Câu chuyện của người bị “lỡ tàu” Internet

Khoảng 10 năm về trước, một doanh nghiệp tư nhân tuy có đủ các điều kiện kỹ thuật để trở thành nhà cung cấp dịch vụ truy cập Internet (ISP) nhưng đành phải “lỡ tàu” vì hai chữ “cơ chế”.

“Đi trước thời đại”!

Đầu năm 1996, TS Nguyễn Quang A cùng một số cổ đông đã quyết định đầu tư thành lập một công ty mang tên Ba Tin để đón đầu cơ hội cung cấp dịch vụ Internet. Và vào mùa hè năm đó, khi các doanh nghiệp nhà nước với tiềm lực rất lớn còn đang loay hoay triển khai thì Ba Tin đã cho ra đời mạng Intranet có tên là Vinet với 10 đường dây điện thoại để phục vụ nhu cầu truy nhập của người sử dụng. Là mạng được xây dựng trên giao thức Internet (TCP/IP) nên Vinet có giao diện đẹp cùng với nhiều thủ tục tìm kiếm rất nhanh. Chính nhờ vậy mà rất nhiều cơ quan như Bộ Công nghiệp, Văn phòng Quốc hội, Tổng cục TC-ĐL-CL… đã đặt hàng Ba Tin xây dựng mạng Intranet cùng phần mềm quản lý dữ liệu trên mạng cho mình.

Còn riêng với Vinet, để có nội dung cho mình, mạng này đã hợp tác với các cơ quan báo chí mà đi đầu là Thời báo Kinh tế Việt Nam. Tiếp đó là các báo Tuần báo Quốc tế, Xưa & Nay, Doanh Nghiệp, Tia Sáng, Tin học & Đời sống… Và mặc dù Việt Nam chưa nối mạng Internet nhưng thông tin của các báo này vẫn đến được với độc giả toàn cầu khi truy cập địa chỉ http://www.batin.com.vn với máy chủ được đặt tại Australia. Có thể nói, mạng Vinet của Ba Tin chính là chuyến tàu đầu tiên để đưa các báo chí trong nước đến với bạn đọc toàn cầu.

Vì vậy, Ba Tin đã được xếp vào danh sách ưu tiên sẽ được làm ISP cùng với VDC, FPT và Saigon Postel (Netnam tuy có đủ điều kiện kỹ thuật nhưng lại chưa có tư cách để kinh doanh vì là dịch vụ của cơ quan nghiên cứu khoa học chứ không phải là doanh nghiệp, Viettel thì chưa sẵn sàng về kỹ thuật).

Nhưng “lỡ tàu”

Tháng 3/1997, Quy chế tạm thời về quản lý và khai thác dịch vụ Internet được ban hành với Nghị định 21/CP. Tuy nhiên, quy chế này chỉ cho phép doanh nghiệp nhà nước hoặc do nhà nước nắm cổ phần chi phối được làm ISP với lý do để đảm bảo an ninh thông tin của đất nước. Ba Tin đành đứng ngoài cuộc chơi nhưng vẫn còn hy vọng có thể làm nhà cung cấp nội dung trên Internet (ICP). Song việc này cũng không thành vì việc cung cấp thông tin lên mạng Internet phải tuân thủ Luật Báo chí. Mà theo quy định của Luật Báo chí Việt Nam thì tư nhân không có quyền ra báo. Trong khi đó, các cơ quan nước ngoài tại Việt Nam thì vẫn được quyền làm ICP vì Việt Nam tuân thủ công ước quốc tế về Internet.

TS. Nguyễn Quang A, trên cương vị Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam khi đó đã đề nghị phải sớm sửa đổi tận gốc Nghị định 21/CP: Trước hết, quy định bắt buộc phải đặt máy chủ tại Việt Nam là rất ấu trĩ vì đã là Internet thì đặt máy chủ ở đâu cũng như nhau. Còn khái niệm ICP là chuyện rất “riêng có” của Việt Nam vì đã thiết lập được website thì nghiễm nhiên phải cập nhật thông tin lên đó chứ chẳng ai lại muốn để tĩnh. Vì thế, ông đề nghị không áp dụng Luật Báo chí cho việc cung cấp thông tin lên mạng Internet. Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề khác cần phải sửa đổi bởi quản lý phải theo kịp sự phát triển chứ không phải phát triển phải dựa trên năng lực quản lý như tinh thần của Nghị định 21/CP.

Quy chế tạm thời đã làm Ba Tin bị “lỡ tàu” để làm ISP và đành phải chờ đợi. Tháng 8/2001, Nghị định 55/2001/NĐ-CP được Chính phủ ban hành để thay thế Nghị định 21/CP, cùng với cơ chế “mọi thành phần kinh tế đều được phép làm ISP”. Bên cạnh đó, xuất hiện một số khái niệm mới là nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP) và nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến (OSP). Nhờ đó, một số doanh nghiệp tư nhân đã trình hồ sơ và được cấp phép là ISP như QT Net, Việt Khang, Techcom, OCI… Tuy nhiên, trong danh sách các doanh nghiệp trình hồ sơ với Tổng cục Bưu điện khi đó đã không có tên Ba Tin.

Về điều này, ông Lê Trung Nghĩa, nguyên là một cổ đông chiến lược của Ba Tin khi đó đã nhìn nhận là phải có tiềm lực rất mạnh thì mới có thể trụ được và các doanh nghiệp tư nhân thì rất khó có cửa. Lời dự đoán của ông nay đã nghiệm đúng vì với sự bùng nổ của Internet băng thông rộng (ADSL) thì chỉ khi chủ động được về hạ tầng truyền dẫn, doanh nghiệp làm ISP mới trụ được. Và thực tế là tất cả các doanh nghiệp tư nhân có giấy phép ISP đều không rục rịch được gì. “Đành rằng doanh nghiệp muốn kinh doanh thì phải tuân thủ luật pháp nhưng cơ hội thì đã mất đi, thậm chí vĩnh viễn mất đi!”, ông Nghĩa nói.

Câu chuyện của công ty Ba Tin là một trang sử buồn của buổi khởi đầu Internet Việt Nam. TS. Nguyễn Quang A cho biết, dự thảo Nghị định 21/CP mà ông được mời tham gia xây dựng lúc đầu đâu có thắt chặt đến như thế. Nhưng cuối cùng, vì lý do thận trọng mà phải quy định chặt, theo một cựu quan chức có trách nhiệm của Bộ KHCN thì có quy định chặt như vậy lãnh đạo mới dám quyết định cho Việt Nam chính thức được nối mạng Internet vào ngày 19/11/1997.

Câu chuyện về công ty Ba Tin chính là một minh chứng rõ nét cho sự khó khăn, trắc trở trong buổi đầu đưa Internet vào Việt Nam, đồng thời ở góc độ nào đó cũng phản ánh quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước.

Theo ICTnews, VnMedia
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video