Câu chuyện thú vị về bức ảnh "Trái đất mọc" nổi tiếng vừa tròn 50 tuổi

"Trái Đất mọc" là bức ảnh đầu tiên về Trái Đất được con người chụp từ ngoài không gian. Bức ảnh này được ghi lại bởi phi hành gia William Anders, thành viên phi hành đoàn tàu Apollo 8 vào ngày 24/12/1968. Bức ảnh đã gây được tiếng vang lớn, đặc biệt trong việc giúp nhân loại cảm nhận được tính dễ bị tổn thương của hành tinh xanh, khi đặt nó trước nền đen sâu thẳm, cô độc của vũ trụ.

Bức ảnh "Trái Đất mọc" nổi tiếng và được các thành viên phi hành đoàn Apollo 8 ghi lại trong hành trình bay quanh Mặt Trăng vào ngày 24/12/1968.

Vào ngày 24 tháng 12 năm 1968 - tức là đúng 50 năm về trước - các phi hành gia trên tàu vũ trụ Apollo 8 gồm có Frank Borman, Jim Lovell và William Anders đã trở thành những người đầu tiên bay vòng quanh Mặt Trăng.


Trái Đất dường như đang "mọc" lên từ đường chân trời của Mặt Trăng.

Đây là một nhiệm vụ đã đi vào lịch sử của ngành hàng không vũ trụ của nhân loại. Nhưng bên cạnh chuyến du hành có tính chất bước ngoặt ấy, đáng nhớ không kém là bức ảnh "Trái Đất mọc" nổi tiếng, cho thấy Trái Đất dường như đang "mọc" lên từ đường chân trời của Mặt Trăng.

Trước thời điểm đó, chưa từng có ai được chứng kiến hành tinh xanh của chúng ta từ một khoảng cách xa như vậy.

Trong cuốn sách "100 bức ảnh đã thay đổi thế giới" của tạp chí Life bình chọn, nhiếp ảnh gia chụp hoang dã nổi tiếng Galen Rowell đã mô tả bức ảnh "vô tiền khoáng hậu" về Trái đất này là "hình ảnh đề tài môi trường có sức ảnh hưởng lớn nhất".

Hình ảnh hành tinh của chúng ta, dường như quá nhỏ bé và dễ bị tổn thương trong màn đêm đen sâu thẳm của vũ trụ, khiến mọi người nhận thức rõ hơn về sự mong manh của Trái Đất.

"Trái Đất mọc" hiện là một trong những bức ảnh về không gian vũ trụ được tái xuất bản nhiều nhất mọi thời đại. Nó xuất hiện trên các con tem bưu chính, những tấm áp phích và cả trên trang bìa của tạp chí Time năm 1969. Nhiều người đã chỉ ra tính chất trớ trêu của bức ảnh, bởi lẽ tàu Apollo 8 được cử đi để nghiên cứu và chụp lại các hình ảnh về bề mặt của Mặt Trăng - chứ không phải để ghi lại những bức ảnh về Trái Đất.

"Trong tất cả các nhiệm vụ mà NASA đã đặt ra cho phi hành đoàn trước khi con tàu được phóng lên không gian, không ai nghĩ đến việc sẽ chụp ảnh Trái Đất từ quỹ đạo Mặt Trăng", Robert Zimmerman viết trong cuốn sách "Genesis: Câu chuyện về tàu Apollo 8: Chuyến bay có người lái đầu tiên tới thế giới khác" của ông.


Từ trái sang phải: phi hành đoàn của Apollo 8 gồm có James A. Lovell Jr., William A. Anders, và Frank Borman, chụp ảnh chung trong bộ trang phục vũ trụ tại Trung tâm Giả lập Vũ trụ Kennedy.

Bức ảnh nổi tiếng này được chụp ở lần thứ tư con tàu bay quanh Mặt Trăng. Ở thời điểm đó, tàu vũ trụ đã thay đổi quỹ đạo, giúp các phi hành gia có thể nhìn thấy Trái Đất đang xuất hiện phía trên đường chân trời của Mặt Trăng.

Không ai trong số các phi hành gia ở thời điểm đó chuẩn bị tinh thần để ghi lại khoảnh khắc đặc biệt đó, kể cả một phi công điều khiển mô-đun Mặt Trăng có tên là Anders, người được phân công phụ trách việc nhiếp ảnh.

Trong một cuộc phỏng vấn cho một bộ phim tài liệu của đài BBC, Anders đã mô tả chuỗi các sự kiện xảy ra ở thời điểm đó, như thế này:

Tôi không biết ai đã nói ra câu này đầu tiên, có lẽ tất cả chúng tôi đều đã thốt lên, 'Ôi Chúa ơi. Nhìn kìa!' và hiện lên trước mắt là hình ảnh của Trái Đất. Chúng tôi chưa từng thảo luận về tình huống này khi còn ở mặt đất, không có cuộc họp ngắn nào, cũng chưa từng có ai hướng dẫn chúng tôi phải làm gì. Tôi nói đùa, 'Ồ, nó không có trong kế hoạch bay', và hai phi hành gia khác thì kêu tôi đưa cho họ máy ảnh. Tôi chỉ có trong tay một chiếc máy ảnh màu duy nhất với một chiếc ống kính tiêu cự dài. Vì vậy, tôi đã đưa cho Borman một chiếc máy ảnh màu đen trắng, còn tôi đưa cho Lovell cái máy nào thì tôi không nhớ. Chỉ biết rằng lúc đó mọi người í ới gọi nhau đưa máy ảnh, và tất cả đều lao vào chụp liên tục.

Ban đầu, cả Borman và Anders đều nhận là người đã chụp bức ảnh lịch sử. Sau đó, một cuộc điều tra đã được tiến hành và cho thấy, Borman, người đầu tiên nhận ra giá trị của khoảnh khắc này, đã chụp một bức ảnh đen trắng trước khi Anders chụp bức ảnh màu mà mọi người biết đến.

Fred Spier, giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Amsterdam cũng khẳng định trong một bài viết của mình rằng cả Borman và Lovell đều đóng vai trò quan trọng trong việc nhắc nhở và thúc giục Anders, người có máy ảnh màu duy nhất trên tàu, chụp lại khoảnh khắc ấy.

"Phi hành gia giàu kinh nghiệm Frank Borman là người đầu tiên nhận ra tầm quan trọng của khung cảnh, cùng lúc đó phi hành gia James Lovell đã nhanh chóng nhận ra điều tương tự", Spier viết. "Tuy nhiên, tân binh vũ trụ William Anders là người được phân công chịu trách nhiệm chụp ảnh. Tuy nhiên, để hoàn thành công việc của mình, Anders phải tuân theo một bản kế hoạch chụp ảnh khá chặt chẽ và được xác định rõ ràng, trong đó có rất ít hoặc không có chỗ cho những bức ảnh chụp ngẫu hứng ngoài dự kiến".

"Ban đầu, Anders còn lưỡng lự nhưng nhanh chóng làm theo những gì mọi người trên tàu nhắc nhở", Spier tiếp tục. "Mặc dù ngày nay người ta thường công nhận Anders là người đã chụp bức ảnh nổi tiếng ấy, nhưng cũng cần phải ghi nhận rằng tấm ảnh là kết quả chung của những công sức mà cả ba phi hành gia đã nỗ lực bỏ ra".

Cập nhật: 26/12/2018 Theo vnreview
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video