Khi tập đoàn Monsanto giới thiệu với thế giới những giống cây trồng chuyển đổi gien (GM) cách đây 10 năm, người ta đã dự đoán tiến bộ về công nghệ sinh học là bình minh của một kỷ nguyên mới, có thể giúp giảm đói nghèo, bảo vệ môi trường...
Cải dầu chuyển gien |
Giờ thì các loại đậu, bông, ngô và cải dầu chuyển gien là những sản phẩm sinh lợi tại Monsanto, đồng thời cũng đang làm giàu cho các đối thủ khác, chẳng hạn Syngenta và Dow AgroSciences LLC của Thuỵ Sĩ. Lợi nhuận chủ yếu là do thị trường Mỹ chấp nhận các loại cây chuyển gien có sức kháng thuốc diệt cỏ và côn trùng cũng như cho sản lượng cao.
Một bước tiến... một bước lùi
Tuy vậy, đã 10 năm trôi qua nhưng nhiều quốc gia vẫn cấm loại công nghệ này do lo ngại những nguy hiểm tiềm năng đối với sức khoẻ con người và môi trường. Hiện chỉ có 18 quốc gia đang canh tác cây GM. Quả thực, hầu như mỗi bước tiến lại có một bước lùi.
Tháng trước, tập đoàn ngũ cốc Kellogg tuyên bố sẽ bắt đầu sử dụng dầu có hàm lượng linolenic thấp từ đậu tương GM của Monsanto trong bánh bích quy và các thực phẩm khác. Thế nhưng, chưa đầy hai tuần sau đó, Kraft Foods, đối thủ của Kellogg, đồng thời là nhà sản xuất thực phẩm lớn thứ hai thế giới, cho biết sẽ ngừng cung cấp mọi thực phẩm GM, trong đó có các phụ gia, cho Trung Quốc. Nguyên nhân là người tiêu dùng ít chấp nhận những sản phẩm này. Pepsico và Coca-Cola cũng đã đưa ra những cam kết tương tự.
Gần đây lại có thêm những thất bại khác: trong tháng 10/2005 các cử tri Thuỵ Sĩ quyết định cấm trồng cây chuyển gien trong vòng 5 năm và đậu Hà Lan
Phản đối cây chuyển gien của Nhóm Hoà bình xanh |
Các nhà phê bình cho rằng cây GM đã gây ra nhiều vấn đề hơn so với những vấn đề chúng giải quyết, chẳng hạn tạo ra các loại cỏ kháng thuốc. Những người ủng hộ lại có quan điểm: cây GM tốt cho môi trường vì chúng có thể giảm lượng hoá chất cần để trồng cây. Người phản đối phản bác: lượng hoá chất tăng lên nhiều lần vì cỏ kháng thuốc và nhiều vấn đề khác. Ngoài ra, mặc dù người nông dân thu được lợi nhuận cao hơn (do sản lượng được nâng cao) nhưng họ lại phải mua các hạt giống GM với giá cao hơn. Công nghệ này chưa giảm được đói nghèo do nhiều nước nghèo chưa thể hoặc chưa sẵn sàng chấp nhận nó.
Tương lai nào cho cây công nghệ sinh học?
Mặc dù vậy, diện tích cây trồng GM khắp thế giới đang tăng. Diện tích trồng đậu tương, ngô, bông, cải dầu và các giống cây khác đã đạt hơn 400 triệu ha trong năm 2005. Tại Mỹ, 52% ngô, 79% sản lượng bông và 87% đậu tương của vụ 2004-2004 là các giống GM.
Ngô chuyển gien kháng sâu bệnh (phải) và ngô bình thường |
Iran đã trở thành quốc gia đầu tiên thương mại hoá gạo chuyển gien, có khả năng kháng sâu bệnh, trong năm 2004. Năm ngoái, tập đoàn Syngenta tuyên bố tạo ra một giống ''gạo vàng'' với hàm lượng beta-carotene cao gấp 23 lần so với các giống trước đây. Giống lúa này sẽ được phân phát miễn phí cho các trung tâm nghiên cứu khắp châu Á.
Michael Fernandez, Giám đốc điều hành Sáng kiến về thực phẩm và công nghệ sinh học Pew, cho biết hiện có sự đầu tư rất lớn cho lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp tại Trung Quốc, Argentina, Chile và các nước khác. Gạo chuyển gien chắc chắn sẽ được phép trồng ở Trung Quốc trong tương lai gần - một động thái có thể làm thay đổi thái độ của người dân trên trái đất, làm họ ủng hộ thực phẩm GM.
Minh Sơn (Theo Reuters, AFP, AP)