Tổng giám đốc Sony Corp công nhận những bài học ở Việt Nam đã giúp ông thích nghi với nền văn hóa nước ngoài và trở thành người đứng đầu tập đoàn điện tử nổi tiếng của Nhật.
Sinh ngày 19/2/1942, bố là người Anh và mẹ là người xứ Wales (thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh), Howard Stringer đến Mỹ vào tháng 2/1965 sau khi tốt nghiệp đại học Oxford ở Anh. Ông đã nộp đơn xin việc đến 20 công ty, nhưng chỉ nhận được duy nhất một giấy gọi làm của CBS - một trong những hãng truyền thông lớn nhất của Mỹ, với công việc ghi lại thời gian phát sóng các chương trình.
“Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, vào tháng 5/1965, tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ từ quân đội Mỹ”, ông Stringer nhớ lại, “Tôi nghĩ chắc có sự nhầm lẫn vì tôi là người nước ngoài, nhưng tôi được cảnh cáo rằng từ chối nhập ngũ sẽ bị trục xuất ngay lập tức. Tôi nhận thấy nếu trở về Anh sẽ chấm dứt luôn cuộc phiêu lưu Mỹ của mình, và tôi chọn việc đi lính”.
Sau khi luyện tập tại Nam Mỹ, Stringer được cử đến Việt Nam năm 1966. Nơi đây, ông đã có nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, nhiều trận chiến khốc liệt - kể cả hai lần bắn nhầm vào quân mình.
“Khoảnh khắc tồi tệ nhất là ngày tôi rời khỏi Việt Nam. Khi máy bay cất cánh, tôi bị tấn công và cánh bên phải của máy bay trúng đạn. Tôi đã nghĩ mình sẽ chết vào ngày hôm nay, nhưng thật may là chiếc máy bay vẫn tiếp tục bay”, ông kể lại.
CEO Sony Howard Stringer. |
Sau khi trở về Mỹ, Stringer làm nhà sản xuất phim tài liệu tại CBS và sau đó trở thành chủ tịch của hãng truyền thông Mỹ CBS Broadcast Group.
“Khi lần đầu đến Mỹ, tôi mơ ước trở thành một đạo diễn phim, nhưng khi từ Việt Nam trở về Mỹ, tôi biết tôi muốn trở thành một nhà báo”, ông nói.
Năm 1997, Stringer được Chủ tịch hãng điện tử Nhật Bản Sony lúc đó là ông Nobuyuki Idei tuyển dụng làm chủ tịch tập đoàn Sony Corp tại Mỹ (SCA). Stringer nói chính sự đam mê thách thức đã khiến ông chấp nhận lời mời.
“Lúc đó, SCA đang thua lỗ nặng vì mảng điện ảnh đang làm ăn ảm đạm và gặp khủng hoảng. Tôi cảm thấy mình có thể dùng kinh nghiệm ở CBS để làm nên sự thay đổi cho Sony, vì thế tôi chấp nhận vị trí đứng đầu SCA như một thách thức”, Stringer nói.
Tháng 6/2005, Stringer trở thành Tổng giám đốc điều hành (CEO) của Sony. Ông là người nước ngoài đầu tiên lãnh chức CEO trong lịch sử hãng điện tử hàng đầu thế giới này.
“Kể từ khi trở thành CEO, tôi đã kêu gọi nhân viên đoàn kết. Sony không chỉ là một công ty Nhật Bản mà còn là một công ty của các nhân viên Nhật. Có lẽ vai trò quan trọng nhất của tôi tại Sony là chứng minh một người nước ngoài không hề gây cản trở trong việc tạo ra giá trị cho công ty. Công cuộc cải tổ đã đưa Sony trở lại con đường phục hồi và phát triển”.