Châu Á trong cuộc đua tìm kiếm năng lượng xanh

  •  
  • 217

Gió - nguồn năng lượng vô tận của thiên nhiên (Nguồn: Orion-energy)
Tình hình giá dầu vẫn còn ở mức cao trong thời điểm các nước châu Á đang trong giai đoạn bùng nổ kinh tế đã buộc nhiều nước khu vực này phải chuyển đổi dần nguồn nhiên liệu từ dầu khí sang các loại chất đốt sinh học có nguồn gốc từ thực vật nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô.

Tại Ấn Độ, dầu mè được sử dụng để sản xuấtdầu diesel sinh học như một nguồn năng lượng thay thế dùng làm nhiên liệu cho xe tải và các nhà máy điện. Với kế hoạch gia tăng diện tích trồng thầu dầu lên 39 triệu ha, chính quyền Ấn Độ hi vọng sẽ giảm 20% mức diesel truyền thống trong vòng năm năm tới.

Hiện tại, các loại chất đốt thay thế vẫn còn ít được sử dụng tại châu Á, thậm chí ở một số nước, năng lượng sinh học chỉ chiếm chưa đến 1% trong lĩnh vực nhiên liệu được tiêu thụ. Theo nhận định của các chuyên viên năng lượng, nguồn năng lượng xanh chỉ thực sự phát triển tại châu Á trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên tới. Tuy nhiên, theo ông Conrado Heruela, chuyên viên về năng lượng thay thế của tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO), khả năng ứng dụng năng lượng sinh học ở khu vực này là khả quan, trong đó dầu cọ, dầu dừa hay dần mè đang được các nước châu Á nhắm đến trong sản xuất năng lượng sinh học.

Theo chính quyền Ấn Độ, những cuộc thử nghiệm sử dụng nguồn diesel sinh học từ dầu mè để vận hành xe tải và xe bus đã mang lại các kết quả đáng kể. Ấn Độ dự định bán rộng rãi ra thị trường loại diesel sinh học có 5% dầu mè tại các trạm nhiên liệu vào năm 2007. Trong khi đó, tại Thái Lan, quốc vương Bhumidol Adulyadej đã sử dụng nhiên liệu từ dầu cọ cho chiếc xe hơi riêng của ông. Đến nay, hàng trăm trạm xăng ở Bangkok đã bán loại xăng chứa 10% ethanol.

Nếu như Úc, Thái Lan và Ấn Độ dùng mía đường để sản xuất ethanol thì Philippines và một số đảo thuộc Thái Bình Dương dùng dầu dừa để sản xuất điện và diesel sinh học. Malaysia, nước sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới, đã cho phép nhiều xí nghiệp sản xuất diesel sinh học cho xuất khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc đã đưa ra nhiều chương trình khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng thay thế khác như thủy điện, năng lượng mặt trời...

L.XUÂN

Theo AP, Tuổi Trẻ Online
  • 217