Câu chuyện ra đời của Giờ trái đất

  •  
  • 3.249

Dự án bảo vệ hành tinh - Giờ trái đất xuất phát từ mong muốn kêu gọi mọi người cùng nhau chống lại biến đổi khí hậu thông qua những hành động đơn giản nhất.

Chính thức khởi động từ năm 2007 tại thành phố Sydney, chiến dịch tắt đèn định kỳ hàng năm đã lớn mạnh trở thành một hành động về môi trường có quy mô lớn nhất thế giới, quy tụ 135 quốc gia và lãnh thổ trên khắp các châu lục cùng nhau tham gia.

Giờ Trái đất

Sinh ra tại Anh nhưng đến năm 2002, Andy Ridley chuyển đến sinh sống và làm việc ở Australia. Sau khi trở thành Giám đốc Truyền thông của tổ chức Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên Australia (WWF), Andy mong muốn thực hiện một chiến dịch nhằm thu hút mọi người cùng nhau chống lại sự biến đổi khí hậu thông qua những hành động đơn giản nhất. Ông cùng với các đồng nghiệp của mình suy nghĩ, tìm tòi và cùng nhau trở thành nhà đồng sáng lập của chương trình kêu gọi “tắt đèn” trong một giờ đồng hồ với tên gọi là “Giờ trái đất”.

Mục đích của sự kiện này nhằm đề cao tiết kiệm điện năng, hướng đến việc giảm lượng khí thải điôxit cacbon (loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính) và đánh động sự chú ý của mọi người về ý thức bảo vệ môi trường. Ý tưởng của ông Andy Ridley trở thành hiện thực khi có hơn 2 triệu người và 2.000 doanh nghiệp tại Sydney cùng tham gia tắt đèn trong lễ khai mạc Giờ trái đất vào ngày 31/3/2007. Đến nay, sự kiện này thu hút hàng trăm triệu người trên 7.000 thành phố, thị trấn và 154 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia.

Ông Andy Ridley cho biết: "Sự lớn mạnh của Giờ trái đất trong những năm qua chứng tỏ nhiều người muốn nỗ lực hơn nữa để bảo vệ hành tinh của chúng ta, cho dù đó là việc một em học sinh tạo ra sự thay đổi trong phòng học của mình, hay là việc một vị tổng thống muốn thay đổi quốc gia”.

Giới trẻ Việt Nam hào hứng hưởng ứng giờ Trái đất
Giới trẻ Việt Nam hào hứng hưởng ứng giờ Trái đất

Tại Việt Nam, chương trình Giờ trái đất nhanh chóng lan tỏa và được công chúng, nhất là các bạn trẻ đón nhận bằng việc hưởng ứng, tham gia và tổ chức các sự kiện bảo vệ môi trường lớn nhỏ. Chị Đinh Thị Vũ Trinh - Giám đốc dự án Green Talk cho biết: “Xuất phát từ cuộc thi hùng biện tiếng Anh về môi trường, Trung tâm UNESCO Văn hóa - Giáo dục và Đào tạo (UNESCO – CEP) triển khai dự án Green Talk với mục tiêu dựa vào sức mạnh của mỗi tình nguyện viên tham gia và rèn luyện mỗi bạn trở thành tình nguyện viên cho chính cuộc sống của mình".

Các bạn trẻ nhặt rác, dọn dẹp vệ sinh tại một chương trình vì môi trường được tổ chức tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Các bạn trẻ nhặt rác, dọn dẹp vệ sinh tại một chương trình vì môi trường được tổ chức tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Năm 2016 càng đặc biệt hơn khi đánh dấu 10 năm ra đời chiến dịch này, mang lại nguồn cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới, trong đó có không ít các nghệ sỹ, các nhà thiết kế hàng đầu vốn tìm kiếm cảm hứng sáng tạo từ ánh sáng và bóng tối.

Tắt đèn bảo vệ Trái đất

Năm nay, hướng đến phong trào Giờ Trái Đất 2016 sẽ diễn ra từ 20:30 đến 21:30 thứ Bảy, ngày 19/3, hàng chục nhà máy sản xuất và văn phòng đại diện của AkzoNobel trên toàn thế giới, trong đó có nhà máy sản xuất đặt tại Bình Dương của AkzoNobel Việt Nam, cam kết tham gia bằng cách đồng lọat tắt các thiết bị ánh sáng không cần thiết trong Giờ Trái Đất. Bên cạnh đó, chiến dịch "Planet Possible" mang thông điệp 'Sử dụng ít hơn, làm ra nhiều hơn' ('Doing more with less') tiếp tục kêu gọi mọi người vận dụng sự sáng tạo của mình vào việc sử dụng các nguồn năng lượng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả hơn. Nhiều hoạt động tại Việt Nam đã được tổ chức để hưởng ứng chiến dịch này.

Cập nhật: 19/03/2016 Tổng hợp
  • 3.249