra viêm và gây mụn... Ngoài ra, da cũng bị tàn phá vì mỹ phẩm, đó là do:
Nguyên liệu chứa hàm lượng độc tố quá cao mà tế bào da không thể dung nạp
Hầu hết các loại mỹ phẩm chăm sóc da và tạo dáng đều chứa các loại kim loại nặng không tan, dễ tích tụ ở màng dịch tế bào như thủy ngân, chì, kẽm, cyanure. Ngay như glycérine, một hóa chất cơ bản nhất được sử dụng khá phổ biến trong ngành mỹ phẩm cũng có khoảng 10 chủng loại với độ tinh khiết từ 96 đến 99,9%. Loại glycérine ít tinh khiết làm từ công nghệ hóa dầu, giá chỉ bằng 1/5-1/7 loại trích ly từ dầu dừa hay dầu cọ (khoảng 345 USD/tấn so với 1.800-2.600 USD/tấn). Chúng chứa rất nhiều tạp chất nên không tránh khỏi gây tai biến cho người tiêu dùng.
Với phấn trang điểm hay son môi cũng tương tự: bột talc, bột màu có hàm lượng độc tố (chì) khá cao, hương liệu (alcohol, aldehyde) dễ gây dị ứng, đặc biệt là nám, loét lở da.
Hoạt chất sử dụng trong mỹ phẩm gây tai biến
Ngoài nguyên liệu cơ bản để tạo nhũ cho kem hay tạo bọt bằng hoạt chất bề mặt (surfactant), các nhà sản xuất thường pha thêm một số hoạt chất nhằm mục đích "mềm da" hoặc "trắng da" như sáp làm mịn giả tạo, mật ong để lột lớp tế bào sừng phủ trên biểu bì, hay các loại thuốc kháng khuẩn, tẩy da cực mạnh như corticoid, hydroquinone làm cho da bị lột, rộp và có khi bị cháy nám.
Thậm chí còn có những loại kem dưỡng da pha thêm hoạt chất kháng sinh hay các loại thuốc gây tê nhằm tạo hiệu quả "làm đẹp" nhanh chóng. Từ những năm 1970, để tránh tai biến và các phản ứng của cơ thể, các nhà sản xuất tiên tiến đều cố gắng trở về với những hoạt chất đi từ thiên nhiên, dược thảo hay các loại vitamine từ công nghệ sinh học. Chúng có độ thẩm thấu tốt dễ tương hợp với tế bào, đồng thời hạn chế được kích thích da (tránh gây kháng thể để chống lại - sốc phản vệ).
Quy trình công nghệ không đảm bảo vệ sinh, bị nhiễm khuẩn và nấm mốc
Nhà sản xuất mỹ phẩm Pola nổi tiếng ở Nhật Bản đã nói "không gì dễ bằng làm kem mà khó nhất cũng là nghề này" khi ông mô tả bước đầu tiên trong nghề sản xuất mỹ phẩm. Pola đã đi từ một chiếc máy xay trái cây để gây phản ứng nhũ hóa cho kem ở trong bếp.
Tất nhiên Pola không thể thành công bằng lối này và khám phá ra rằng "tất cả đều theo đúng công thức nhưng kem vẫn chua và dễ thối". Quy trình công nghệ sản xuất mỹ phẩm khá nghiêm khắc, không dừng lại ở "cân, đo, đong, đếm" chính xác mà còn kiểm tra vi khuẩn vi sinh, áp suất, nhiệt độ và thời gian chặt chẽ ở phòng bào chế.
Rất nhiều loại kem bị nấm mốc và nhiễm khuẩn trong sản xuất cũng như trong quá trình sử dụng của khách hàng (do tay thoa kem từ lọ bị cáu bẩn...) và gây úng, vữa hoặc thối, lớp dầu mỡ và nước trong kem bị phân ly, không thể tiếp tục sử dụng.
Làn da mẫn cảm không thích nghi được với "chất lạ"
Nhiều người có làn da không tương hợp (hay thích nghi) được với các "chất lạ" (hóa chất) trong mỹ phẩm, dễ bị dị ứng (mẩn đỏ, khó chịu, ngứa ngáy) đối với bất cứ loại kem nào. Chính vì vậy, các nhà sản xuất đúng đắn đều phải thử dị ứng trước khi tung hàng của mình ra thị trường, đồng thời ghi rõ "sản phẩm đã được thử dị ứng" hay "không gây dị ứng" và kèm theo lời khuyên ngừng ngay việc sử dụng khi cảm thấy khó chịu.
Ở những nước phát triển, cơ quan cấp giấy phép sản xuất (Bộ Y tế) đều buộc các nhà sản xuất cung cấp tư liệu đầy đủ về nguyên liệu và hoạt chất sử dụng, có nơi còn quy định ràng buộc cả hàm lượng lẫn kết quả thực chứng về lâm sàng như trường hợp AHA (Alpha Hydroxy Acid - acid trích ly từ trái cây, một hoạt chất sinh học tẩy da phổ biến) không được quá 2% để tránh gây tai biến.
Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ còn buộc các nhà sản xuất báo cáo kết quả phân tích nguyên liệu sử dụng, ngăn chặn việc làm hàng "dỏm" bằng những nguyên liệu không đạt yêu cầu nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng đến mức cao nhất.
Đứng về phía người tiêu dùng, nên chọn kỹ và thử ngay trên da mình trước khi chọn mua một sản phẩm nào đó và kiểm tra thời hạn sử dụng cũng như giấy phép (visa) kiểm nghiệm của Bộ Y tế.