Trong số hơn 70 cây cột của đền Lepakshi cổ ở Ấn Độ có một cây chân không hề chạm đất và con người có thể đưa các vật như khăn mỏng hay tờ giấy đi qua.
Cây cột treo kỳ lạ ở ngôi đền Ấn Độ
Ngôi đền có từ thế kỷ 16, còn được gọi là Veerabhadra, nằm tại làng Lepakshi, quận Anantapur, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ. Đền cách thành phố Hindupur 15 km về phía đông và Bangalore 120 km về phía bắc.
Không chỉ cổ, ngôi đền này còn nổi tiếng bởi một kỹ thuật kỳ lạ. Trong số 70 cây cột đá thì có một cột được treo lơ lửng từ trần đền. Chân của cây cột này không hề chạm tới mặt đất do đó mọi người có thể đặt các vật thể mỏng như tờ giấy, tấm khăn xuyên qua.
Những cây cột dược chạm khắc tinh tế ở đền Lepakshi.
Nhiều người cho rằng cây cột này bị dời khỏi vị trí ban đầu một chút khi kỹ sư người Anh cố gắng di chuyển nó. Tuy nhiên, nỗ lực của ông không thành và cũng không đủ để mở tấm màn bí mật của cây cột.
Đền do anh em Viranna và Virupanna xây dựng. Họ là những người có chức cao ở đế chế Vijayanagara, trong suốt thời trị vì của vua Achutaraya.
Lepakshi được xây dựng theo kiểu kiến trúc Vijayanagara, có nhiều tác phẩm điêu khắc trang nhã của các vị thần, vũ nữ, nhạc công. Ngoài ra, đền còn có hàng trăm tranh vẽ trên các bức tường, cột, trần kể lại những sử thi huyền thoại như Mahabharata, Ramayana và Puranas.
Lepakshi có một bức tranh tường nằm trên trần dài khoảng 7 m mô tả Veerabhadra, thần lửa do thần Shiva sinh ra. Tác phẩm này được công nhận là bức vẽ trên tường lớn nhất tại Ấn Độ. Phía trước đền Lepakshi là con bò đực Nandi của thần Shiva, được chạm khắc từ một tảng đá lớn. Nandi là một trong những tác phẩm khắc đá có kích thước lớn nhất thế giới.
Du khách thử đặt tấm khăn đỏ qua chân cột treo.
Làng Lepakshi có một vị trí quan trọng trong Ramayana - bộ sử thi huyền thoại của người Ấn Độ. Tương truyền con chim Jatayu - một người bạn cũ của Dasharatha (bố vua Rama, đất Ayodhya) bị vua Ravana, đất Lanka làm thương và ngã tại đây sau một trận đánh. Vị hoàng đế đã bắt nàng Sita, vợ của vua Rama. Khi Rama đến nơi thì thấy con chim và nói với nó rằng: "Le Pakshi" - nghĩa là "hồi sinh đi chim" theo tiếng Telegu.