Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Tâm lý học ứng dụng: Sức khỏe và hạnh phúc đã cung cấp những hiểu biết mới về mối quan hệ giữa lòng biết ơn và sự cô đơn.
Phân tích tổng hợp dữ liệu từ 26 nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ nghịch đảo vừa phải giữa lòng biết ơn và sự cô đơn. Nói cách khác, những người có xu hướng cảm thấy biết ơn nhiều hơn sẽ có xu hướng ít cảm thấy cô đơn hơn.
Biết ơn nhiều hơn, cô đơn giảm bớt
Cô đơn là một trải nghiệm cảm xúc đau khổ và lan tỏa, có thể dẫn đến nhiều kết quả tiêu cực như trầm cảm, các vấn đề về tim mạch và suy giảm nhận thức. Ngược lại, lòng biết ơn thường gắn liền với trạng thái cảm xúc tích cực, có liên quan đến sức khỏe thể chất và tâm lý tốt hơn.
Các nhà nghiên cứu đã bị thu hút bởi mối liên hệ tiềm tàng giữa hai trải nghiệm.
Mặc dù một số nghiên cứu riêng lẻ cho thấy lòng biết ơn có thể làm giảm cảm giác cô đơn, nhưng chưa có phân tích toàn diện nào để củng cố những phát hiện này và xem xét ý nghĩa tổng thể của chúng.
Những người có xu hướng cảm thấy biết ơn nhiều hơn sẽ có xu hướng ít cảm thấy cô đơn hơn - (Ảnh: ofhsoupkitchen)
"Tôi thường quan tâm đến mối liên hệ giữa tâm lý tích cực và tâm lý sức khỏe. Lòng biết ơn là một cấu trúc tâm lý tích cực quan trọng có ý nghĩa đối với cả sức khỏe tâm lý và thể chất. Mặt khác, cô đơn là trải nghiệm cảm xúc khó chịu do thiếu sự kết nối xã hội", tác giả nghiên cứu James B. Hittner, giáo sư tâm lý học tại Đại học Charleston (Mỹ), cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích tổng hợp, kết hợp các kết quả từ nhiều nghiên cứu nhằm xác định xu hướng chung. Sau khi tìm kiếm một số cơ sở dữ liệu học thuật về những nghiên cứu xem xét mối quan hệ giữa lòng biết ơn và sự cô đơn, họ tìm thấy 26 nghiên cứu có liên quan, với tổng số 9.679 người tham gia.
Mối liên hệ mạnh mẽ
Phân tích tổng hợp cho thấy những cá nhân có mức độ biết ơn cao hơn có xu hướng trải qua mức độ cô đơn thấp hơn. Các nhà nghiên cứu phát hiện nếu một cá nhân ngẫu nhiên đạt điểm trên mức trung bình về lòng biết ơn, thì có 62,4% khả năng người này cũng sẽ đạt điểm dưới mức trung bình về sự cô đơn.
Hittner nói: "Chúng tôi rất ngạc nhiên trước mối liên hệ phân tích tổng thể, cho thấy mối liên hệ mạnh mẽ giữa lòng biết ơn và sự cô đơn. Kết quả cho thấy mức độ biết ơn cao hơn có liên quan đến khả năng hồi phục giữa các cá nhân tốt hơn, do đó làm giảm mức độ cô đơn mà họ cảm nhận".
"Những phát hiện này cũng cho thấy sẽ có ích nếu sửa đổi các chương trình can thiệp để nâng cao lòng biết ơn, nhằm giảm bớt sự cô đơn", Hittner nói thêm.
Các nhà nghiên cứu cũng đề xuất một số hướng nghiên cứu trong tương lai. Một lĩnh vực được quan tâm là khám phá các cơ chế tạo nên mối quan hệ giữa lòng biết ơn và sự cô đơn.
Các nghiên cứu theo chiều dọc cũng có thể cung cấp những hiểu biết giá trị, bằng cách theo dõi các cá nhân theo thời gian, qua đó xem xét những thay đổi trong mức độ biết ơn ảnh hưởng như thế nào đến sự cô đơn. Cách tiếp cận này sẽ giúp làm rõ hướng quan hệ nhân quả và xác định các yếu tố trung gian tiềm năng.
Hittner nói: "Một câu hỏi nghiên cứu được quan tâm là liệu sức mạnh của mối liên hệ giữa lòng biết ơn và sự cô đơn có giống với sức mạnh của mối liên hệ giữa lòng biết ơn và những cảm xúc tiêu cực khác, chẳng hạn như trầm cảm, lo lắng và sợ hãi hay không".