Cánh bướm vừa quyến rũ vừa đáng ghét

Theo nghiên cứu mới do các nhà sinh học thuộc đại học Yale thực hiện, loài bướm dường như có thể vừa thu hút bạn tình vừa cảnh báo kẻ thù bằng cách sử dụng các mặt khác nhau của đôi cánh.

Theo Jeffrey Oliver, nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ cộng tác với Khoa Sinh thái và Sinh học tiến hóa – Đại học Yale kiêm tác giả chính của nghiên cứu, nỗ lực tìm hiểu tính cân bằng giữa hai hành vi thiết yếu này là một trong những song đề cổ xưa nhất về tự nhiên. Nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences.

“Muốn nổi bật và quyến rũ đối với bạn tình cũng đồng nghĩa với việc thu hút sự chú ý của những kẻ khác – ví dụ như kẻ thù – bằng chính những dấu hiệu của mình”.

Oliver rất hứng thú nghiên cứu liệu các đốm mắt ở mặt trên của cánh bướm – đặc biệt là những đốm mắt của loài bướm nâu lớn – có mang một mục đích nào khác so với những đốm mắt ở mặt dưới hay không. Kể từ thời đại của Darwin, các nhà sinh vật học (trong đó có cả Darwin) đã đưa ra nghi vấn liệu có phải những hình thù ở mặt trên đôi cánh dùng để thu hút bạn tình, còn ở mặt dưới lại giúp lẩn tránh kẻ thù hay không.

Phối hợp với nhà sinh vật học Antónia Monteiro thuộc đại học Yale, Oliver đã sử dụng những công cụ mới nhằm thử nghiệm giả thuyết từ xa xưa. Với những mô hình tiến hóa đặc biệt, ông nhận ra rằng các đốm mắt ở mặt trên đôi cánh dường như tiến hóa nhanh hơn nhiều so với những đốm mắt ở mặt dưới. Điều này có nghĩa là đốm mắt ở mặt trên xuất hiện và biến mất thường xuyên hơn trong tiến trình tiến hóa. Kết quả này hoàn toàn khớp với giả thuyết cho rằng đốm mắt phía trên dùng để lôi cuốn bạn tình. Chúng là các dấu hiệu phục vụ cho mục đích chọn lọc giới tính, và do đó có xu hướng tiến hóa nhanh hơn các đặc điểm khác.

Oliver phát hiện ra rằng các đốm mắt của một số con bướm, ví dụ như đôi bướm Bicyclus anynana trong ảnh, vừa có công dụng lôi cuốn bạn tình vừa cảnh báo kẻ thù. (Ảnh : William Piel)

Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng mô hình lịch sử tiến hóa để chứng minh rằng một loài có thể sử dụng cùng một tín hiệu, trong trường hợp này là các đốm mắt, ở các vị trí khác nhau trên cơ thể nhằm truyền tải các thông điệp khác nhau.

Khi bướm đậu, cánh của chúng gập lại với nhau, khi đó mặt dưới cánh sẽ lộ ra. Chúng có thể làm ẩn hiện một đốm mắt bí mật nào đó ở cánh trước để lừa kẻ thù, đồng thời chúng có thời gian để chạy trốn. Chúng ta vẫn chưa hiểu được đầy đủ các đốm mắt ở mặt dưới cánh bướm truyền thông điệp gì đối với bạn tình của chúng. Nhưng Oliver cho biết điều này có thể giúp những con bướm nhận diện nhau, cũng là để tránh các loài bướm khác nhau giao phối chéo với nhau.

Tới đây, Oliver sẽ áp dụng khoảng thời gian tiến hóa lâu hơn để nghiên cứu vị trí cũng như con đường tiến hóa các đốm mặt, và liệu chúng có cùng đồng loạt tiến hóa hay là tiến hóa độc lập theo thời gian. Tham gia vào nghiên cứu còn có Kendra Robertson (thuộc đại học New York tại Buffalo).

Tham khảo:
Jeffrey C. Oliver, Kendra A. Robertson, and Antónia Monteiro. Accommodating natural and sexual selection in butterfly wing pattern evolution. Proceedings of The Royal Society B Biological Sciences, 2009; DOI: 10.1098/rspb.2009.0182

G2V Star (Theo ScienceDaily)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video