Đưa tin học thành môn chính thức: Mỗi nơi mỗi cảnh

Sau chương trình đưa Internet tới các trường phổ thông, Bộ GDĐT tiếp tục chủ trương đưa tin học (TH) thành môn học chính thức tại các trường phổ thông từ năm học 2006 - 2007. Tuy đây là một chủ trương đúng và đáng hoan nghênh nhưng việc triển khai đang có nhiều trở ngại, nhất là tại các tỉnh còn nhiều khó khăn.

Giảm từ 3 xuống còn 1,5 tiết/tuần

Tùy theo sự phát triển về CNTT ở từng địa phương mà mặt bằng đào tạo CNTT cũng khác nhau. Ở những thành phố lớn, các trường học không phải đối mặt với khó khăn về cơ sở vật chất, thậm chí phòng máy tính còn được trang bị sẵn để phục vụ việc giảng dạy. Đơn cử như trường THPT Gò Vấp (TP.HCM), toàn bộ phòng máy đã được nối mạng và được tận dụng bằng cách tăng cường các lớp học ngoại ngữ, thực hành TH, xóa mù TH cho giáo viên (GV) trong dịp hè (soạn thảo văn bản, giáo án điện tử...) Tại trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, từ năm 1998, nhà trường đã đưa môn TH vào thí điểm. Hiện nay trường đã có 3 phòng thực hành với 110 máy tính nối mạng. Chương trình học do nhà trường tự soạn dựa trên chương trình khung của Sở GDĐT TP.HCM. Mỗi tuần 3 tiết học, trong đó 2 tiết thực hành, 1 tiết lý thuyết. Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Văn Khanh, trưởng bộ môn TH, trong năm học tới, khi TH trở thành môn chính thức thì chương trình của Bộ soạn thảo lại khác hẳn. Mỗi tuần chỉ 1,5 tiết lý thuyết, cả học kỳ chỉ có... 4 tiết thực hành!

Học sinh trong giờ thực hành (Nguồn: SGGP)
Thầy Khanh cũng cho biết thêm: "Chương trình mới rất hay (lớp 10 học những khái niệm cơ bản về máy tính, lớp 11 học lập trình Pascal và lớp 12 học về cơ sở dữ liệu). Tuy nhiên nếu áp dụng cho TP.HCM, Hà Nội hay một số thành phố phát triển khác của nước ta thì không hợp lý lắm do trình độ TH của học sinh ở đó tương đối cao so với các trường ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy nên chăng, Bộ GDĐT giao về cho các Sở tự xây dựng chương trình học dựa trên khung của Bộ?".

Đồng quan điểm với thầy Khanh, ông Lưu Văn Hùng, chuyên viên phòng Giáo Dục Trung Học, Sở GDĐT Hà Nội bày tỏ: "Dẫu rằng việc đưa TH vào dạy đại trà phải tính phủ cho diện rộng nhưng việc tổ chức như hiện nay vô hình trung làm kìm hãm nhu cầu học TH của một bộ phận học sinh. Bộ GDĐT có thể soạn thảo chương trình theo mô-đun và có tính mở. Sẽ có nhiều mô-đun như bảng tính; soạn thảo; lập trình... và cho phép lựa chọn mô-đun linh động theo từng trường, từng lớp, từng học kỳ”.

GV bị giằng co

Theo quy định của Bộ thì GV môn TH là những người tốt nghiệp đại học chuyên ngành, không cần phải có bằng sư phạm, nhưng không phải trường nào cũng thực hiện được yêu cầu này. Thầy Khanh (trường Bùi Thị Xuân, TP.HCM) nhấn mạnh: "Kiến thức chỉ là một phần, nghiệp vụ sư phạm cũng quan trọng không kém. Vì thế những GV TH của trường THPT Bùi Thị Xuân dù đáp ứng đúng yêu cầu của Bộ là tốt nghiệp ĐH chuyên ngành tin nhưng trường vẫn bắt buộc phải đi học những khóa nghiệp vụ sư phạm ngắn hạn để đảm bảo việc dạy cho thật hiệu quả”. Còn tại Yên Bái, theo nhu cầu dạy TH đại trà trong năm học 2006 – 2007, tỉnh cần 39 GV, nếu cân đối theo số GV hiện có thì có thể đủ GV dạy TH nhưng có đến 25/39 GV này là GV trình độ đại học đào tạo môn hai trong đó có một môn là TH. Do vậy, nếu năm học 2006-2007 số GV này chuyển sang dạy Tin thì các trường lại thiếu GV các môn khác, chủ yếu là Toán, Lý.

Cần xã hội hóa

Đối với các trường vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc thiếu thốn về cơ sở vật chất là điều dễ hiểu. Đơn cử tỉnh Yên Bái, 25 trường THPT với gần 8000 học sinh nhưng mới chỉ có 11 phòng máy (trong đó chỉ có 6 phòng có từ 26-31 máy; còn lại 5 phòng có từ 8-13 máy; các máy đều có cấu hình thấp và cũ, hầu như không sử dụng được). Để trang bị đủ số máy tính đảm bảo cho việc dạy TH đại trà ở lớp 10, tỉnh cần 25 phòng máy, mỗi phòng 26 máy tính với tổng số tiền đầu tư là 6,29 tỷ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ đối với một tỉnh nghèo như Yên Bái. Tỉnh Bình Định ước tính số máy tính cần cho việc đào tạo từ nay đến 2010 là trên 1000 bộ, trong đó riêng năm 2006, số tiền cần đầu tư cũng vào khoảng 2,5 tỷ đồng. Ngay tại TP.HCM và Hà Nội, nhiều trường ngoại thành cũng chưa đủ điều kiện để mua máy tính. Trong khi đó, các trường nội thành lại đang lo không có... phòng để đặt máy. Ông Lưu Văn Hùng, chuyên viên phòng Giáo Dục Trung Học, Sở GD-ĐT Hà Nội bày tỏ: "Máy tính không sợ thiếu nhưng lo thiếu phòng. Hiện nay trường nào cũng có một phòng chức năng, một phòng bộ môn, lại thêm một phòng máy tính nữa thì không biết đặt ở đâu khi mà các trường nội thành đều rất nhỏ về diện tích. Có thể năm đầu tiên thì chưa khó khăn vì mỗi trường chỉ cần 1 phòng máy, nhưng sang các năm sau sẽ phải tăng lên 2, 3 phòng mới đảm bảo được chương trình".

Có thể cần một cơ chế xã hội hóa ngay từ việc trang bị cơ sở vật chất? Được biết, hiện nay, phòng Giáo Dục TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đang liên kết với một công ty TH theo mô hình công ty đầu tư máy tính và đảm bảo về kỹ thuật, trường lo phòng ốc, GV. Tiền thu được của học sinh sẽ dùng để trả lương GV, bảo vệ, khấu hao máy, tiền điện. Sau khi trừ hết khấu hao, phòng máy hoàn toàn thuộc về sở hữu của nhà trường. Hay như mô hình ở trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội). Nhà trường kêu gọi sự tự nguyện đóng góp từ phía phụ huynh (có người chỉ góp vài chục nghìn đồng, nhưng cũng có phụ huynh góp đến 1000 USD), thừa thiếu bao nhiêu trường sẽ bù. Đến nay, nhà trường đã có một phòng máy khang trang phục vụ cho việc học tập của học sinh. Trên mỗi máy tính đều có dòng chữ "đây là sự đóng góp của phụ huynh học sinh" vừa để ghi nhận sự đóng góp của phụ huynh, vừa để các em học sinh có ý thức giữ gìn.

Bằng Linh – Mỹ Quyên

Theo PC World VN
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video