Một nhóm chuyên gia quốc tế đã làm sáng tỏ được nội dung trong các đoạn văn bản bị mờ từ cuốn nhật ký cách đây 140 năm của nhà thám hiểm Scotland - David Livingstone.
Tập bản thảo viết tay này được thực hiện ở Trung Phi và hiện đang trưng bày tại Thư viện Quốc gia Scotland ở Edinburgh. Nó nằm trên một tờ báo cũ với mực tự chế và hầu như không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Nhờ kỹ thuật gợi hình ảnh quang phổ, các nhà khoa học đã tái hiện lại những diễn biến trong vụ thảm sát đẫm máu 400 nô lệ xảy ra 140 năm trước. Từ đó, họ khám phá ra một câu chuyện “ghê rợn không thể diễn tả được bằng lời”.
Tại thời điểm viết nhật ký, Livingstone đang bị cô lập và mắc kẹt ở Trung Phi mà không có nguồn tiếp tế nào. Vì vậy, ông phải sử dụng hạt từ quả mọng để tự chế ra mực viết.
Nhóm nghiên cứu cho biết, tập bản thảo góp phần cung cấp một cái nhìn sâu sắc về tâm trạng Livingstone khi ông phải đối mặt với cơn khủng hoảng lớn nhất xảy ra trong cuộc thám hiểm cuối cùng mà ông tham gia ngay trước khi chết. Nó cũng cho thấy rằng, nội dung của vụ thảm sát đó ít nhiều bị thay đổi khi xuất hiện trên các tạp chí sau này.
Bức tranh phác họa cuộc thảm sát đẫm máu tại một ngôi làng Congo. (Ảnh: BBC)
Livingstone đã kể lại chi tiết câu chuyện về cuộc tàn sát cho nhà báo HM Stanley - người sau này đưa ra những bằng chứng buộc chính phủ Anh phải đóng cửa các khu buôn bán nô lệ ở Đông Phi.
Cuốn nhật ký ghi lại hình ảnh 3 kẻ buôn bán nô lệ người Ả Rập với những khẩu súng trên tay, bước vào khu chợ ở Nyangwe - một ngôi làng Congo - khi mà 1.500 người đã tập trung, phần lớn trong số họ là phụ nữ.
Ông viết: “Những viên đạn được bắn ra từ hai khẩu súng và sau đó là một cảnh tượng kinh hoàng, rất nhiều người chạy trốn với nỗi khiếp sợ hiện rõ trên mặt, với tiếng gào thét ghê gớm, con số người chết lớn khủng khiếp. Thật đáng sợ, kinh khủng, một thế giới tồi tệ”.
Nhà thám hiểm David Livingstone. (Ảnh: BBC)
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Adrian Wisnicki, người đứng đầu dự án cho biết thêm rằng, có bằng chứng trong cuốn nhật ký cho thấy các thành viên thuộc phe của Livingstone có thể cũng tham gia vào vụ thảm sát đó.
“Livingstone dường như biết trước khả năng này và đã cố gắng can thiệp nhưng thất bại. Điều đó để lại trong ông một cảm giác hối hận sâu sắc”, Wisnicki nói.
Bài viết cuối cùng của David Livingstone đã được chỉnh sửa sau cái chết của ông vào năm 1873 bởi người bạn Horace Waller. “Livingstone sẽ không bao giờ có được cơ hội xuất bản tập nhật ký này trong cuộc đời mình”, tiến sĩ Wisnicki chia sẻ thêm.