Hãng nghiên cứu Mỹ Parks Associates đã tiến hành khảo sát tại các thị trường châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và khẳng định những quốc gia như Hàn Quốc và Nhật đang đi tiên phong trong xu thế xây dựng ngôi nhà kỹ thuật số.
"Ông trùm" công nghệ châu Á là Đài Loan và Hàn Quốc, chiếm trọn hai vị trí đầu tiên, tiếp đến là Mỹ, Canada, Nhật và Australia. Năm nước châu Âu gồm Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy đứng từ hàng số 6 đến 11. Trung Quốc và Ấn Độ xếp sau cùng nhưng đây vẫn là thị trường điện tử lớn, đặc biệt ở khu vực thành thị, bởi dân số cao kéo theo sức mua lớn.
Mỗi quốc gia châu Á lại tập trung vào những thế mạnh riêng. Chẳng hạn, Hàn Quốc dẫn đầu về game máy tính còn Nhật chú trọng game video và điện thoại di động. Người tiêu dùng Hong Kong quan tâm tới IPTV trong khi Đài Loan để mắt đến thế giới mạng gia đình.
Theo chuyên gia John Barrett của Parks Associates, châu Á vượt xa châu Âu và Bắc Mỹ là do sự phong phú về nội dung và độ xâm nhập sâu rộng của kết nối băng rộng ở khu vực này. Nói cách khác, người dân châu Á có xu hướng biến máy tính thành nền tảng giải trí.
Điều này được chứng minh qua hàng loạt các ứng dụng số phục vụ cuộc sống, như dịch vụ hẹn hò qua video của công ty Ericsson cho phép người tham gia ghi lại thông điệp hình ảnh và gửi tới "đối tượng" họ đang tìm hiểu. Dự án MyHeart của hãng Philips theo dõi sức khỏe của người sử dụng qua quần áo sinh - y học thông minh, còn Xovulation là công cụ lập kế hoạch gia đình di động hay ứng dụng XFinance sẽ chịu trách nhiệm quản lý tài chính.
Barrett cho rằng châu Á nhận thức rõ khả năng tùy biến giao diện người dùng và chia sẻ nội dung là điều không thể thiếu trong mỗi sản phẩm, còn chìa khóa dẫn đến sự thành công là tính đơn giản, cá nhân hóa và hội tụ.
Ba "cổng kết nối" chủ đạo là máy tính, điện thoại di động và đồ gia dụng, trong đó có MP3 và đầu DVD. "Kỹ thuật số gia đình sẽ xuất hiện khi chúng ta có thể kết nối tất cả những gì tốt nhất của thế giới", Emmanuel Dieppedalle, Giám đốc kinh doanh của Philips, khẳng định.
T.N.