Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Cảnh quan văn hóa Ferto/Neusiedler của nước Áo là Di sản văn hóa thế giới năm 2001.
Cảnh quan văn hóa Ferto/Neusiedler là một khu vực tập hợp các nền văn hóa trong hơn tám thiên niên kỷ. Nói một cách khác, khu vực này là nơi găp gỡ, giao thoa giữa nhiều nền văn hóa với nhau. Kết quả của việc gặp gỡ này là một chuỗi các hoạt động của con người với môi trường thiên nhiên mà cho đến nay vẫn còn nhiều dấu tích ghi lại.
Khu vực Cảnh quan văn hóa Ferto/Neusiedler có những bản làng của người dân nông thôn với kiến trúc nhà cửa đặc trưng, một hồ nước lớn và đáng chú ý là một số cung điện được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18 và 19.
Sự hình thành khu vực cảnh quan văn hóa Ferto/Neusiedler bắt đầu từ khoảng 6000 năm trước công nguyên. Các nhà khoa học tìm thấy sự có mặt của những cư dân tiền sử đầu tiên sinh sống ở đây, tuy nhiên vào thế kỷ thứ 7 trước công nguyên thì khu vực này mới bắt đầu có đông người sinh sống. Vào thời kỳ đó, cuộc sống diễn ra xung quanh khu vực hồ, cuộc sống của những cư dân thời La Mã cổ chủ yếu dựa vào đánh bắt cá dưới hồ. Thế kỷ thứ 11, Ferto/Neusiedler trở thành vùng đất của người Hungrary. Cuộc sống ở đây thực sự phát triển vào thế kỷ thứ 12 và 13. Vào khoảng những năm cuối thể kỷ 13 đã có một cuộc xâm lược của người Tatar nhằm chiếm lấy vùng đất này tuy nhiên không thành công. Kể từ đó, nơi đây phát triển rất mạnh trong suốt thời kỳ Trung cố và kéo dài tới khi cuộc chinh phục của người Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối thế kỷ 16 diễn ra.
Vùng hồ nước mặn lớn đã tạo ra một rừng ngập mặn với hệ sinh thái đa dạng cho toàn bộ khu vực
Trên thực tế, Cảnh quan văn hóa Ferto/Neusiedler là một tài sản xuyên quốc gia, di sản này nằm trên lãnh thổ của cả Áo và Hungrary. Mà trong suốt nhiều thế kỷ đầu tiên cảnh quan này được người Hungary nắm giữ. Tuy nhiên vào những thế kỷ cuối, cả người Áo cũng khai thác và cùng sử dụng các tài nguyên của di sản này. Mãi cho đến thế kỷ 20, sau chiến tranh thế giới lần thứ II, biên giới Áo - Hung được chia rõ. Bức màn sắt giữa thế giới cộng sản và phần còn lại của Châu Âu được phân định và Di sản trở thành tài nguyên của nước Áo.
Sự phát triển của khu vực Ferto/Neusiedler diễn ra khá mạnh mẽ trong nhiều thế kỷ liên tục từ 13 cho đến 18,19. Các cư dân ở đây phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào việc sản xuất rượu vang và một phần việc xuất khẩu động vật. Sở dĩ có được thành quả kinh tế phát triển như vậy là bởi Ferto/Neusiedler là một khu vực có các giá trị thiên nhiên tuyệt vời và rất đa dạng. Vùng hồ nước mặn đã tạo ra một rừng ngập mặn với hệ thực vật vô cùng phong phú. Đây chính là nguồn thực phẩm khổng lồ đến từ thiên nhiên dành cho người dân sống ở đây, cũng như phục vụ việc chăn nuôi.
Sự bồi đắp của những lớp đất nhiều dưỡng chất đã có hàng nghìn năm tuổi cũng đã giúp cho nghề trồng nho ở đây thực sự phát triển. Bên cạnh đó khí hậu ôn hòa của khu vực cũng đặc biệt thích hợp cho việc trồng trọt. Nho được trồng ở khu vực này có vị đậm và hương thơm hoàn toàn riêng biệt để từ đó cho ra đời những loại rượu ngon nổi tiếng. Các nhà nghiên cứu đã xác định trong nhiều thế kỷ tiếp nối khu vực Ferto/Neusiedler đã được bao quanh bởi mười sâu khu định cư vòng trong và hai mươi khu định cư khác vòng ngoài, những khu định cư này được thế hệ này tiếp nối thế hệ khác.
Việc kinh tế phát triển giúp cho người dân nơi đây có một cuộc sống khá ổn định. Và cũng vì thế, văn hóa ở Ferto/Neusiedler rất phát triển. Bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ 16, có nhiều công trình được xây dựng tại đây. Đầu tiên chỉ là những kiến trúc làng bản, nhà cửa thông thường, tiếp sau đó là những công trình công cộng hành chính của khu vực. Nguyên liệu để xây dựng được tìm thấy chính là đá vôi được khai thác từ dưới hồ. Đến thế kỷ thứ 18, nhiều công trình văn hóa đáng chú ý đã được xây dựng tại đây, ví dụ như cung điện của thị trấn Nagycenk; cung điện Szechenyi; cung điện Fertod Esterhazy.
Các nền văn hóa của nhiều dân tộc đã gặp gỡ, giao thoa và kết hợp với nhau ở khu vực này qua nhiều thế kỷ, và từ đó hình thành nền văn hóa đa đạng của cảnh quan văn hóa Ferto/Neusiedler. Nghề truyền thống và các kiến trúc nhà cửa còn lại hiện nay ở khu vực này là minh chứng cho sự đa dạng văn hóa đó.
Công viên quốc gia Neusiedlersee đã được thành lập nhằm bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường và hệ sinh thái cho toàn khu vực.
Cảnh quan văn hóa Ferto/Neusiedler được Unesco công nhận theo tiêu chí (v): Đây là nơi gặp gỡ của các nền văn hóa khác nhau. Là khu vực thể hiện kết quả công sinh giữa con người với thiên nhiên trong suốt nhiều thiên niên kỷ.
Hiện nay, khu vực Cảnh quan văn hóa Ferto/Neusiedler gồm cảnh quan thiên nhiên, vùng hồ, đầm lầy và các công trình kiến trúc được bảo vệ tốt. Một công viên tự nhiên với tên gọi Công viên Neusiedller cũng đã được thành lập để bảo vệ cuộc sống tự nhiên của các loài động, thực vật và hệ sinh thái nơi đây.